Đối với người Việt Nam, tục ăn trầu từ lâu đã gắn liền với “Sự tích trầu cau” – một truyền thuyết đẹp, đề cao tình Vợ – Chồng, nghĩa Anh – Em.
Cũng như một số cư dân Đông Nam Á khác (Đài Loan, Trung Quốc), tục ăn trầu của người Việt không biết khởi nguồn tự bao giờ? Chỉ biết rằng đến nay, tập tục đó vẫn được xem như là một giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống, của triết lý và giao tiếp Việt Nam truyền thống … Với người Việt Nam, trầu cau vừa biểu hiện của phong cách Việt, vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo.
“ Miếng trầu là đầu câu chuyện”
Miếng trầu làm người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Với nam nữ thanh niên xưa, nó là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu hát, để vào với hội làng, hội nước. Với người Việt Nam, tục ăn trầu phải đủ bộ ba : trầu – cau – vôi. Phải có đầy đủ những vật dụng gắn với việc ăn trầu như ngày nay ta vẫn thấy. Đó là cơi trầu, dao bổ cau, âu đựng trầu, bình vôi, chìa vôi, ống ngoáy, khăn, túi đựng trầu … Nhà giàu còn có tráp đựng trầu, khay trầu sơn son thiếp vàng (bạc). Ngoài việc phục vụ tục ăn trầu của người Việt, trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong các lễ lạc, giỗ chạp tưởng nhớ tổ tiên, ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của tiền nhân.
Trong phong tục cưới hỏi, trầu cau càng quan trọng hơn. Có hẳn một lễ riêng gọi là “Lễ hỏi / bỏ trầu cau”. Lễ này được nhà trai mang đến nhà gái, gồm tiền vàng, bánh trái … và không thể thiếu trầu cau, qua đó ghi nhận sự thỏa thuận thống nhất giữa nhà trai, nhà gái – kết nghĩa sui gia.
Vì tầm quan trọng của tục ăn trầu trong văn hóa Việt Nam truyền thống, như đã nêu trên, Bộ sưu tập bình vôi và dụng cụ ăn trầu được Bảo tàng Phụ Nữ Nam bộ xác định là một trong những bộ sưu tập quan trọng.
Do vậy, từ năm 1998, chiến lược sưu tầm hiện vật minh chứng cho tập tục đẹp đẽ nêu trên được thống nhất triển khai ở Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ. Đến nay, Bảo tàng lưu giữ 316 hiện vật mang đậm phong cách văn hóa Việt Nam truyền thống, đa dạng loại hình, phong phú về chất liệu từ bình vôi Gò Sành, gốm miền Trung, gốm Nam Bộ, Trung Quốc, bình vôi đồng Chămpa, Khmer… đến âu đựng trầu, ống vôi, chìa ngoáy (đa số đều làm bằng kim loại (đồng)), Khay đựng trầu (bằng tre hoặc gỗ), dao bổ cau (bằng nhiều chất liệu: gốc trúc, sừng, xương, vỏ ốc, ).
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ xin hân hạnh giới thiệu đến quý vị những bộ dụng cụ ăn trầu đẹp và những bình vôi độc đáo. Để khám phá hết vẻ đẹp tiềm tàng trong từng hiện vật, xin mời quý vị hảy đến với chúng tôi – Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ để được chiêm ngưỡng và hướng dẫn tận tình, chu đáo hơn.