Liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Hồng (1925-1972)

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Trung An, huyện Củ Chi. Mẹ Võ Thị Hồng cũng là con gái của Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lòng, có 3 con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

                Là con gái lớn trong gia đình, Mẹ đã tham gia hoạt động cách mạng từ những năm kháng chiến chống Pháp rồi đến chống Mỹ. Trải qua quá trình hoạt động, Mẹ đã từng là Bí thư chi bộ mật của ấp Hội Thạnh, Hội Trưởng Hội Phụ nữ xã Trung An. Năm 1966, đế quốc Mỹ dồn dân vào ấp chiến lược nhằm chia cắt sự liên hệ giữa cách mạng với nhân dân. Mẹ đã làm cầu nối liên lạc giữa nhân dân với lực lượng bên ngoài.

Không chỉ bản thân Mẹ có những đóng góp to lớn cho cách mạng,  Mẹ còn động viên các con mình tham gia cách mạng. Năm 1968, người con trai lớn của chồng được Mẹ chăm sóc, dạy dỗ từ thuở nhỏ đã anh dũng hy sinh. Đến năm 1969, anh Bùi Văn Tre hy sinh và qua năm 1970, đến anh Bùi Văn Nho. Mẹ đã gác lại những đau thương của riêng mình, lại tiếp tục tham gia hoạt động. Năm 1972, trong một lần nhận lệnh của cấp trên, Mẹ vào ấp chiến lược để lấy tin tức thì vướng mìn và hy sinh.

Thực hiện Dự án “Nghiên cứu sưu tầm, trưng bày tư liệu về Mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh”, Tổ công tác của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đến thăm nhà Mẹ vào trưa ngày 30/6/2011. Tiếp chuyện chúng tôi là anh Bùi Văn Quang, Bùi Văn Đông – con trai của Mẹ. Các anh đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống, tấm gương anh dũng của Mẹ, của các liệt sĩ. Đến giờ, gia đình vẫn còn lưu giữ kỷ vật của Mẹ, đó là ống trái sáng được Mẹ dùng làm vật dụng để cất giấu giấy tờ cho gia đình.

Đây là hiện vật gắn với những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng của Mẹ Võ Thị Hồng. Trong chiến tranh, đế quốc Mỹ thường bắn trái sáng vào ban đêm để tìm mục tiêu tấn công, thả bom. Sau khi giặc rút, nhân dân thường sử dụng xác trái sáng, vỏ đạn để rèn, gò lại thành những vật dụng sử dụng trong cuộc sống hành ngày như nồi, ấm nấu nước, ống ngoáy trầu, khuôn bánh bèo…

Mẹ Hồng đã dùng ống trái sáng, cưa ngắn làm vật dụng cất giấu giấy tờ của các con như giấy khai sinh, giấy báo tử, giấy chứng nhận đeo huy chương… Những giấy tờ của gia đình được Mẹ cuộn tròn và nhét vào ống trái sáng để tiện mang theo bên mình khi tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Sau khi Mẹ hy sinh, các con vẫn giữ lại kỷ vật của Mẹ cho đến ngày hôm nay. Khi Bảo tàng tiếp nhận thì những  giấy tờ này đã ố vàng và mục rách nhưng vẫn được cuộn tròn trong ống trái sáng..

Ghi nhận những đóng góp của Mẹ Võ Thị Hồng trong hai cuộc kháng chiến, địa phương đã xây tặng gia đình căn nhà tình nghĩa tại ấp Chợ, xã Trung An. Tên Mẹ được dùng để đặt tên đường, đường Võ Thị Hồng nối liền xã Trung An với các xã lân cận, đó cũng là cách để nhắc nhở thế hệ trẻ tấm gương anh dũng hy sinh của Mẹ – người con ưu tú của đất Trung An anh hùng.

Tour 360° Tour 360° 360 Tour