BÁC SĨ TẠ THỊ CHUNG ANH HÙNG Y TẾ TRONG THỜI CHIẾN VÀ THỜI BÌNH

          Bác sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung, sinh ngày 10/12/1931, quê ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Sinh ra là người con gái út, được sự yêu thương, chăm sóc của bố mẹ. Dù gia đình làm ruộng cực khổ, cha mẹ  quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng chưa bao giờ để bà phải lội ruộng. Được cha cho đi học, vì sáng dạ nên việc học nghề đối với bà rất nhanh, may khéo. Gia đình có ý định mở  một tiệm may nhỏ để may vá kiếm tiền lo cho cuộc sống nhưng phải bỏ dở vì một biến cố ập đến với bà. Thời con gái tuổi trăng tròn, nhiều trai làng ngỏ ý, đánh tiếng dạm hỏi, nhưng trong thâm tâm bà chưa muốn lấy chồng mà muốn được làm thợ may giỏi, kiếm tiền lo cho cha mẹ. Nhưng lúc ấy lại có một tên “Phòng nhì” muốn cưới bà làm vợ, giai đoạn này Pháp mới chiếm lại Bến Tre, tăng cường lập đồn bót, trấn áp Việt Minh. Nếu bà không đồng ý thì gia đình sẽ gặp nguy hiểm, có thể bị đe dọa, sau nhiều đêm trăn trở bà quyết định tham gia công tác phụ nữ ở xã, phụ trách công tác thiếu nhi vì khi tham gia công tác, ít ở nhà nên tên “Phòng nhì” cũng ít có dịp gặp nản lòng, không ép chuyện cưới.

Ảnh: Bác sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung,

Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

          Năm 1950, bà về công tác ở huyện. Do Pháp chiếm đóng Bến Tre cán bộ dời hết sang Trà Vinh nên bà ở lại vừa hoạt động công tác phụ nữ, vừa tham gia giao liên công khai cho huyện và thoát ly theo cơ quan Huyện ủy về Thạnh Phú. Bà may mắn được cơ quan cử học lớp nữ hộ sinh mà người thầy chỉ dạy trực tiếp thời ấy là Bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trần Hữu Nghiệp. Nghề nữ hộ sinh giúp bà sống gần dân, dựa vào dân và là điều kiện giúp bà hoạt động tốt trong lĩnh vực này.

          Sau hiệp định Geneve, chính quyền Mỹ-Diệm dựng lên, ra sức đàn áp những người kháng chiến cũ. Bà ở lại địa phương hoạt động cách mạng trong vỏ bọc của một nữ hộ sinh. Do từng hoạt động kháng Pháp từ trước nên chúng bắt và tra khảo, không khai thác được thông tin, chúng giam bà tại nhà giam Định Tường. Một năm trời ròng rã, không có đầy đủ chứng cứ địch đành thả bà ra. Được tự do, bà tìm cách liên lạc lại với tổ chức và học thêm lớp y tế, làm y tế và công tác phụ nữ xã. Bà được đơn vị cử đi học y sĩ trên chiến khu R (căn cứ rừng miền Đông) và gửi con lại cho một người đồng đội. Bà học y sỹ ở cơ quan Dân Y, Bệnh viện Trung cao Hoàng Lê Kha. Học xong khóa y sĩ bà được giữ lại làm trưởng khu trực tiếp điều trị bệnh nhân tại bệnh viện. Bà còn được tham gia lớp học bác sĩ khoá III và có cơ hội thực tập tại Bệnh viện Liên Cơ, bệnh viện đóng tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, giáp ranh với biên giới Campuchia. Bà cùng lực lượng y bác sĩ đã cứu chữa nhiều bệnh nhân, cũng biết bao lần bất lực trước những căn bệnh quá nặng vì thiếu phương tiện, thuốc men, điều kiện phẫu thuật.

Bệnh viện Liên Cơ ngày càng tiếp cận nhiều nguồn y, bác sĩ, cán bộ từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam. Bệnh nhân vào điều trị phần lớn là bệnh sốt rét, nhiễm ký sinh trùng trong quá trình vượt Trường Sơn, tham gia chiến đấu thương. Biết bao nhiêu lần bệnh viện bị ném bom, càn quét phải di dời. Mỗi lần dời bệnh viện, bà cùng cán bộ y bác sĩ phải “đùm” bệnh nhân và mang dụng cụ y tế, thuốc men theo. Thường xuyên đào hầm giấu thương binh, xây bệnh viện mới vừa điều trị chăm sóc thương bệnh binh. Khi được cử ra công tác tại Hà Nội, bà được học lớp quản lý bệnh viện ở Trường Quản lý Cán bộ Y tế và Viện bảo vệ Bà mẹ – Trẻ sơ sinh ở Hà Nội. Đây cũng chính là cơ duyên để bà gắn cuộc đời mình với một bệnh viện chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em sau này.

          Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà được bầu làm Bí thư Đảng uỷ, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, một bệnh viện phụ sản quy mô lớn của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Bệnh viện Từ Dũ lúc ấy tuy còn nguyên vẹn nhưng khá cũ kỹ, thiết bị y tế hư hỏng nhiều, cùng với tình trạng phòng sắp xếp rất lộn xộn, nhất là khu các nhà bầu, nơi tạm ngụ cho số đông phụ sản chưa đến ngày sinh. Bà băn khoăn lo nghĩ phải làm cách nào để tận dụng khoa học kỹ thuật và những thuận lợi hiện có để xây dựng bệnh viện, phục vụ bệnh nhân có chất lượng và hiệu quả nhất. Bà cùng với tập thể y bác sĩ Mỗi bác sĩ đã nỗ lực, phát huy được vai trò tích cực của mình. Bác sĩ Hoàng Thị Mộng Châu lo phụ trách Y vụ, sắp xếp lại các khoa phòng, xây dựng một nề nếp sinh hoạt khoa học chính quy. Bác sĩ Bùi Sĩ Hùng cùng các bác sĩ khác đẩy mạnh công tác nghiên cứu các đề tài, có tác dụng làm giảm tỉ lệ tử vong cho các bà mẹ, bé sơ sinh. Riêng bà cố gắng giải quyết các vấn đề hành chính của bệnh viện, đưa ra nhiều kế hoạch đào tạo cán bộ trẻ, những bác sĩ có tay nghề tốt, trình độ chuyên môn khá được phân công kèm cặp các bác sĩ trẻ hay bác sĩ mới chuyển về bệnh viện. Dần dần, tất cả các khoa phòng thống nhất được phát đồ điều trị cho các bệnh nặng, giảm trường hợp tử vong cho các bà mẹ. Nhờ vào tổ chức tốt dịch vụ khám bệnh ngoài giờ, bệnh viện có thêm kinh phí để chủ động mua sắm trang thiết bị, nâng cao thu nhập cho cán bộ công nhân viên chức.

            Năm 1992 bà đề xuất tổ chức thực hiện thu đủ viện phí của người có thu nhập cao để có quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Hơn 30 năm gắn bó với bệnh viện, bà đã góp phần lớn vào công tác cải tạo và nâng cấp bệnh viện ngày càng khang trang, sạch đẹp và mở rộng hơn. Góp phần tháo gỡ những khó khăn trong tài chính và sử dụng kinh phí hợp lý trong công tác xây dựng. Với mong muốn không khí ấm áp, gần gũi, giảm sự căng thẳng cho bệnh nhân khi đến bệnh viện, bà đề xuất với Ban giám đốc thực hiện công trình kiến trúc nghệ thuật trước sân bệnh viện. Bức tượng Hạnh phúc đặt trước bệnh viện do nữ điêu khắc Phan Gia Hương thực hiện nhằm gửi gắm khát vọng mang lại hạnh phúc cho phụ nữ , cho toàn xã hội.

Ảnh: Tập thể nữ cán bộ nghiên cứu khoa học Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ,

thành phố Hồ Chí Minh Giải Kovalevskaia năm 1997, Tư liệu ảnh Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

          Bằng tình yêu thương con người sâu thẳm, đức tính hy sinh, tận tụy, thấu hiểu và sự gần gũi bà đã để lại tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam với những đức tính giản dị những tâm huyết, dịu dàng mà sâu sắc. Cuộc đời tận hiến của bà giúp chúng ta hiểu và trân trọng ý nghĩa của tình yêu thương, sự dũng cảm, tính kỷ luật, sự đoàn kết và lòng vị tha. Sức mạnh của “tấm lòng vàng” ấy sẽ mang yêu thương lan tỏa khắp nơi, giúp hình thành và nuôi dưỡng cho thế hệ trẻ những tình cảm tốt đẹp giữa người với người.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 5 năm 2024

Nguyễn Hà Thanh Trúc

 Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tài Liệu Tham Khảo: 

  • Trầm Hương ( Chủ biên), năm 2003, “ Tấm lòng mở rộng: Chuyện về Bác sĩ – Anh hùng Lao động – Thầy thuốc Nhân dân Tạ Thị Chung”, Nhà xuất bản Hồng Đức ( năm 2006), Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *