BỘ QUÂN PHỤC CỦA MẸ PHẠM THỊ KHAI

Để có được nền hòa bình độc lập như ngày hôm nay, nhân dân ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; có biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống là có ngần ấy những bà mẹ khóc con, vợ khóc chồng. Mất mát vì chiến tranh nhiều vô cùng, song có lẽ sự mất mát ở vết thương lòng của những bà mẹ là khó lành nhất. Mẹ Phạm Thị Khai cũng không là ngoại lệ trong số những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng những người con của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Mẹ có hai người con là liệt sĩ: liệt sĩ Đỗ Thị Nga hy sinh ngày 10/10/1965 và liệt sĩ Đỗ Văn Dũng là Tiểu đội phó trinh sát F.70 thuộc Bộ tham mưu miền Nam, hy sinh tháng 11/1973

Mẹ Phạm Thị Khai, sinh năm 1928, quê ở Thủ Thừa, tỉnh Long An, tham gia cách mạng năm 16 tuổi, vào Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1947. Ngay từ những năm đầu kháng chiến, Mẹ cùng chồng được điều về Sài Gòn – Gia Định hoạt động trong lòng địch. Chồng Mẹ bị bắt và bị đày đi Côn Đảo, còn lại một mình Mẹ với hai con thơ, nhưng Mẹ vẫn tiếp tục đấu tranh, lãnh đạo công nhân biểu tình với cương vị là Bí thư chi bộ hãng dệt Nam Á và vận động binh lính trong bót địch ở Tây Ninh đem nộp 6 khẩu súng, 800 viên đạn cho cách mạng. Sau đó, Mẹ trở về Đức Huệ, tỉnh Long An tiếp tục công tác binh vận, giao liên. Mẹ bị địch bắt vào tháng 8/1969 và bị giam tù 5 năm. Ra tù, Mẹ lại tiếp tục công tác ở Ban binh vận. Sau ngày giải phóng 30/4/1975, tháng 10/1975, Mẹ công tác tại Sở Công an TP.HCM và đến tháng 12/1981, Mẹ nghỉ hưu. Năm 2007, Mẹ được tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Khi thực hiện “Dự án nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày tư liệu Mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh”, Mẹ Phạm Thị Khai đã tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ “Bộ quân phục cựu chiến binh” –  là bộ quần áo Mẹ sử dụng khi tham gia Hội cựu chiến binh tại quận Thủ Đức. Với Mẹ, bộ quân phục nhắc nhở kỷ niệm một thời xông xáo của tuổi trẻ, của sự dấn thân cho hòa bình, độc lập dân tộc mà Mẹ và các thế hệ cha anh đã trải qua. Trở về với cuộc sống đời thường sau ngày đất nước thống nhất, người cựu chiến binh năm xưa vẫn còn nguyên vẹn tình yêu quê hương và tinh thần sẵn sàng dấn thân vào công việc xây dựng địa phương. Người nữ chiến sĩ trung kiên ngày nào giờ là một cựu chiến binh gương mẫu trên tất cả mọi mặt trong công tác và sinh hoạt. Mẹ nói với chúng tôi, mình phải sống, làm việc, lao động với tinh thần, ý chí, nghị lực, lòng dũng cảm và lòng yêu nước của người lính năm xưa.  Mẹ tích cưc tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội và bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương nơi cư trú, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hội viên.

Khoác lên người bộ quân phục cựu chiến binh màu xanh quen thuộc của một thời binh lửa với biết bao cảm xúc thiêng liêng, người cựu quân nhân đã và đang nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nêu cao ý chí tiến công cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn luôn là lực lượng “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”.

Bạn đọc muốn viết bài dự thi cảm xúc về Mẹ do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ từ những nhân vật lịch sử, hãy tìm đến Mẹ Phạm Thị Khai, hiện Mẹ cư ngụ tại số 54, tổ 5, đường Linh Đông, khu phố 7, phường Linh Đông, Quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

                                                Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 5 năm 2012

                                                                        Ngọc Phương

                alt alt

Bộ quân phục cựu chiến binh của Mẹ VNAH Phạm Thị Khai