Gánh hát Đồng Nữ Ban là một gánh cải lương rất đặc biệt do cách mạng sáng lập, có tổ chức, cách thức và mục đích hoạt động hướng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hoàn toàn khác với các gánh cải lương đương thời.
Năm 1927, được sự chỉ đạo của Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Nam kỳ và Tỉnh bộ Hội Việt Nam Thanh niên tỉnh Mỹ Tho; những hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xã Vĩnh Kim mà chủ chốt là Trần Văn Hoè, Trần Ngọc Viện và Nguyễn Thị Dành (cô và mẹ ruột của Giáo sư, Tiến sĩ Âm nhạc Trần Văn Khê) đã sáng lập gánh cải lương “Đồng Nữ Ban” nhằm dùng sân khấu làm nơi tập hợp, khơi dậy quần chúng đấu tranh công khai và hợp pháp trên sân khấu, chống lại sự cấm đoán tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của chế độ thực dân Pháp và bọn tay sai của chúng. Bên cạnh đó, giáo dục tinh thần yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm cho nhân dân, nhất là giới thanh niên, học sinh. Qua đó góp phần đào tạo cán bộ cho cách mạng và gây quỹ tài chính cho tổ chức cách mạng tại địa phương.
Gánh do cô Trần Ngọc Viện (cô Ba Viện) làm bầu gánh kiêm luôn đạo diễn, có khoảng 30 diễn viên, toàn là thiếu nữ tuổi từ 17 đến 21, đều là con em của các gia đình yêu nước, tiến bộ ở xã Vĩnh Kim, dám đạp đổ thành kiến “xướng ca vô loài”, cho con gái của mình vượt qua bức tường phong kiến “khuê môn bất xuất” để ra làm việc nghĩa, chống gian tà. Gánh đi lưu diễn nhiều nơi ở Nam Kỳ và tạo nên tiếng vang tốt trong lòng quần chúng nhân dân.
Nhìn thấy tính chất “quốc sự” của gánh nên giới cầm quyền thực dân ở Nam Kỳ đã ra lệnh cho Đồng Nữ Ban phải ngưng hoạt động vào năm 1929. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn nhưng gánh Đồng Nữ Ban là niềm tự hào của nữ giới Tiền Giang trong công cuộc vận động đấu tranh giải phóng dân tộc và đóng góp thêm sự đa dạng của sân khấu cải lương trong những năm 20 của thế kỷ vừa qua.
Người có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển của gánh cải lương Đồng Nữ Ban là bà Trần Ngọc Viện (cô Ba Viện). Cô Trần Ngọc Viện sinh năm 1884 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Bà là con của nghệ nhân Trần Quang Diệm. Ông nội, cha, em, cháu đều là những nhạc sĩ nổi tiếng. Thừa hưởng truyền thống quý báu đó, bà cũng là nhạc sĩ, nghệ sĩ tài hoa. Bà biết hát tất cả các điệu hát, biết sử dụng tất cả các loại nhạc cụ dân tộc. Tiếng đàn của bà rất độc đáo và được nhiều người mến mộ, trong đó điêu luyện nhất là ngón đàn tỳ bà và đàn tranh. Ngoài ra bà còn có tài thêu thùa may vá.
Gánh hát Đồng Nữ Ban – Ảnh: Tư liệu.
Bà lấy chồng là con một ông Phán mê âm nhạc ở Mỹ Tho, được hơn một năm thì bà sinh con, nuôi con được 3 tháng thì con bà mất, sau đó không lâu thì chồng bà cũng qua đời. Trước hoàn cảnh thương tâm này, gia đình chồng cho bà về quê. Nhưng để khuây khoả nỗi bất hạnh, bà lên Sài Gòn dạy nữ công gia chánh trong trường Áo Tím nữ học đường (trường Gia Long cũ, nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai). Trong lúc dạy học ở đây bà được tiếp xúc với nhiều sách báo tiến bộ của các nhà yêu nước nên bà sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1926, sau lần đi dự đám tang cụ Phan Chu Trinh, bà bị nhà trường cho nghỉ việc, sau đó bà về quê và tham gia hoạt động cách mạng. Lúc bấy giờ bạn bè khắp nơi nghe tiếng bà thường xuyên lui tới thăm hỏi, trong số đó có nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và ông đã xem bà như người chị ruột trong gia đình.
