Vào đầu những năm 1970, tại trường đại học Princeton bang New Jersey – một trường đại học có tiếng của Mỹ – đã diễn ra một cuộc biểu tình lớn của sinh viên chặn đường vào một viện nghiên cứu quốc phòng để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.
Vào đầu những năm 1970, tại trường đại học Princeton bang New Jersey – một trường đại học có tiếng của Mỹ – đã diễn ra một cuộc biểu tình lớn của sinh viên chặn đường vào một viện nghiên cứu quốc phòng để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam
Hai trăm sinh viên đã bị bắt, trong đó 30 người nhất quyết không nộp tiền phạt mà chấp nhận ngồi tù để phản đối chính phủ. Trong số các sinh viên đó có anh Neal Koblitz và chị Ann Hibner – những người sau này trở thành tiến sĩ toán học, tiến sĩ sử học, là đôi vợ chồng đã sáng lập ra quỹ giải thưởng Kovalevskaia.
Gặp gỡ các nhà toán học Việt Nam ở các hội nghị khoa học ở nước ngoài và đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam năm 1978, anh chị Koblitz đã xây dựng quan hệ hợp tác và hỗ trợ cho các nhà toán học và Viện toán Việt Nam. Nhưng ý tưởng hỗ trợ các nhà nữ khoa học Việt Nam chỉ trở thành hiện thực trong lần thứ 3 anh chị tới thăm Việt Nam vào năm 1985. Được sự ủng hộ nhiệt liệt của Hội LHPNVN và bà Nguyễn Thị Bình (lúc đó đang là Bộ trưởng Giáo dục), anh chị đã quyết định thành lập một quỹ giải thưởng dành cho các nhà nữ khoa học Việt Nam trong lĩnh vực tự nhiên. Quỹ mang tên nhà nữ toán học lừng danh của Nga vào thế kỷ 19 là Sophia Vacilievna Kovalevskaia. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử hiện đại đạt học vị tiến sĩ toán học, giáo sư trường đại học, và viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Nga. Cuộc đời của bà là chủ đề luận văn tiến sĩ lịch sử của chị Ann Koblitz. Cuốn luận văn đã được xuất bản thành sách và Quỹ Kovalevskaia đã được thành lập từ số tiền bản quyền ít ỏi vài nghìn đô la. Sau đó quỹ tiếp tục được bổ sung nguồn từ tiền bản quyền các ấn phẩm khoa học của hai anh chị và sự đóng góp của một số nhà khoa học Mỹ tiến bộ.
Bước đầu quỹ giải thưởng chỉ có ở Việt Nam, sau đó được phát triển sang Nicaragua, El Salvador, Peru, và Nam Phi. Uỷ ban giải thưởng Kovalevskaia của Việt Nam có Chủ tịch là Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, có Hội LHPNVN là cơ quan thường trực, và có đại diện của một số bộ, ngành và các nhà khoa học tham gia. Mỗi năm Uỷ ban xét trao giải thưởng cho 2 nhà nữ khoa học tự nhiên xuất sắc, từ năm 1993 được chuyển thành một giải cá nhân và một giải cho tập thể các nhà nữ khoa học.
Mặc dù quỹ giải thưởng không lớn (mỗi giải cá nhân được nhận 1.500 đô la Mỹ bằng sách hoặc thiết bị, và giải tập thể 2.500 đô la Mỹ trao bằng tiền dùng chi phí cho một đề tài khoa học) nhưng giải thưởng có ý nghĩa và là sự công nhận lớn lao đối với các nhà khoa học nữ Việt Nam. Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành một giải uy tín lớn trong giới khoa học Việt Nam, động viên phụ nữ Việt Nam phấn đấu vươn lên, đạt thành tích trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và bất bình đẳng giới còn là thách thức lớn.
Trong gần 2 thập kỷ qua, quỹ đã lựa chọn và trao giải thưởng cho 25 cá nhân và 8 tập thể. Suốt thời gian đó, Chủ tịch và Thư ký giải thưởng là chị Ann và anh Neal Koblitz luôn tin tưởng và hài lòng về kết quả lựa chọn của Uỷ ban giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam và hoạt động tích cực và hiệu quả của Hội LHPNVN trong việc lựa chọn, trao giải và tuyên truyền về giải thưởng. Cứ hai năm một lần, Uỷ ban giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam do Hội LHPNVN chủ trì lại tổ chức gặp mặt nữ sinh viên xuất sắc của các trường đại học trong cả nước với các tập thể và cá nhân đã nhận giải thưởng Kovalevskaia, qua đó truyền cho các em thêm nhiều kinh nghiệm và niềm say mê khoa học của những người phụ nữ đi trước. Ngoài việc trao giải thưởng cho các nhà nữ khoa học, Quỹ Kovalevskaia còn hỗ trợ nhiều hoạt động khác cho phụ nữ Việt Nam như học bổng cho các tài năng trẻ trong khoa học tự nhiên; tổ chức các hội thảo “Phụ nữ và Khoa học”, “Phụ nữ và Nông nghiệp”; hỗ trợ một số trang thiết bị nghe nhìn cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; và hỗ trợ máy khâu cho trung tâm dạy nghề của Hội LHPNVN.
Có thể nói giải thưởng Kovalevskaia là một hoạt động tiêu biểu về hợp tác quốc tế của Hội LHPNVN tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, giúp nâng cao vị thế của Hội trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ toàn diện của phụ nữ Việt Nam. Từ ý tưởng của giải thưởng Kovalevskaia, để tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong tất cả các lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội v.v., Hội LHPNVN đã trình và ngày 11/10/2002 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Hội thành lập Quỹ “Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam” với các nguồn lực do Hội vận động từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Xét những đóng góp to lớn của chị Ann và anh Neal Koblitz cho sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trong khoa học, Đoàn chủ tịch Hội LHPNVN đã quyết định trao huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” – phần thưởng cao quý nhất của Hội – cho anh chị trong năm 2004.
Ban Quan hệ Quốc tế (Hội LHPNVN)