Những tấm lòng bao dung, nghĩa tình của người dân Thành phố và cả nước dành cho đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành miền Nam. Những cuộc chia ly vì dịch bệnh Covid-19… đã gây cảm xúc mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân. Điều này, đã góp phần cho hoạ sĩ Lê Sa Long vẽ nên những bức tranh chạm đến trái tim của người xem.
Đại dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những tổn thất về kinh tế xã hội và con người trên toàn thế giới. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư tại Việt Nam vào ngày 27 tháng 4 năm 2021 đã lan nhanh, diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành miền Nam. Lãnh đạo và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng hệ thống chính trị và nhân dân cả nước nỗ lực ngày đêm để phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh. Một Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm của nền kinh tế cả nước, một Thành phố luôn nhộn nhịp cả ngày và đêm bổng trở nên trầm lắng trong những ngày vừa qua do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ Tướng Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 3 năm 2020, với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.
Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương kịp thời nhằm hạn chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của nhân dân. Những tấm lòng bao dung, nghĩa tình của người dân Thành phố và cả nước dành cho đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành miền Nam. Những cuộc chia ly vì dịch bệnh Covid-19… đã gây cảm xúc mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân. Điều này, đã góp phần cho hoạ sĩ Lê Sa Long vẽ nên những bức tranh chạm đến trái tim của người xem.
Những cung bậc cảm xúc của tác giả trong những không gian cụ thể khi Thành phố thực hiện giãn cách: một chiều mưa buồn, hàng cây lặng gió trên đường Đồng Khởi… trầm lắng trong ngày TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội: tác phẩm “Khu vực cầu vượt Quang Trung (quận Gò Vấp) ngày đầu giãn cách theo Chi thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ vắng lặng (9/7/2021)”, “Nhà thờ Đức Bà (Quận 1) một chiều mưa buồn ngày giãn cách”… làm người xem cảm nhận một không gian ảm đạm. Các tác phẩm “Ai xuôi vạn lý”, “Đường về quê xa lắc lê thê”, “Ngủ ngon Akay ơi!” phác hoạ hình ảnh người dân các tỉnh, thành do ảnh hưởng dịch bệnh, công việc khó khăn nên mọi người quyết định về quê, rời Thành phố Hồ Chí Minh; hay tác phẩm “Chở che” vẽ về nữ bác sĩ quân y, Trung uý Phạm Khánh Linh ẵm bé 4 tháng tuổi chạy bộ gần 300 m để đến Bệnh viện cấp cứu, hình ảnh các chiến sĩ Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đem tro cốt của bệnh nhân mất vì Covid-19 về nhà với nghi lễ tưởng nhớ dành cho người mất… đã làm rưng rưng trái tim của người xem. Đây là bộ tranh thứ hai của họa sĩ Lê Sa Long vẽ về Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh những ngày giãn cách xã hội. Bộ tranh được sắp xếp theo các nội dung 5 nhóm nội dung: Thành phố Hồ Chí Minh những ngày trầm lắng; Thành phố Hồ Chí Minh bao dung, nghĩa tình; Hẹn gặp lại nhé, Thành phố tôi yêu!; Nghĩa đồng bào và “Toàn dân tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19”.
Triển lãm cũng giới thiệu phóng sự ảnh của các phóng viên báo chí và cộng tác viên của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ- những chiến sĩ thầm lặng tác nghiệp trong thời gian giãn cách. Hình ảnh ghi nhận một Thành phố trầm lắng, nhưng đằng sau sự trầm lắng là những công việc khẩn trương “cần làm ngay” của lãnh đạo các cấp như: khẩn trương hình thành các bệnh viện dã chiến, các trung tâm Hồi sức cấp cứu điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19; lắp đặt các bồn chứa oxy tại các bệnh viện dã chiến;t ập trung xây dựng Bệnh viện dã chiến diện tích 6,5 ha tại huyện Bình Chánh, với qui mô 3.500 giường điều trị bệnh; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19… Nhóm ảnh giới thiệu các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, của các mạnh thường quân trong việc hỗ trợ các suất cơm cho người dân khu vực cách ly, trang thiết bị y tế, các nhóm thiện nguyện tự bỏ tiến túi mua máy và trực tiếp đi phun khử khuẩn tại các khu dân cư… góp phần cùng Thành phố và cả nước tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trân trọng giời thiệu đến quí khách “Triển lãm tranh, ảnh Thành phố Hồ Chí Minh những ngày giãn cách” gồm 64 tranh, ảnh. Trong đó có 32 ảnh tranh của họa sĩ Lê Sa Long và 32 ảnh phóng sự của các phóng viên báo chí và cộng tác viên của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.Ngoài triển lãm trực tuyến, bộ tranh, ảnh được in ấn và triển lãm tại Công viên Chi Lăng và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vào tháng 10/2021.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 9 năm 2021
Nguyễn Thị Thắm
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