ÁO DÀI – GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT

Khi nói đến trang phục truyền thống của người Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến “Áo dài”. Trải qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quá trình phát triển lịch sử, tà áo dài Việt Nam vẫn tồn tại cùng với thời gian, được xem là trang phục truyền thống, là một biểu tượng trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Chiếc áo dài Việt Nam tượng trưng cho sự thuần khiết, bên trong chiếc áo dài tưởng như đơn giản nhưng lại chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Tà áo dài truyền thống được người Việt Nam bảo tồn qua nhiều thời kì, trân trọng để truyền lại cho thế hệ mai sau. Áo dài cũng là minh chứng cho sự thay đổi của Việt Nam, trường tồn với thời gian, trở thành quốc phục của đất nước Đã từ lâu, áo dài là một biểu tượng văn hóa gắn liền với hình tượng phụ nữ Việt Nam. Qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của những người phụ nữ Việt.Áo dài là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam bởi chứa đựng trong đó là những tinh hoa, tâm hồn, tính cách của người Việt Nam. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm nhưng đến nay, chiếc áo dài vẫn giữ nguyên giá trị trong đời sống văn hóa và tinh thần trong xã hội Việt Nam. “Áo dài Việt Nam xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể”, là khẳng định của các đại biểu tại Hội thảo: “Tham vấn chuyên gia về lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến áo dài” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 10/12/2020 tại Hà Nội.

alt

alt

alt

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, đây là hoạt động quan trọng, đưa ra những đề xuất để cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục vào cuộc nhằm tôn vinh Áo dài Việt Nam bằng giá trị pháp lý. Hội Phụ nữ rất tích cực trong việc hoàn thiện các thủ tục để Áo dài được công nhận là di sản, tuy nhiên trách nhiệm việc này là thuộc Nhà nước. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã gửi công văn đến các tỉnh thành trong cả nước và đã nhận được phản hồi trong việc lựa chọn những giá trị nào của áo dài ở các địa phương để hoàn thành hồ sơ, cũng như làm căn cứ để tiến hành các thủ tục trong việc công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể.“Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài và niềm tự hào về áo dài của hàng triệu người dân và phụ nữ Việt Nam đã góp phần khẳng định vị thế áo dài trong đời sống xã hội. Do đó, áo dài xứng đáng được tôn vinh là một di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam”, bà Bùi Thị Hòa khẳng định.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng để có thể vinh danh áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới được xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thểđại diện cho nhân loại, các cơ quan chức năng cần nhận diện, đánh giá đầy đủ về những giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam và có cách tiếp cận nghiên cứu, quản lý, bảo vệ phù hợp để bảo đảm sức sống của di sản theo tinh thần Công ước 2003 và Luật Di sản văn hóa.. để nhận diện chính xác khía cạnh di sản văn hóa phi vật thể liên quan và thành công trong việc xây dựng hồ sơ, cần xác định khía cạnh phi vật thể của áo dài để đưa ra tên, nội hàm, xác định cộng đồng chủ thể, trung tâm di sản, vùng lan tỏa và kiểm kê di sản. Đặc biệt, trước khi xây dựng hồ sơ, các địa phương được coi là trung tâm của di sản áo dài cũng phải thực hiện kiểm kê để đưa di sản này vào danh mục kiểm kê quốc gia; làm hồ sơ để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quy định của chính sách bảo vệ di sản của Việt Nam. Với góc nhìn của nhà nghiên cứu các chuyên gia đều cho rằng, vượt qua giá trị của chính mình trong vai trò một sản phẩm tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến một vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam trong thời bình cũng như thời chiến. Không đơn thuần là trang phục truyền thống, mà áo dài còn là một nét văn hóa nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần dân tộc Việt Nam. Có thể nói rằng, áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới. Không chỉ xuất hiện trong các cuộc thi trang phục dân tộc, các cuộc thi hoa hậu… áo dài Việt Nam đã xuất hiện trên khắp thế giới. Theo các chuyên gia, áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, được coi là trang phục truyền thống của Việt Nam, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể. Nếu như áo dài phụ nữ là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng, làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch, thì áo dài nam lại mang nét trang trọng, nghiêm cẩn. Bên cạnh các giá trị truyền thống, cốt lõi, thì trang phục này, đặc biệt là áo dài phụ nữ đã luôn được sáng tạo, không ngừng biến đổi về kiểu dáng lẫn chất liệu, phụ kiện, bổ sung những giá trị mới phù hợp với xã hội và được xem là di sản văn hóa phi vật thể của đất nước.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 12 năm 2020

Trịnh Thị Tuyết Hằng

Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Trưng bày