Bộ sưu tập trang sức phụ nữ miền Nam

Ngay từ rất xa xưa, con người đã biết sử dụng nhiều chất liệu để làm trang sức. Các dân tộc cư trú ở Việt Nam đều có những lọai hình trang sức cơ bản như khuyên tai, vòng tay, vòng cổ… với nhiều kiểu mẫu đã tạo thành những nét độc đáo, nết riêng của từng tộc người.

Với người Việt cổ, ngay từ thời đại đá mới, con người đã biết lấy vỏ ốc, vỏ sò, đục lỗ xuyên dây để làm trang sức; sau đó là cưa, đục, khoan, mài nhẵn, đánh bóng để làm hoa tai, vòng, nhẫn… với trình độ kỹ thuật tinh xảo. Bộ sưu tập trang sức thuộc các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo… với những sản phẩm độc đáo như khuyên tai đá, trâm cài đầu, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, chuỗi hạt chất liệu thủy tinh… là minh chứng cụ thể của những nền văn hóa rực rỡ trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Khác với phụ nữ Việt, phụ nữ các dân tộc ít người ở Tây nguyên thích đeo những vòng kim lọai xoắn trôn ốc, căng tai bằng ngà và những chuỗi hạt nhiều màu sắc. Trang sức cổ của người Chăm là những xâu chuỗi bằng mã não, bạc,vàng – chất liệu được ưa chuộng và sử dụng nhiều trong chế tác trang sức. Trang sức phụ nữ Kh’mer chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ nhưng vẫn mang sắc thái riêng biệt của tộc người với những đường nét hoa văn được chạm khắc một cách tinh xảo.

  Theo thời gian, nghệ thuật trang sức và chế  tạo đồ trang sức ngày càng hoàn thiện hơn về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc. Những lọai trang sức như vòng tay, hoa tai, nhẫn…bằng đồng, bạc , vàng, kim cương vẫn liên tục kế thừa hình dáng những mẫu trang sức của  người xưa, góp phần quan trọng vào việc bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

          Với bộ sưu tập “Trang sức của phụ nữ miền Nam” gồm 1155 hiện vật, Bảo tàng Phụ Nữ Nam bộ mong muốn giới thiệu đến khách tham quan những lọai hình trang sức tiêu biểu, độc đáo, cùng sự đa dạng về chất liệu, màu sắc,thể hiện khiếu thẩm mỹ, đôi tay khéo léo của người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *