ANH HÙNG TRONG CHIẾN TRANH, TỎA SÁNG TRONG HÒA BÌNH.

KỶ NIỆM 39 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2014)

Anh hùng trong chiến tranh, tỏa sáng trong hòa bình.

Từ Quảng Trị trở vào, có 153 phụ nữ miền Nam được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. (Con số đó đến năm 2013, còn tăng lên nhiều lần). Đó là niềm tự hào của đất nước, như một điều hiển nhiên, Tổ quốc Việt Nam có những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con gái, con trai anh hùng. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, có 18 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Mỗi cuộc đời của một nữ anh hùng là một bản anh hùng ca về lòng dũng cảm, gương hy sinh, xả thân, tận tụy vì dân, vì nước. Từ một nữ nông dân nghèo ở Hóc Môn, có con nhỏ, nhiều lần bị từ chối khi gia nhập bộ đội, Hồ Thị Bi đã tập hợp những người nông dân yêu nước, có hoàn cảnh “bất lợi” như mình đánh giặc. Bà trở thành Đại đội trưởng Đại đội 2804 kiêm trưởng Ban công tác số 12 của thành Sài Gòn-Gia Định, đặc trách khu vực Hóc Môn-Bà Điểm, có những trận đánh làm kẻ thù khiếp sợ. Một người vợ, người mẹ như bà Hồ Thị Bi lúc ấy phải vượt lên muôn vàn khó khăn, chịu đựng nhiều mất mát để được đánh giặc và đánh giặc giỏi. Bà lại nhận nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa cách mạng nơi cánh rừng miền Đông, hai lần chân cứng đá mềm vượt Trường Sơn, suốt chặng đường 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm đánh Mỹ…

Tên tuổi Đặng Thị Đê (Sáu Đê) là niềm tự hào của phụ nữ Trà Vinh, người phụ nữ lập những kỳ tích trong công tác giao liên, rất mưu trí, dũng cảm. Với cương vị Đoàn phó Phụ nữ Cứu Quốc tỉnh, hơn 20 năm, suốt hai cuộc kháng chiến, đôi chân bà đã in dấu trên mọi miền đất nước. Bà là người có công xây dựng và lãnh đạo mạng lưới giao thông, lúc bí mật, lúc công khai trên khắp vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Với đôi tay gầy, con thuyền mong manh đối mặt với sóng gió, Sáu Đê dong ruỗi hết đoạn sông này đến dòng sông khác, hết con kênh này xuyên cánh rừng kia; bền bỉ, kiên trì nối liền mạch máu cách mạng, trong mọi tình huống, quyết không để đường dây bị cắt đứt. Không chỉ mưu trí mang tài liệu, bà còn phụ trách vận chuyển vũ khí cho Khu ủy bằng xuồng ghe, qua nhiều đồn bót giặc. Bà hiện sống tại quận Bình Thạnh. Tuy tuổi cao sức yếu, bà vẫn động viên con cháu cống hiến sức lực cho công cuộc xây dựng đất nước.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Bời (Tư A) tham gia cách mạng từ năm 1949, khi được tuyên dương anh hùng là trung úy, tổ trưởng tổ giao liên tình báo, thuộc Bộ Tham mưu quân khu 7. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Tư A làm tổ trưởng binh vận của Trung đoàn 300, vận động được nhiều binh lính địch trở về với nhân dân, nắm địch tình, góp phần quan trọng cho đơn vị diệt và bắt toàn bộ địch ở đồn Hưng Long. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tư A là cán bộ tình báo, vừa làm nhiệm vụ chuyển tài liệu, tin tức ra căn cứ và truyền đạt chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên tới các cơ sở của ta vào trong thành phố Sài Gòn. Bà đã có hơn 600 chuyến liên lạc bí mật, an toàn; đã dũng cảm, mưu trí, vượt qua khó khăn, nguy hiểm, xây dựng được nhiều cơ sở và mạng giao liên ở ngay nơi địch canh phòng, lùng sục; xây dựng được mạng lưới tình báo quan trọng từ Sài Gòn đi Châu Đốc, Mỹ Tho, Tây Ninh… Trước chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, dù được trên cho nghỉ điều trị bệnh nhưng Tư A kiên quyết đi làm nhiệm vụ. Bà đảm đương công tác chuyển tài liệu, chỉ thị cấp trên vào Sài Gòn và lấy được bản đồ thành phố có ghi rõ các khu vực địch đóng quân, phục vụ kịp thời chiến dịch. Sau chiến tranh, dù cuộc sống có lúc vô cùng khó khăn, bà vẫn kiên định, dũng cảm vượt qua, giữ vững phẩm chất của người anh hùng.

