Bộ sưu tập về tín ngưỡng thờ Bà

Việc nhân dân thờ phụng các vị thần nữ không ngoài mục đích bày tỏ lòng biết ơn thần linh, cầu mong các vị thần chở che, bảo vệ, ban cho người an vật thịnh. Các vị thần quan trọng trong đời sống cư dân nông nghiệp xưa như: thần mặt trời, thần mặt trăng, thần lửa, thần nước… đều là các nữ thần. Nữ thần được tôn thờ là những nhân thần rất gần gũi với cuộc sống đời thường của nhân dân, là linh thần được nhân dân tin tưởng, gởi gắm những ước nguyện, lời cầu mong về một cuộc sống ấm no, bình an.

Ở miền Nam, tín ngưỡng thờ Bà hay còn gọi là thờ Mẫu có ít nhiều thay đổi so với tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Bắc. Tục thờ Mẫu Liễu ở miền Bắc khi vào đến miền Nam dần dần biến đổi thành tục thờ Mẹ Sanh, Mẹ Độ hay các vị nữ thần gắn bó với đời thường của người dân miền Nam như: Bà Đen, Bà Chúa Xứ, Bà Ngũ Hành …

Người Việt lấy việc thờ cúng tổ tiên làm trọng và thờ cúng tổ tiên 3 đời. Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, người Việt còn thờ Bà Chúa Xứ, Bà Ngũ Hành, Bà Chúa Ngọc, các vị Thánh Mẫu …

Với người Kh’mer, không có tục thờ cúng tổ tiên mà việc thờ cúng tổ tiên đã nhập chung với tín ngưỡng Phật tiểu thừa. Người Kh’mer còn có tín ngưỡng hồn lúa, họ quan niệm cây lúa giống như người phụ nữ ban phát nguồn sữa nuôi sống con người.

Người Hoa rất yêu kính cha mẹ và tôn kính Phật Bà. Đối với cộng đồng người Hoa ở miền Nam, Bà Thiên Hậu được xem là vị thần cứu khổ cứu nạn trên biển khi họ phải vượt muôn trùng biển khơi để lánh nạn đến nơi an toàn. Ngày vía Bà là ngày 23/3 âm lịch. Ngoài ra, vào ngày Tết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, người Hoa cũng đến viếng Bà rất đông đảo.

Người Chăm lại tôn thờ vị Thần Mẹ: Bà PôINưNaGa, lễ vía Bà (lễ hội tháp Bà) được tổ chức hằng năm từ ngày 14 đến 16/3 âm lịch.

Dần dần, do sự giao lưu văn hóa cộng đồng, các vị nữ thần hầu như được thờ phụng và tôn thờ cho dù là người Việt, Hoa, Chăm hay Khơmer. Nếu như người Chăm thờ Bà PôINưNaGa thì sang đến người Việt đã trở thành Thiên Y A Na Thánh Mẫu với nhân dạng thân thế và thần tích phù hợp trong tâm thức người dân Việt.

Thường thì tín ngưỡng dân gian gắn liền với lễ hội. Chúng ta có thể nhận diện được những hình thức tín ngưỡng thông qua các lễ hội như: lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương, Tây Ninh, lễ hội Katê của người Chăm-Ninh Thuận, lễ hội Bà Thu Bồn ở Duy Xuyên-Quảng Nam, lễ hội Kỳ Yên ở các đình làng ….

Sưu tập “tín ngưỡng thờ Bà” gồm 1.414 hình ảnh, nội dung phong phú về các loại hình tín ngưỡng thờ Bà độc đáo ở miền Nam. Bên cạnh đó, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ còn tham gia và thực hiện hàng trăm giờ ghi hình phim tư liệu các lễ hội gắn liền với phong tục thờ Bà ở một số địa phương miền Nam.

Tuy còn tồn tại những hủ tục cần phải loại bỏ nhưng rõ ràng tín ngưỡng dân gian luôn mang những giá trị tinh thần cao quý và đó chính là truyền thống nhân văn, đạo đức làm người, văn hóa của dân tộc từ cổ xưa mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *