Bộ sưu tập cồng chiêng Tây nguyên

Văn hoá cồng chiêng xuất hiện và phát triển từ lâu, gắn liền với nền văn hoá đồng thau của dân tộc ta cách nay trên dưới 3.000 năm, là loại hình nghệ thuật đặc sắc trong lịch sử văn hoá của các dân tộc ít người ở Tây nguyên. Cồng chiêng là nhạc cụ không chỉ đơn thuần để giải trí, mà còn là một nghi thức không thể thiếu, gắn liền với lễ hội và những sự kiện quan trọng trong đời sống của cư dân các dân tộc Tây nguyên. Vì vậy, cồng chiêng được xem là vật thiêng, là phương tiện để con người liên hệ với thần linh.

Cồng chiêng Tây Nguyên có những nét đặc thù trong thang âm, điệu thức, tiết tấu mà cồng chiêng các nước khác không có. Cồng chiêng Tây nguyên rất đa dạng. Dàn cồng chiêng có thể chỉ đơn giản gồm 2 chiếc cồng, có khi đến 9, 12, 15 chiếc cồng và chiêng. Mỗi dàn có tên gọi riêng như: Knah Ring, Đồng La, Arap, Trum, Avong, Pello,… Tên gọi của từng chiếc cồng chiêng trong mỗi dàn cũng rất phong phú, được đặt dựa theo âm thanh phát ra, hoặc theo vai trò của nó trong dàn nhạc, mang dấu ấn chế độ mẫu hệ của người Tây nguyên. Trong dàn cồng chiêng, hầu hết những chiếc cồng phát ra âm thanh thấp – âm cơ bản – mang tên “mẹ”. Trong những dàn có từ 9 cồng chiêng trở lên, bên cạnh cồng “mẹ”, có thêm cồng “cha”, tiếp theo là các cồng “con”, cồng “cháu”…

Biểu diễn cồng chiêng không chỉ là đặc quyền của nam giới mà còn có sự tham gia của phụ nữ. Hiện nay, có nhiều đội cồng chiêng nữ nổi tiếng của người Lạch ở Lạc Dương – Lâm Đồng, của người Êđê ở Buôn Trấp – Đắk Lắk, của người M’nông ở Đắk N’Drung – Đắk Nông, của người S’tiêng ở Cát Tiên – Lâm Đồng, của người K’ho ở Di Linh – Lâm Đồng, … Trong số đó, nổi bật là đội cồng chiêng nữ “lão làng” nhất hiện còn hoạt động và duy trì ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Từ lâu, hiểu được tầm quan trọng của loại nhạc cụ kim loại độc đáo này, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã sưu tầm được 144 chiếc cồng – chiêng, trong đó có 15 bộ được các chuyên gia thẩm định, đánh giá là hoàn chỉnh. Bộ sưu tập cồng – chiêng của Bảo tàng tuy chưa nhiều nhưng cũng góp một phần đáng kể vào việc giữ gìn di sản văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.