75 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM – GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN (06/01/1946-06/01/2021)

Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa, văn hiến lâu đời và phong phú, đa dạng; đồng thời Việt Nam cũng là quốc gia có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng kiên cường. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chi Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Truyền thống đoàn kết yêu nước của dân tộc được phát huy cao độ trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 16 tháng 8 năm 1945 “Đại hội đại biểu quốc dân” được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang). Đại hội nhất trí tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản Đông Dương đưa ra, thông qua Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) để lãnh đạo toàn dân giành chính quyền và xây dựng chế độ mới.

Ngày 03 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ tổ chức “càng sớm càng hay” cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tiếp đó, ngày 06/01/1946, tất cả công dân Việt Nam không phân biệt nam – nữ, giàu – nghèo, dân tộc, tôn giáo, từ 18 tuổi trở lên đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử tự do, lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội. Thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tinh thần yêu nước của nhân dân ta, là dấu mốc đánh dấu sự phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ cộng hòa của nước Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước có một Quốc hội, một Chính phủ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam trong các hoạt động đối nội và đối ngoại.

Sáng ngày 06/01/1946, tại Hà Nội, Báo Quốc hội số đặc biệt đã trân trọng đăng trên trang nhất ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với bút tích của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 bầu Quốc hội khóa I đã diễn ra đúng kế hoạch và thắng lợi trên phạm vi cả nước. Trong 71 tỉnh, thành của cả nước, có 89% số cử tri đi bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó có 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu là người các dân tộc thiểu số.

Trải qua chặng đường 75 năm đầy hy sinh gian khổ nhưng cũng rất tự hào, Quốc hội Việt Nam đến nay đã tiến hành 14 cuộc bầu cử. Với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của dân tộc. Đặc biệt, Quốc hội đã xây dựng và lần lượt thông qua 5 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nhà nước kiểu mới; Hiến pháp năm 1959 – Hiến pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà; Hiến pháp năm 1980 – Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể, cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội; Hiến pháp năm 1992 – Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Năm 2013 tại kỳ họp thứ sáu – Quốc hội khóa XIII đã thông qua bản Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Hiến pháp (sửa đổi) đã quy định bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người. Bản Hiến pháp sửa đổi hướng tới nhân dân, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân, đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn, bước đầu xây dựng cơ chế nhằm giảm tham ô, nhũng nhiễu người dân, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân được thực hiện một cách thực chất hơn trong thực tế. Qua đó kế thừa và hoàn thiện Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.

Cùng với sự phát triển lớn mạnh của đất nước, trong hơn bảy thập niên qua, nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành góp phần thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện quản lý xã hội theo hiến pháp và pháp luật. Quốc hội đã đề ra các chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến quốc kế dân sinh, quyết định về ngân sách quốc gia, về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, về chính sách dân tộc, về an ninh, quốc phòng, đối ngoại… Quốc hội cũng thực hiện quyền giám sát tối cao trong quá trình thực thi hiến pháp và pháp luật, kiểm tra sự chỉ đạo điều hành của bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong 75 năm qua đã góp phần đặc biệt quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phấn đấu cho mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong đợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là thắng lợi của tinh thần yêu nước của toàn thể nhân dân Việt Nam phấn đấu cho một quốc gia độc lập, thống nhất, vì cuộc sống hòa bình, tự do, hạnh phúc. Đó là thắng lợi của chế độ mới, của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước ta. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, của chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã chứng minh sự giác ngộ chính trị của các tầng lớp nhân dân – lần đầu tiên thực hiện quyền làm chủ đất nước và xã hội qua lá phiếu bầu ra những đại biểu của mình.

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khóa I năm 1946, được sự tin tưởng và ủng hộ của nhân dân, bà Ngô Thị Huệ khi đó đã trở thành một trong ba nữ đại biểu Quốc hội đại diện miền Nam Việt Nam trong số 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Bà Ngô Thị Huệ hay Bảy Huệ (sinh năm 1918) là một trong 10 đại biểu nữ của Quốc hội Việt Nam khóa đầu tiên, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long, nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ thuộc Ban Tổ chức trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Bà là phu nhân của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh tức Mười Cúc. Bà là nữ đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IV. Sau khi nghỉ hưu theo chính sách, bà tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội: là thành viên tổ sử Phụ nữ Nam Bộ và là người có công trong việc thành lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày nay, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh.

Là nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, với bà đây là niềm vinh hạnh lớn lao, dù đã hơn 70 năm trôi qua, nhưng bà vẫn nhớ những cảm xúc ban đầu khi đặt chân lên thềm Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày khai mạc phiên họp lần thứ hai Quốc hội khóa I – 28/10/1946. Đứng lặng nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên ban công, bà như đang được gợi nhớ về hình ảnh những lá cờ đỏ thắm trong tay đoàn quân khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, nhớ cờ đỏ sao vàng rợp trời trong cuộc mít tinh mừng Cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi ở miền Nam. Bà bồi hồi nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi bước ra khỏi nhà, làm sao tôi nghĩ được mình đang đi lại giữa thủ đô trong khi khói lửa của chiến tranh bao trùm xóm làng thân thương. Tôi chạnh lòng nhớ xóm làng, đồng ruộng, thương nhớ và cảm ơn đồng bào, chiến sĩ đang liều chết giết giặc cứu nước, cứu nhà. Tình quê hương da diết, lòng căm thù giặc khiến cho tôi thêm bồn chồn mong được đến ngày họp Quốc hội, được gặp Bác Hồ để bày tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với vị cha già dân tộc, được nói lên nguyện vọng của giới phụ nữ đang quyết hi sinh để cứu nước, giành độc lập tự do. Đồng thời còn có nguyện vọng khát khao được “giải phóng giới”, bà Ngô Thị Huệ xúc động chia sẻ khi kể về những ngày kỷ niệm đầu tiên.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2021), đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại lịch sử hình thành và phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội nước ta đã đạt được trong 75 năm qua; góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự ủng hộ và giám sát của Nhân dân, Quốc hội nước ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các đại biểu Quốc hội khóa I chụp ảnh cùng Hồ Chủ tịch.

Tài liệu tham khảo:

– Tổ Sử Phụ Nữ Nam Bộ, Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ kháng chiến, Nxb Chính trị Quốc gia, 2015.

– Văn phòng Quốc Hội, 70 năm Quốc Hội Việt Nam, Nxb Thông tấn.

– Hồi ức Ngô Thị Huệ, Tiếng sóng bủa ghềnh, Nxb Trẻ, 2015.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 01 năm 2021

Phạm Tuấn Trường

Phòng Truyền thông- Giáo dục- Quan hệ quốc tế