Tạ Thị Kiều (Mười Lý), cô gái xã An Thạnh, Mỏ Cày, Bến Tre mới tuổi đôi mươi đã lập thành tích “tay không hạ bót, cắm cờ”. Vũ khí hiếm hoi, lực lượng mỏng, chị đã đánh giặc bằng mưu trí, nhiều bót địch liên tiếp bị hạ. Do khôn khéo, chị giữ được thế hợp pháp lâu dài, làm tốt công tác binh vận, tranh thủ những gia đình có quan hệ và cảm tình với cách mạng, phân hóa và cô lập bọn ác ôn ngoan cố, phát triển cơ sở “nội tuyến” vững chắc ngay trong lòng địch. Chị được tuyên dương anh hùng vào tuổi còn rất trẻ. Đó cũng là một trong những cô gái được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên ở miền Nam (năm 1965).

Từ nỗi đau tận cùng khi trong gia đình, lần lượt cha, anh em ruột, chồng con đều bị địch giết hại, chị Võ Thị Huynh ở xã An Điền, Bến Cát, Sông Bé tham gia hoạt động du kích tại địa phương. Năm 1968, chị vừa làm hộ lý vừa học y tá quân y huyện Bến Cát. Trong điều kiện công tác vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt; chị vừa điều trị vừa nuôi dưỡng hàng chục thương binh dưới địa đạo. Nhiều lần máy bay, pháo binh địch đánh vào trạm, chị dũng cảm cứu chữa và bảo vệ thương binh an toàn. Bị địch vây và phong tỏa hơn tháng liền, hết lương thực, chị đi đào củ, hái rau rừng nuôi dưỡng thương binh. Khi nhận nhiệm vụ đưa gần 20 thương binh ra tuyến ngoài, trong tay không một hạt gạo, chị vừa chăm sóc, động viên vừa tự mình tìm kiếm lương thực cho thương binh ăn trên đường, như nhiều lần chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khiêng thương binh từ trận địa về trạm phẫu và từ trạm phẫu ra tuyến ngoài. Chị còn là một tấm gương hiếu học rất đáng trân trọng. Chất nữ tính cao đẹp kết hợp với lòng dũng cảm của người lính đã làm nên tính cách anh hùng của một người phụ nữ vốn yêu chồng thương con, yêu đồng bào, đồng đội.

Năm 15 tuổi, chị Phạm thị Mỹ (Oanh) xung phong vào bộ đội, làm chiến sĩ giao liên, vận chuyển vũ khí và trực tiếp chiến đấu. Khi làm giao liên và vận chuyển vũ khí, mặc dù địch kiểm soát chặt chẽ, chị luôn dũng cảm, mưu trí, khéo cải trang, ra vào Sài Gòn chuyển mệnh lệnh, vũ khí cho các đơn vị hoạt động và đưa đón hơn 200 lượt cán bộ ra vào nội thành được an toàn. Mùa xuân 1968, chị thuộc cánh quân đảm trách đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy. Suốt 3 ngày bám trụ chiến đấu, lúc dùng súng tiểu liên, lúc dùng B.40 phá 2 khẩu đại liên, diệt nhiều tên địch. Có lúc chị trèo lên ngọn cây quan sát hỏa lực địch báo cho đồng đội bắn. Khi đơn vị hết đạn, chị đã dũng cảm vượt qua lưới lửa dày đặc của địch, chuyển được 2.000 viên đạn AK, 35 ký-lô-gram thuốc nổ để các chiến sĩ tiếp tục chiến đấu. Mậu Thân đợt 2, chị cùng đơn vị đánh chiếm quận 5 và quận 6 Sài Gòn. Suốt 7 ngày đêm bám trụ, vượt qua bom đạn ác liệt, dù gương mặt xinh tươi bị đốt cháy, chị vẫn hoàn thành nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, nêu tấm gương dũng cảm, bền bỉ chiến đấu, góp phần cổ vũ, động viên các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ…

Trong năm 1970, tuy tình hình Sài Gòn-Gia Định vẫn còn rất căng thẳng nhưng các đội biệt động N10, N13 và nhiều đội khác đã thực hiện nhiều trận đánh đạt hiệu quả và gây được tiếng vang. Ngày 20/01/1970, nữ biệt động Trần Thị Mai dùng 4 ký thuốc nổ mạnh loại C4, ngụy trang trong 2 lon sữa gui-gô, đột nhập rạp chiếu bóng Đại Nam (đường Trần Hưng Đạo) làm thương vong 70 tên Mỹ. Ngày 7/02, Mai ném lựu đạn vào trụ sở ngụy đường Cô Bắc, diệt 12 tên địch. Tiếp theo, ngày 14/3, chị dùng 3 ký thuốc nổ mạnh C4 ngụy trang trong hộp bánh Tây, tấn công khách sạn kế rạp Eden đường Nguyễn Huệ diệt nhiều tên Mỹ ngụy đến đây ăn chơi. Ở các trận khác, chị có cách đánh táo bạo, dứt điểm, thu nhiều thắng lợi. Chị bị địch bắt giam 2 lần, bị tra tấn dã man nhưng kiên quyết không khai báo. Trong những ngày hòa bình, vượt qua những di chứng vết thương chiến tranh, tiếp tục chiến đấu vượt qua đói nghèo, trong mọi hoàn cảnh, chị luôn nỗ lực thể hiện phẩm chất sáng ngời, cao đẹp của người anh hùng.

Tháng 1 năm 1970, nữ biệt động Đoàn Thị Ánh Tuyết quê ở Mộ Đức, Quảng Ngải, thuộc đội biệt động N13, trở vào Sài Gòn nhận nhiệm vụ tổ chức một số trận đánh quan trọng. Nhờ mưu trí, táo bạo và chọn đúng thời cơ, vượt qua sự kiểm soát chặt chẻ của địch, chị đưa được 2 ký thuốc nổ vào tòa hành chánh quận 3, phá hủy hầu hết hồ sơ quan trọng của chúng, diệt 15 tên địch. Tháng 2 năm 1970, Tuyết lại nhận nhiệm vụ đánh vào Trung tâm báo chí quốc gia ngụy. Dù địch đề phòng rất nghiêm ngặt nhưng chị vẫn lọt được vào bên trong, đặt mìn phá sập tầng trên tòa nhà, diệt 10 tên bồi bút chiến tranh tâm lý chuyên bôi nhọ cách mạng

Những năm 1970, nữ biệt động Nguyễn Thị Thu Trang hoạt động ở địa bàn Sài Gòn, chỉ huy tổ biệt động đánh 8 trận. Trận nào chị cũng thể hiện bản lĩnh, mưu trí, táo bạo, bất ngờ trong cách đánh. Riêng chị diệt 150 tên địch, hầu hết là Mỹ và bọn sĩ quan ngụy. Ngày 8/4/1971, Thu Trang tổ chức đánh khách sạn Mỹ Phụng (đường Bạch Đằng, Sài Gòn). Đây là mục tiêu địch cảnh giới nghiêm ngặt do ta đánh vào nhiều lần. Sau khi cùng một đồng đội cải trang vào khách sạn đặt được mìn, đợi cho đồng đội rút ra trước an toàn, Thu Trang rút ra sau, với tâm trạng nếu bị lộ sẽ cho mìn nổ ngay, sẵn sàng hy sinh riêng mình để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng mọi việc đã diễn ra theo đúng như kế hoạch, diệt 40 tên Mỹ và Thu Trang đã kịp rời khỏi khách sạn an toàn…

Suốt 20 năm công tác, bà Lê Thị Sáu chưa hề có một sơ sót nào làm lộ bí mật tổ chức. Người nữ chiến sĩ giao liên ấy đã đi đến nhiều vùng đất xa lạ, phải đóng nhiều vai để hoàn thành công tác được giao. Được bố trí vào làm công trong một gia đình giàu có, bà khéo léo làm việc, tránh được sự nghi ngờ của địch mà vẫn liên lạc được các cơ sở lấy tin tức và báo cáo kịp thời về trên. Hoạt động của bà phục vụ đắc lực cho chiến dịch mùa Đông năm 1967 của bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ. Đầu năm 1968, Lê Thị Sáu được điều vào Sài Gòn, vừa làm chiến sĩ giao liên vừa làm trinh sát phục vụ cho các đơn vị mũi nhọn đánh vào thành phố. Trong lúc bị thương, bà vẫn quyết bảo toàn tài liệu bằng cách cố lết đến nhà cơ sở-địa điểm hộp thư liên lạc bí mật do bà phụ trách báo cáo tình hình, bàn giao tài liệu rồi mới để cơ sở chuyển đến một bệnh viện trong thành phố. Ba tháng sau, khi đã đi lại được, bà xin tổ chức trở lại làm nhiệm vụ giao thông liên lạc, giữa lúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy đang tiếp diễn. Điều ít ai ngờ đến là để hoạt động cách mạng, bà vừa kiếm sống nuôi cha, mẹ chồng và 6 con nhỏ giữa lòng Sài Gòn phồn hoa bằng nghề bán cháo rong…

Năm 1965, người con gái xã Trung An, Củ Chi là Nguyễn Thị Mến tham gia hoạt động trong ngành công an thuộc đội trinh sát nội thành An ninh T.4. Chị bị địch bắt giam nhiều lần nhưng kiên quyết không khai báo, một lòng trung kiên với cách mạng. Ra tù, chị lập nhiều thành tích đặc biệt. Chị được giao nhiệm vụ chuyển chất nổ, trinh sát, tiêu diệt ác ôn. Đựng mìn hẹn giờ trong giỏ rác, chị đem đặt trước tổng nha cảnh sát. Mìn nổ, 18 tên địch đền tội, trong đó có một tên sĩ quan phụ trách thẩm vấn tù chính trị khét tiếng gian ác. Chị nhận nhiệm vụ tấn công vào tờ báo Dân Ý- một tờ báo phản động của chính quyền Sài Gòn. Tháng 4/1971, chị nhận nhiệm vụ đánh vào trại Amắc- nơi đóng quân của bọn cảnh sát dã chiến, gây cho địch nhiều thiệt hại…

Các thế hệ thành phố luôn ghi nhớ công ơn những nữ anh hùng đã hy sinh anh dũng cho Tổ quốc quyết sinh. Đó là chị Lê Thị Pha- người con gái quê hương Tân An, Củ Chi đáp lời kêu gọi chiến trường đã có mặt ở cao nguyên Lâm Đồng. Từ 1962 đến 1972, chị đã qua các cương vị chiến đấu: chính trị viên đội vận tải của tỉnh, đội trưởng đội vũ trang tuyên truyền vùng địch hậu, chính trị viên đại đội nữ pháo binh “Mồng 8 tháng 3”. Khi là chính trị viên đại đội nữ pháo binh, chị đã cùng đội trưởng chỉ huy đơn vị đánh 10 trận, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chi viện đắc lực cho bộ binh. Người nữ chiến sĩ kiên cường, gang thép trong chiến đấu ấy lại rất dịu dàng, hết lòng yêu thương, chia sẻ mọi khó khăn với chiến sĩ. Chị hy sinh để lại niềm thương tiếc vô bờ trong lòng đồng đội.

Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Nê đã trưởng thành từ chiến sĩ du kích, lên tiểu đội trưởng, đội trưởng nữ du kích huyện với 60 đội viên và khi hy sinh là huyện đội phó huyện đội Nam Củ Chi. Đó là một nữ chỉ huy gan dạ, dũng cảm, táo bạo, thông minh, đã ra trận là chiến thắng trở về, bẻ gãy nhiều trận càn của địch. Chị đã chỉ huy chiến đấu hơn 100 trận, diệt gần 500 tên địch, phá hủy 70 xe tăng, xe bọc thép, 5 khẩu pháo, bắn rơi 15 máy bay. Trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền lần 2 (1967), chị vinh dự được thay mặt đại đội viết thư thăm Bác Hồ, báo cáo với bác thành tích của đội nữ du kích Củ Chi. Ngày 27/10/1969, Nguyễn Thị Nê đã anh dũng hy sinh khi mới vừa 22 tuổi.

Điều đáng quý hơn, “bản anh hùng ca” bước ra từ máu lửa chiến tranh tiếp tục tỏa sáng, khơi dậy niềm tự hào những thế hệ tiếp nối trong hòa bình. Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thanh Tùng (tức Nguyễn Thị Điểm) vừa là bà mẹ Việt Nam anh hùng đã lặng lẽ khóc chồng và hai con hy sinh trong chiến đấu. Khi được tuyên dương anh hùng, bà là thượng úy Biệt động Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh. Người nữ chiến sĩ biệt động ấy đã trải qua những ngày chiến đấu mưu trí, dũng cảm, lập những kỳ tích trong lòng địch. Bà đã hai lần cướp bót Trần Văn Châu. Ngày 01/11/1963, tổ biệt động 3 người do bà chỉ huy với một súng trường, làm nòng cốt cho 20 thanh niên đựơc bà vận động đã buộc địch đầu hàng, nộp cho cách mạng 25 khẩu súng. Năm 1963, bà phụ trách vai trò chính trị viên Đội biệt động 159, trực tiếp chở vũ khí vào nội thành phục vụ các trận đánh, nổi bật là trận đánh vào phái đoàn quân sự Mỹ MAAg, nơi tên tướng Hankin đóng tổng hành dinh, trận đánh vào cư xá Mỹ ở đường Nguyễn Cư Trinh, trận đánh vào rạp Kinh Đô dành riêng cho bọn Mỹ… tất cả là 16 lần, đưa vào Sài Gòn hơn 1 tấn thuốc nổ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, bà vận động quần chúng nổi dậy, cướp chính quyền và treo cờ trên nóc dinh quận Thủ Thiêm. Sau chiến tranh, từ quận 9 về Bộ Tư lệnh thành phố, bà được biệt phái xuống quận 1, tham gia các chiến dịch X1, X2 cải tạo tư sản mại bản. Sau đó, bà lại nhận nhiệm vụ đi xây dựng nông trường trên Đắc Nông, Đắc Lây. Vượt qua chứng bệnh sốt rét ác tính, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và trí nhớ, bà lại xuống nông trường Cờ Đỏ ở Cần Thơ, làm phó ban tổ chức xây dựng các nông trường. Cuộc đời bà là tấm gương chiến đấu, cống hiến hết sức nình cho Tổ quốc…

Anh hùng Đoàn Thị Thu trong chiến tranh được đơn vị An ninh T.4 giao nhiệm vụ xây dựng một đường dây và tuyến giao liên bí mật chuyển giao tin tức, tài liệu và đưa rước cán bộ ra thành phố. Đây là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi người cán bộ phải dũng cảm, mưu trí và linh hoạt trong mọi tình huống xảy ra và chị đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, dù bị địch bắt, tra tấn dã man. Sau chiến tranh, chị lại bước vào cuộc chiến đấu mới, trải qua các chức vụ: đội trưởng đội bảo vệ chính trị, phó công an quận rồi trưởng công an Quận Tân Bình. Chị đã mưu trí, kiên trì, dũng cảm phá nhiều trọng án của thế lực chống phá cách mạng. Chị đề xuất nhiều biện pháp cải tiến, củng cố đơn vị, tham mưu cho quận ủy, ủy ban phát động quần chúng áp dụng các biện pháp chống phản động, truy quét tội phạm, ổn định an ninh trật tự trong quận…

