MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG LẠI THỊ BI (1919-2012)

Mẹ Việt Nam anh hùng Lại Thị Bi (thường được gọi là Má Tám),sinh ngày 23/12/1919 tại Sài Gòn, là con gái lớn của ông bà Lại Văn Trước và Phạm Thị Được. Năm 1939, Má Tám lập gia đình cùng ông Hồ Văn Xú và sinh được 9 người con.

Phạm Thị Diệu

Không có mô tả.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lại Thị Bi (thường được gọi là Má Tám),sinh ngày 23/12/1919 tại Sài Gòn, là con gái lớn của ông bà Lại Văn Trước và Phạm Thị Được. Năm 1939, Má Tám lập gia đình cùng ông Hồ Văn Xú và sinh được 9 người con.

Tháng 8/1945, khi Mặt trận Việt Minh lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, gia đình Má Tám lần lượt tham gia kháng chiến và nuôi giấu cán bộ cách mạng. Năm 1948, để tránh sự theo dõi, kèm kẹp của địch, gia đình Má Tám đã phải bỏ nhà cửa, đất đai để xuống ghe chài, sống đời trôi nổi trên sông để buôn bán và giúp đỡ cách mạng. Đến năm 1954, vợ chồng Má Tám đã dành dụm xây được căn nhà số 265/79 đường Sư Vạn Hạnh, Quận 10 để làm nơi buôn bán. Tại đây, gia đình Má đã nuôi dưỡng và bảo bọc nhiều cán bộ cách mạng đồng thời tham gia các phong trào chống Mỹ – Diệm ở đô thị. Năm 1967, Má Tám (lúc này có bí danh là Tư Tròn) được Cục Binh vận T4 phân công phụ trách một trạm giao liên và giữ đường dây liên lạc giữa Đội Vũ trang Tuyên truyền F.100 trong những đợt tấn công. Má còn tận tình nuôi giấu, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Năm 1969, Má Tám được phân công làm Đội phó Đội Vũ trang Tuyên truyền F.105 thuộc Ban Binh vận T4, Má dùng nhà riêng và sạp hàng ở chợ An Đông làm nơi liên lạc giữa các cán bộ cách mạng trong Khu ra hoạt động ở nội thành. Má Tám tích cực tham gia các phong trào công khai ở Sài Gòn – Gia Định, là hội viên tích cực của Hội Phụ nữ đòi quyền sống, là thành viên của Ủy ban cải thiện chế độ lao tù, thường xuyên thăm nuôi các cán bộ tù chính trị ở khám Chí Hòa, nhà lao Tân Hiệp và gửi thực phẩm, thuốc men ra Côn Đảo. Năm 1975, Má Tám được Cục Binh vận T4 giao nhiệm vụ may cờ, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Với những thành tích đã đạt được trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, Má Tám đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương giải phóng hạng I.

Bản thân Má Tám vừa tham gia cách mạng, vừa tần tảo buôn bán nuôi con vừa dìu dắt các con tham gia hoạt động cách mạng. Má Tám có 6 người con tham gia cách mạng, trong đó có 2 con là liệt sĩ. Liệt sĩ Hồ Văn Minh (1952 – 1971), học sinh trường Petrus Ký, tham gia cách mạng năm 1967, Tiểu đội trưởng trinh sát đặc công thuộc đơn vị tiểu đoàn Bình Tân, bị địch phục kích hy sinh năm 1971 tại Bình Thủy, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Liệt sĩ Hồ Văn Tiết (1956 – 1974), học sinh trường Petrus Ký, tham gia phong trào học sinh, sinh viên năm 1972, vào chiến khu năm 1973, hy sinh trong trận càn quét của địch vào căn cứ cách mạng tại Sầm Giang, Mỹ Tho năm 1974.

Má Tám được Đảng và Nhà nước vinh danh Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 25 tháng 7 năm 2014, Quyết định số 1765/QĐ-CTN. Ngoài 2 con là liệt sĩ, Má Tám còn có mẹ chồng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Công (1895 – 1982) hiện đang thờ cúng ở địa chỉ 7- 08 Cao ốc A, Ngô Gia Tự, phường 3, Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 11 năm 2021

Phạm Thị Diệu

Tour 360° Tour 360° 360 Tour