ÁO TƠI TRUYỀN THỐNG – MỘT NÉT VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI VIỆT

Với miền khí hậu nhiệt đới ẩm ở nước ta, có lượng mưa dồi dào và độ ẩm cao thì chiếc áo mưa được xem là vật bất ly thân, luôn là người bạn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường. Có nhiều loại áo mưa được thiết kế để mặc khi không có trời mưa (che nắng hay bụi), bấy nhiêu thôi cũng đã cho thấy sự thông dụng của chiếc áo tuyệt vời này.

Tuy nhiên, cách đây một thế kỷ trước, người Việt chúng ta lại chưa từng biết đến áo mưa được làm bằng cao su tráng nhựa hay PVC (Polyvinhylchloride Clorua) chống thấm gì cả, bù lại họ đã sáng tạo ra chiếc áo mưa truyền thống che mưa, che nắng hiệu quả gọi là áo tơi. Cho đến ngày nay thì áo tơi như là một chiếc áo đặc trưng của truyền thống Việt Nam.

Áo tơi mẹ mặc một thời

Che mưa che nắng, che trời bão dông

Hai sương một nắng trên đồng

Cái nắng tháng sáu mưa dông ngày hè

Với bề dày lịch sử của nước ta thì chiếc áo tơi truyền thống là nông cụ gắn liền với đời sống cơ cực của người nông dân mộc mạc ở làng quê. Chúng đã cùng họ trải qua và chứng kiến biết bao sự kiện, là chiếc áo vững chắc bảo vệ và đồng hành cùng với người dân nghèo.

Trích theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Áo tơi là loại áo khoác được cấu tạo bởi nhiều lớp lá đan xen và cố định bằng chỉ khâu, áo dài đến bắp chân, áo tay cộc, dây buộc ở vị trí cổ. Áo tơi khi mặc rất thoải mái, dễ chuyển động khi cày cấy, lao động đồng áng. Áo tơi được dùng chủ yếu để che mưa, nắng, gió, là sản phẩm phổ biến ở những làng quê Việt Nam vào giữa thế kỷ XX”.

Nói là chiếc áo nhưng cũng chỉ là một mảnh lá kết lại, khi cuộn lại thành vòng tròn quanh người, khoét một lỗ trống ở biên để buộc sợi dây tròng vào cổ. Phía chân áo được rút ngắn hơn phần thân để ôm vào người.

Do thời xưa không có các vật liệu khác thích hợp hơn như ni-lông bây giờ nên áo mưa tơi được làm bằng các loại lá cây như: lá kè, lá đùng đình hay các lá họ cau, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, như lợp mái nhà, đánh thành tấm, phía trên có dây (thường là bằng mây) rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng. Lá thường được hơ lửa, rồi đem phơi sương một đêm cho dẻo và phơi nắng một buổi mới có thể đưa ra dùng, xếp thành lớp từng 5 lá chồng lại nhau dùng chiếc nẹp gỗ kẹp lại và xâu lại bằng kim. Mây sẽ chẻ ra thành dây, ngâm vào nước khoảng hai tiếng để cho mềm và dễ chẻ.

Ngoài ra, còn có loại áo mưa – tương tự như áo tơi của người Việt, được đan bằng nan tre trát dầu rái bên ngoài để nước không thấm vào được phía trong và giúp các nan trong áo mưa không bị mục nát. Loại áo mưa này thường được làm rất kỳ công và có thời gian sử dụng rất dài, có thể từ 10 – 20 năm. Chiếc áo mưa là một trong những hiện vật đặc biệt đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trong chuyên đề Một số nông cụ truyền thống của Phụ nữ miền Nam.

Không chỉ có thơ, hình ảnh chiếc áo dân dã cũng đã trở thành đề tài xuất hiện trong nhiều loại hình văn học, nghệ thuật, như trong ca khúc nổi tiếng “Ca dao em và tôi” của nhạc sĩ An Thuyên có đoạn viết:

“ Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng

Dù trời đổ nắng chang chang vẫn toả

Để nghĩa tình đừng nhạt đừng phai

Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai…”

Trong bối cảnh ngày trước, khi đất nước còn khó khăn, những chiếc áo tơi một thời đã gắn bó bao thế hệ với nhiều tiện ích. Dù rằng ngày nay người dùng không còn nhiều, nhưng áo tơi đã trở thành một nét in đậm trong ký ức của bao người. Không chỉ toát lên nét đẹp lao động của người nông dân, chiếc áo tơi truyền thống giờ đây đã trở thành một phần văn hoá của người dân Việt và là niềm tự hào của dân tộc.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 9 năm 2022

Nguyễn Thị Kim Voanh

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tham khảo:

  1. https://aomuasonthuy.com/ao-toi-ao-mua-truyen-thong-tuong-trung-cho-nen-van-hoa-viet-nam-xua/
  2. https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202112/ao-toi-gio-van-quang-vai-ra-dong