Nhiều anh hùng lực lượng vũ trang sau chiến tranh đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ để đảm trách những cương vị mới trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, nghiên cứu khoa học… Chị Tạ Thị Kiều trở thành Phó Giám đốc Bảo tàng lực lượng võ trang miền Đông Nam bộ. Năm 2000 về hưu, chị là ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Thành phố. Anh hùng Nguyễn Thị Thu Trang không ngừng học hỏi, nỗ lực khẳng định mình trong công tác quản lý kinh tế. Chị hiện nay là Phó Tổng giám đốc Công ty Melinh Point, tỏ rõ bản lĩnh của một nữ doanh nghiệp trên bước đường đổi mới, hội nhập. Chị Nguyễn Thị Thảo đã từng đảm nhận vai trò Giám đốc Sở du lịch thành phố. Sau chiến tranh, chị Nguyễn Thị Mến được tổ chức điều động về Công an thành phố với chức vụ trưởng công an phường 1 quận Bình Thạnh. Dù trong người mang nhiều thương tật, do di chứng những trận đòn trong nhà tù, chị vẫn kiên trì học tập, nâng cao kiến thức, góp phần giữ vững an ninh trật tự thành phố cho đến ngày về hưu. Anh hùng Nguyễn Thị Minh Hiền sau chiến tranh giữ chức vụ Phó Công an quận 5- một quận được xem là trung tâm thương mại lớn của thành phố. Chị tâm sự: “Trận chiến ngày hôm nay không phải như xưa. Giờ đây, điều cần cảnh giác hơn tất cả chính là sự yếu đuối của bản thân. Nếu không khéo, ta sẽ gục ngã trước khi kẻ thù bắn vào ta bằng những viên đạn bọc đường…”.

Với vai trò khiêm nhường: tổ trưởng tổ dân phố 80 kiêm tổ trưởng phụ nữ, phường 9, quận Phú nhuận; chị Võ Thị Huynh hoạt động rất sâu sát, hiệu quả. Chị tham gia giám sát, yêu cầu đơn vị thi công lắp đặt đường ống thoát nước đúng quy cách được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Tổ dân phố và phụ nữ do chị làm tổ trưởng nhiều năm liền được thành phố và đơn vị khen thưởng. Chị Đoàn Thị Ánh Tuyết sau chiến tranh công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu 7, vừa nuôi con, vừa đảm đang công việc nhà cho chồng làm tốt công tác lãnh đạo.

Thật cảm động khi ở tuổi 90, bà Hồ Thị Bi vẫn đau đáu nỗi niềm với dân, với Đảng. Hàng ngày, bà vẫn chăm chú theo dõi tin tức thời sự. Ở tuổi 90, khi Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đến nhà thăm, bà vẫn đau đáu nỗi lòng làm sao cho bớt tham nhũng, trên dưới một lòng, lo cho dân giàu nước mạnh…

Anh hùng lực lượng võ trang Lê Kim Hà đã đi lên từ một cán bộ cấp dưỡng, phấn đấu trở thành y tá, bác sĩ… của quân y viện 175- Bộ Quốc phòng. Chiến tranh biên giới tây Nam diễn ra, chị phụ trách khoa hồi sức, cấp cứu, mỗi ngày điều trị, giành gật lại mạng sống cho hàng chục chiến thương. Đó cũng là thời điểm chị phải chăm sóc chồng bị bệnh phải điều trị lâu dài, hai con còn nhỏ, vừa học nâng cao chuyên môn, ngoại ngữ. 30 năm sau ngày hòa bình, chị có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao. Chị từng được mời sang Nhật để báo cáo kết quả nghiên cứu ứng dụng chữa bệnh liệt tứ chi đối xứng và được đồng nghiệp nước ngoài đánh giá cao… Năm 1994, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; năm 1995, chị được phong danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; năm 2003 là danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Năm 2004, chị trong ba phụ nữ được trao giải thường Phụ nữ Việt nam lần thứ 2…

Những tấm gương anh hùng trong chiến tranh- tỏa sáng trong hòa bình mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ thành phố Hồ Chí Minh.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 4 năm 2014

Trầm Hương