Thành phố Hồ Chí Minh có một bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa và là bệnh viện lớn nhất miền Nam được vinh dự mang tên bà Từ Dũ Thái hậu. Tiền thân của bệnh viện là một khu chuyên khoa sản thuộc bệnh viện Lalung Bonnaire ra đời vào năm 1923 (nay là bệnh viện Chợ Rẩy). Năm 1937, một thương gia người Hoa (chú Hoả) hiến tặng mảnh đất trên đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh, Q1) xây một bảo sanh viện với một bác sĩ người Pháp làm giám đốc. Năm 1948 được đổi tên thành bảo sanh viện Từ Dũ.
Ngày 8/4/2004 chính thức được đặt tên là bệnh viện Từ Dũ. Nơi đây là một minh chứng hào hùng về những đóng góp của phụ nữ đối với xã hội, là nơi tập trung số lượng những nữ bác sĩ, nữ điều dưỡng, nữ y tá tâm huyết và có những cống hiến xuất sắc đối với nghề y như: bác sĩ Phạm Thị Thương, Tạ Thị Chung, Nguyễn thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Mẫn… cùng một tập thể nữ cán bộ nghiên cứu khoa học đoạt giải Kovalevxkaia năm 1997, với những thành tựu về y học như: chẩn đoán trước các dị tật bẩm sinh, thụ tinh thành công trong ống nghiệm, chẩn đoán các rối loạn di truyền…. “Từ Dũ như mẹ hiền” được xem như thành ngữ ghi nhận những cống hiến, sự phục vụ tận tụy của tập thể y bác sĩ tại đây. (Từ Dũ chữ Hán nghĩa là mẹ hiền và sáng suốt. “Từ”, dùng phổ thông như từ mẫu (mẹ hiền), nhưng trên các Thái hậu trong ngôn ngữ phong kiến Trung Quốc, Việt Nam). Phải chăng điều đó xuất phát từ truyền thống đạo lý và y đức của người Việt Nam. Bởi bà Từ Dũ nổi tiếng về công đức và đức hạnh đối với nhân dân được lưu danh sử sách và lưu truyền dân gian.
Bà Từ Dũ tên thật Phạm thị Hằng (cũng gọi là Hào), sinh ngày 19 tháng 5, năm Canh ngọ (1810) quê làng Gò Công, huyện Tân Hòa, (tỉnh Gia Định) nay thuộc tỉnh Tiền Giang – Trưởng nữ của công thần Phạm Đăng Hưng dưới thời Nguyễn Ánh (1785-1825). Cha bà thi đỗ Tam Trường năm 1784. Năm 1825, ông được vua Minh Mạng giao chức Chưởng quản kinh đô khi vua tuần thú Quảng Nam, phong hàm Trụ Quốc Hiệp Biện Đại Học Sĩ.
Từ nhỏ, bà Phạm thị Hằng nổi tiếng hiền thục và xinh đẹp. Năm 14 tuổi, bà được Đức Thuận Thiên hoàng hậu gọi vào hầu hoàng tử Miên Tông (con của Minh mạng, hiệu Thiệu Trị sinh 1806, mất 1847). Năm 1828, bà sinh Hồng Nhậm (sau này lên ngôi, Tự Đức). Năm 1841, bà được phong làm Cung Tân. Hai năm sau đó, bà được phong Thành phi. Năm 1846, bà làm Giai phi rồi Nhất Giai phi. Năm 1849, bà được phong Hoàng Thái Hậu, hiệu là Từ Dũ.
Bà là người sống cần kiệm, không xa hoa và dạy dỗ con rất nghiêm. Có lần vua Tự Đức mãi vui chơi ở cửa Thuận An, bỏ buổi ngự triều làm bà giận. Khi vua Tự Đức trở về, biết có lỗi, đến tạ tội, bà đóng cửa không cho vào. Tự Đức phải quỳ bên ngoài với một chiếc roi. Mấy giờ sau bà mới sai người ra truyền ý chỉ: “Nước đang nhiều việc rối, Hoàng đế lại đi chơi, biết lỗi với ta là phụ, biết lỗi với dân nước mới là chính, hãy cùng các quan bàn quốc kế ở triều, ta tha cho lần này….” Năm 1860, vua Tự Đức cùng đình thần dâng sớ xin tấn tôn mỹ danh cho bà. Bà nhất định từ chối, ra biểu dụ: “Ta đã được thiên hạ phụng sự thì nên lo những việc thiên hạ đương lo. Năm nay chưa được mùa, nhân dân đều chưa được vui sướng, chính lúc hoàng đế phải chăm lo, lòng ta nào nỡ thản nhiên. Vả lại, tánh ta vốn kiếm ước chẳng chuộng phù hoa, không ngờ ngày nay hưởng được tôn vinh, ta thường e sợ, tu tỉnh chẳng rồi, huống chi còng gia thêm cho hư danh để ta còn nặng cái lỗi thất đức hay sao? Vậy thì sớ ấy nên bãi đi, chỉ nguyện chư công và quần thần lo giúp chính trị, giáo dục thế nào cho ta thấy được thanh trị thái bình, thì không chi vui bằng”. Tháng 8 năm Quý Mùi (1883) vua Tự Đức mất, di chiếu tôn bà Từ Dũ Thái Hoàng Thái Hậu.
Khi kinh Huế thất thủ (1885) bà cùng Hoàng Thái Hậu và Hoàng Thái Phi (vợ vua Tự Đức) theo vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, kêu gọi kháng chiến. Bà luôn động viên vua kiên trì chống Pháp. Trong “Tượng đài sông Hương” của Hoàng Phủ Ngọc Tường có ghi: Khi người Pháp cho bắc lại cầu Tràng Tiền bằng sắt, bắt dân phải nộp thêm thuế. Bà đã viết một lá đơn xin quan Tây miễn thuế cho dân được nhân dân Huế làm thành bài vè “ Bà Từ Dũ xin thuế cho dân”. Điều đó cho thấy nhân đức của bà rộng lớn vô cùng.
Bà mất ngày 5 tháng 4 năm Tân Sửu (1903), dưới triều vua Thành Thái, thọ 93 tuổi (Ngày tháng sinh và mất đều theo âm lịch). Bà được an táng tại điện Xương Lăng (làng Cư Chánh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Bà là tấm gương sáng về phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 02 năm 2012
Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Trưng bày