BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG PHẠM THỊ GẮNG

Đất nước hoà bình, thống nhất có công đóng góp rất lớn của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hơn một triệu người con đã hy sinh trên khắp các chiến trường. Mất mát vì chiến tranh thì nhiều song có lẽ sự mất mát của những Bà mẹ là vết thương lòng khó lành nhất. Bác Hồ đã từng nói: “Nhân dân ta rất biết ơn những Bà mẹ của cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và dạy dỗ những người con anh hùng của cả nước”.

Đất nước hoà bình, thống nhất có công đóng góp rất lớn của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hơn một triệu người con đã hy sinh trên khắp các chiến trường. Mất mát vì chiến tranh thì nhiều song có lẽ sự mất mát của những Bà mẹ là vết thương lòng khó lành nhất. Bác Hồ đã từng nói: “Nhân dân ta rất biết ơn những Bà mẹ của cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và dạy dỗ những người con anh hùng của cả nước”.

Để tôn vinh những người mẹ sinh thành, dưỡng dục những người con cho tổ quốc và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, ngày 29/8/1994 Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” để phong tặng và truy tặng những Mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Bên cạnh đó, nhằm lưu giữ những chân dung, những câu chuyện về mẹ cho các thế hệ mai sau, đã có nhiều công trình nghiên cứu, sáng tác ca ngợi đức hy sinh của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng như: bộ phim tài liệu “Chân dung người mẹ” – của đạo diễn Hồ Minh Đức; Tượng đài Bà mẹ Việt Nam được dựng trong khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ; dự án “Nghiên cứu sưu tầm, trưng bày tư liệu về Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh” và ký hoạ hàng ngàn chân dung những Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở các tỉnh, thành của hoạ sĩ Đặng Ái Việt…

Các Bà mẹ Việt Nam anh hùng là những người phụ nữ rất đổi bình dị, mộc mạc và nhân hậu, nhưng trong kháng chiến, các mẹ không sống cam chịu, tần tảo việc nhà và chăm lo cho kháng chiến:

“Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường

​Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại,

Mẹ khóc mỗi hoàng hôn, chim bay về tổ tối rồi…”

Đi bất cứ nơi đâu, đến bất cứ nơi nào, ta cũng có thể chạm đến nỗi đau của các mẹ. Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Gắng, sinh năm 1917, trú quán ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ là người con của quê hương Củ Chi Đất thép Thành đồng. Lớn lên Mẹ lấy chồng rồi sinh con. Mẹ có 6 người con trai, 2 người con gái, anh thứ sáu mất lúc nhỏ, nhà nghèo, Mẹ phải vất vả làm thuê nuôi các con, người mẹ nào cũng mong cho chồng, con mình luôn được khoẻ mạnh và có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thế nhưng, sống trong thời buổi chiến tranh, Mẹ đã âm thầm động viên chồng, con tham gia cách mạng.

Chồng Mẹ công tác ở Ban liên lạc 12. Vào đầu năm 1947, do bọn chiêu hồi chỉ điểm, chồng Mẹ bị giặc Pháp bắn chết. Biến đau thương thành hành động, mẹ động viên các con vào du kích, tham gia cách mạng nối bước cha anh. Mẹ có 3 người con trai hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ: anh Lê Văn Tắt, sinh năm 1935, là đội viên du kích xã Phú Mỹ Hưng, trong một lần trên đường đi công tác về lại Bến Dược, anh bị giặc Pháp bắn chết vào ngày 16/7/1951. Anh Lê Văn Đực, sinh năm 1942 là du kích xã, hy sinh trong trận chống càn tại chiến hào ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng vào ngày 6/3/1969. Anh đã dũng cảm hy sinh sau khi bắn đến viên đạn cuối cùng; anh Lê Văn Cờ, sinh năm 1947, thoát ly gia đình đi bộ đội, là tiểu đội phó K17, Tiểu đoàn Quyết Thắng, hy sinh ngày 24/1/1964 tại ấp Sa Nhỏ, xã Trung Lập.

Chỉ trong ngần ấy năm mà Mẹ đã lần lượt mất chồng và 3 người con yêu quí của mình. Nỗi đau quá lớn, người mẹ đã nén đau thương, giữ vững tinh thần để tiếp tục hoạt động. Nhà Mẹ là nơi đóng quân, trú ẩn của các cơ quan xã, huyện, đội Văn công T4. Mẹ cũng là thành viên trong Hội Mẹ xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi nhận những nhiệm vụ công tác thường xuyên như: lo hậu cần phục vụ quân dân đào địa đạo, nuôi dưỡng thương binh, tham gia đấu tranh chính trị ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi và ở tỉnh Bình Dương trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến.

Từ năm 1966, địch ném bom B.52 dữ dội, mở nhiều trận càn quét qui mô lớn, hòng biến Củ Chi thành “Vùng đất trắng”. Trong ấp chiến lược dưới sự kìm kẹp của kẻ địch, Mẹ lúc nào cũng nhớ nhà, nhớ người thân và nhớ những đứa con yêu thương đã hy sinh.

Năm 1973, Mẹ trở về quê cũ ở xã Phú Mỹ Hưng. Mẹ cùng với 2 người con gái dựng lại nhà cửa, khôi phục lại ruộng vườn, tiếp tục chăm lo cho bộ đội chiến đấu đến ngày miền Nam được giải phóng. Sau năm 1975, hai con gái lần lượt lấy chồng, anh thứ Tư phục viên trở về chăm sóc Mẹ. Mẹ được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam ký quyết định phong tặng danh hiệu: “Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng” vào ngày 17/12/1994 và người mẹ anh hùng ấy đã được ra miền Bắc thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau ngày giải phóng, dù sức yếu tuổi cao nhưng hằng ngày mẹ vẫn chăm chút ruộng đồng… Mẹ kể về những đứa con của mẹ, nhớ những câu chuyện thời chiến. Mỗi khi nhìn thấy thấp thoáng màu áo xanh bộ đội, lòng mẹ lại rộn ràng. Mẹ mất năm 2008 sau 3 ngày lâm bệnh nặng. Thương lắm những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những Bà mẹ Việt Nam thương chồng con nhưng khi đất nước nguy biến đặt Tổ quốc trên tất cả. ​

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 11 năm 2020

Nguyễn Thị Hết

Phòng Truyền thông- Giáo dục- Quan hệ quốc tế