BÀ NGUYỄN THỊ THANH VÀ CƠ SỞ NUÔI HEO RỪNG SẠCH

Chúng tôi tìm đến cơ sở nuôi heo rừng của chị Nguyễn Thị Thanh vào những ngày cuối năm tại xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ấn tượng ban đầu là một người phụ nữ hiền lành, chân chất, vui vẻ đội nón lá, đạp xe đạp ra chào đón chúng tôi.

Chúng tôi tìm đến cơ sở nuôi heo rừng của chị Nguyễn Thị Thanh vào những ngày cuối năm tại xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ấn tượng ban đầu là một người phụ nữ hiền lành, chân chất, vui vẻ đội nón lá, đạp xe đạp ra chào đón chúng tôi.

Chị Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1960, quê ở Hà Tĩnh, vùng đất miền Trung của những con người chịu thương, chịu khó. Chồng chị là anh Vương Đình Bơ, với gương mặt phúc hậu, cùng vợ chia sẻ những câu chuyện cho chúng tôi nghe. Họ có với nhau 3 người con là Vương Thùy Trang, Vương Huy Hoàng và Vương Thúy Hằng đều được học hành thành tài. Sở dĩ, chị có điều kiện để lo cho gia đình và các con là do vợ chồng chị có cơ sở nuôi heo rừng giống để tạo ra nguồn thực phẩm có dinh dưỡng cao phục vụ người tiêu dùng.

Vợ chồng chị Thanh xuất thân từ nông dân, cần cù, chịu khó, hiếu học, vừa đi học, vừa đi làm đồng. Anh Bơ có thời gian làm tổ trưởng tổ động vật Công ty Du lịch sinh thái Cần Giờ nên có kinh nghiệm chăn thú (cá sấu, khỉ, heo rừng..). Anh về hưu nên cùng chị nuôi heo rừng để tăng thu nhập, lao động rèn luyện sức khỏe, tuy vất vả nhưng vui vẻ và nhiều nhiệt huyết.

Trang trại nuôi heo rừng của chị Thanh rộng hơn 1000 mét vuông, trung bình số heo trong chuồng gần 60 con. Về cách thức nuôi heo rừng, chị thành công là nhờ tuân thủ các nguyên tắc trong chăn nuôi, luôn giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Kế đến là tiêm vắc – xin đúng liều lượng và đúng thời điểm. Với thức ăn cho heo, chị luôn đảm bảo nguyên tắc đủ, đúng lượng, sạch và dinh dưỡng cao. Thức ăn bao gồm cám gạo, dầu cá, xác đậu nành, rau muống, rau lang, cây keo (lá táo nhân), hèm rượu, rau dền, cây lá khoai mì, mía, xơ mít, sung, vỏ cây đu dủ, xoài… Tuyệt đối không cho heo ăn thức ăn sống để tránh các bệnh về tiêu hóa. Vừa nói, chị vừa dẫn chúng tôi đến trang trại nuôi heo rừng, chỉ cho chúng tôi thức ăn dành cho heo, đặc biệt là lá táo nhân với nhiều công dụng hữu ích về việc chữa bệnh tiêu hóa. Chi luôn quan niệm, con vật cũng như con người, cần có môi trường sống và thức ăn tốt mới phát triển mạnh khỏe. Để chăn nuôi thành công, trước tiên phải có con giống tốt, vì vậy vợ chồng chị Thanh đặc biệt quan tâm chăm sóc heo bố, mẹ. Nhờ công nghệ nuôi heo sạch, khắp khu chuồng trại không hề ngửi thấy mùi hôi, cũng chẳng thấy phân thải ra.Chất lượng sản phẩm heo rừng của chị được người tiêu dùng đánh giá cao và được giới thiệu rộng rãi, vì vậy mà heo nhà chị đều được bán sạch, không lo bị ế, nhiều khi không đủ sản phẩm phục vụ bà con mùa tết.

Vợ chồng chị không những siêng năng, chịu khó làm ăn mà còn thể hiện cách ứng xử, đạo đức, tình nghĩa vợ chồng lại càng thêm đẹp. Hằng ngày, chị dậy sớm nấu tấm gạo thơm cho heo mẹ ăn, bổ sung nhiều chất vào thức ăn để cung cấp đủ dưỡng chất cho heo mẹ nhiều sữa nuôi con. Anh thì siêng năng, kiếm củi, cắt rau, chở về cho chị nấu, anh chị chăm sóc kỹ heo mẹ lẫn con, tiêu chí nuôi heo sạch sẽ, an toàn thực phẩm, tránh ô nhiễm môi trường xung quanh được đặt lên hàng đầu. Thu nhập bình quân việc nuôi heo rừng từ 8 – 10 triệu đồng/ tháng đủ để chị chi tiêu cho những sinh hoạt gia đình. Hai vợ chồng cứ thế yêu thương, hòa thuận với nhau trong công việc lẫn cuộc sống khiến người nghe không khỏi ngưỡng mộ với lối sống đạo đức, tình nghĩa gia đình. Đối với con cái, anh chị luôn nghiêm khắc, tạo cho con tính tự lập từ lúc nhỏ, không phụ thuộc vào kinh tế gia đình, không áp đặt, ép buộc… Đối với công việc, trước sự cám dỗ của đồng tiền,những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã chạy theo lợi nhuận,coi thường sức khỏe, tính mạng của cộng đồng, sẵn sàng bán những sản phẩm heo bị bệnh ra thị trường, còn người tiêu dùng vẫn đang loay hoay không biết tìm đâu ra nguồn thực phẩm sạch giữa một thị trường thực phẩm hỗn loạn như hiện nay…thì gia đình anh chị luôn thật thà chính trực, kiên quyết chỉ cung cấp thực phẩm heo rừng sạch, an toàn, góp phần đem lại nguồn dinh dưỡng quý giá đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Nuôi heo rừng sạch là gia đình chị Nguyễn Thị Thanh đã tham gia vào cuộc chiến chống thực phẩm bẩn trong bữa ăn hàng ngày của con người qua đó thể hiện cái tâm và cái tài của người lao động, kinh doanh. Hiện nay, vợ chồng chị Thanh đã lớn tuổi, không định nuôi heo rừng nữa, nhưng ráng nuôi thêm để nhân giống, giữ giống heo ngon, nhiều dinh dưỡng, nhiều nạc cho người tiêu dùng, khi có nhiều hộ mua giống nuôi rồi, anh chị mới yên tâm nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già với các con. Hy vọng, những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm hãy luôn tỉnh táo trước lợi nhuận trước mắt và hậu quả lâu dài, cùng với gia đình chị Thanh tham gia vào việc ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, góp phần đẩy lùi bệnh tật, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 01 năm 2017

Huỳnh Thị Kim Loan