BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG, ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN ĐỖ THỊ PHỨC

Hình tượng của mẹ đã là nguồn cảm hứng bất tận cho bao sáng tác thơ, văn, nhạc họa. Nghĩ về mẹ, trước mắt tôi lại hiển hiện hình ảnh vô cùng xúc động: Mẹ già tóc đã bạc phơ, tấm khăn len vắt trên vai, giang hai tay chặn đoàn xe tăng địch không cho chúng tàn phá ruộng lúa, xóm làng. Mẹ ngồi khâu áo cho con dưới ánh đèn dầu leo lét, canh chừng cho Chi bộ đang họp dưới hầm bí mật. Bên tai tôi văng vẳng câu hát:

“Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh

Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc

Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác

Bao năm rồi tiếng cuốc vọng năm canh…”

Đó chính là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Phức – người mẹ có sáu người con, cháu hy sinh cho cách mạng. Không chỉ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ còn được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Mẹ Đỗ Thị Phức, thường gọi là mẹ Gấm, sinh năm 1906, dân tộc Kinh, quê ở xã Phương Xá, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Hà. Gia đình mẹ ở trong số 750 gia đình bị thực dân Pháp đưa vào Nam Bộ từ năm 1941 để khai phá đồn điền và trở thành cư dân của ấp 2, kênh 3, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Bị áp bức bất công và chứng kiến cảnh lầm than của người dân trong vùng mình sinh sống, mẹ nung nấu lòng căm thù địch và sớm đến với cách mạng.

Trước năm 1945, gia đình mẹ đã là cơ sở cách mạng trung kiên, mẹ làm công tác giao liên, chuyển đưa công văn, thư từ cho Đảng bộ địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mẹ tham gia Hội mẹ chiến sĩ, tích cực phục vụ bộ đội chiến đấu. Đến thời kỳ chống Mỹ, mẹ hăng hái tham gia công tác cách mạng hoạt động ở vùng tranh chấp giữa ta và địch, tuy có nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng mẹ kiên quyết bám đất, giữ nhà, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, không chịu vào ấp chiến lược. Suốt hàng tháng trời ròng rã, bằng lao động cần mẫn, mẹ bí mật đào xong một hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích.

Năm 1960, mẹ đã nuôi giấu cả một chi bộ Đảng họp tại căn hầm bí mật do mẹ đào. Có lần, mẹ đã lấy thân mình che miệng hầm không cho địch ném lựu đạn vào giết hại các chiến sĩ cách mạng.

Năm 1968, mẹ vận động bà con đấu tranh hỗ trợ cho lực lượng vũ trang. Mẹ thường dùng chiếc khăn len làm ám hiệu cho bộ đội và đoàn biểu tình tiến lên vây đồn, tranh thủ tuyên truyền kêu gọi binh lính trở về với gia đình, người thân. Để nắm tình hình địch, Mẹ dẫn hai cháu lên tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang) giả vờ ăn xin để điều tra và báo cáo tình hình cho cán bộ cơ sở. Bọn địch không thể ngờ bà già dắt hai đứa trẻ còm cõi, ăn mặc rách rưới, khuôn mặt lem luốc, ngửa tay xin người qua đường từng đồng xu lại chính là chiến sĩ trinh sát mưu trí của Đảng. Bằng sự mưu trí và dũng cảm của mình, mẹ vượt qua vành đai kìm kẹp của địch, vận chuyển hàng trăm lần tài liệu, công văn từ xã lên tỉnh an toàn.

Năm 1972, khi bộ đội và du kích chống càn trên cánh đồng Nam Thái, mẹ vận động bà con góp gạo, không quản nguy hiểm, nắm cơm bọc vào khăn, chuyển ra từng ụ chiến đấu cho du kích và bộ đội. Mẹ đã dẫn đầu 40 cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân với địch. Có lần, mẹ cầm cờ lên tận thị xã Rạch Giá đòi Mỹ và chính quyền tay sai phải bồi thường nhân mạng. Mẹ còn tay không dũng cảm đứng chặn mũi xe tăng, ngăn không cho giặc ủi phá xóm làng. Bọn địch định nghiến nát mẹ, mẹ không sợ cứ ngồi yên không nhúc nhích khiến bọn địch phải chùn tay. Nhà nghèo và đơn chiếc, song mẹ không tiếc của cải, công sức, tích cực giúp đỡ bộ đội và du kích chiến đấu từ miếng ăn, chỗ ở, trinh sát tình hình địch. Mẹ không chỉ giỏi vận động bà con giúp đỡ bộ đội mà còn là người làm công tác địch vận giỏi đã thuyết phục, vận động được nhiều lính địch bỏ súng trở về với cách mạng.

Từ năm 1963 đến năm 1972, mẹ Đỗ Thị Phức có sáu người con, cháu hy sinh, nén đau thương, mẹ hăng hái tham gia công tác. Bản thân mẹ đã 4 lần bị địch bắt, tra khảo, dọa nạt, dụ dỗ nhưng không thủ đoạn nào của địch có thể làm lay chuyển khí tiết của người mẹ. Nhân dân xã Nam Thái Sơn yên mến, kính phục mẹ bởi sự dũng cảm phản kháng với giặc, sự che chở mà mẹ dành cho những đứa con bộ đội, du kích; mẹ là tấm gương để người dân trong vùng noi theo. Với những chiến công thầm lặng, mẹ được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng Hạng nhất.

Ngày 6 tháng 11 năm 1978, mẹ Đỗ Thị Phức được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 10 năm 2018

Đào Thị Hồng Quyên

(Viên chức phòng Tuyên truyền- Thuyết minh- Thư viện)