Vào năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Mỹ Tho được thành lập, sau đó Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội xã Vĩnh Kim ra đời. Thực hiện chủ trương của Kỳ bộ và Tỉnh bộ, Chi bộ đã thành lập gánh hát Đồng Nữ Ban nhằm mục đích lợi dụng sân khấu để tuyên truyền, kêu gọi truyền thống yêu nước của nhân dân, ca ngợi tinh thần bất khuất của phụ nữ, chống lại chính sách ngu dân – nô dịch văn hoá của thực dân Pháp, đồng thời tạo ngân quỹ cho Việt Nam Thanh niên Cách mạng xã Vĩnh Kim hoạt động.
Đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng đặt ra, với tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng nhiệt huyết cách mạng cùng với uy tín của mình, bà đã đứng ra thành lập gánh hát với vai trò vừa là bầu gánh, vừa là đạo diễn. Gánh Đồng Nữ Ban thường tập trung tại một ngôi nhà rộng rãi ở cầu Bà Lung (Vĩnh Kim) để tập dợt tuồng. Dưới sự dạy dỗ, chăm sóc tận tình của cô Trần Ngọc Viện, các nữ diễn viên còn được học chữ để nâng cao kiến thức, bên cạnh học ca diễn, điệu bộ và võ thuật. Một số vai diễn có triển vọng được đưa ra Mỹ Tho xem cô Năm Phỉ đào chánh của gánh Phước Cương diễn, để học tập, rút kinh nghiệm.
Tất cả diễn viên cũng như phục vụ đều cố gắng hết mình cho việc tập luyện. Cha mẹ của các diễn viên ngoài việc động viên con chuyên tâm học tập còn ủng hộ tiền bạc mua sắm phông màn, gạo, muối, mắm trong thời gian đầu còn gian khó. Dưới sự dạy dỗ của cô Ba Viện, tất cả diễn viên đều có đạo đức tốt, cuộc sống trật tự, ngăn nắp, văn minh và biết tôn trọng, yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.
Sau gần 6 tháng luyện tập khẩn trương, vào khoảng giữa năm 1928. Lần đầu tiên gánh hát ra mắt nhân dân vở “Giọt máu chung tình” tại cầu Bà Lung, xã Vĩnh Kim và đã được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt, bà con kéo đến xem đông nghẹt và hết lời tán thưởng, khen ngợi. Họ không ngờ “đám con gái” lại tiến bộ vượt bậc và diễn hay đến như thế. Ngay đêm diễn này gánh hát thu được 270 đồng, một số tiền không nhỏ so với thời đó. Nội dung của vở diễn mang tính giáo dục rất cao nhằm thức tỉnh tinh thần yêu nước, ca ngợi truyền thống văn hoá của dân tộc, chống lại sự nô dịch văn hoá của thực dân Pháp và bọn quan lại phong kiến, nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất của người phụ nữ Việt Nam nói chung và của người phụ nữ Nam Bộ nói riêng.
Phát huy thắng lợi ban đầu, cô Ba Viện tiếp tục cùng gánh Đồng Nữ Ban dàn dựng tiếp 2 vở mới là “Hiệp tình quân tử” và “Bên nghĩa bên tình”. Tiếp đó, nhiều vở tuồng được công diễn như: Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Máu chảy ruột mềm, Rạch Gầm – Xoài Mút… Trong đó vở tuồng “Giọt máu chung tình” (tác giả Nguyễn Tri Khương) với hai nhân vật Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà là vở tuồng ăn khách nhất của đoàn, được quần chúng hoan nghênh và đón nhận nhiệt tình nhất. Sau đó, Gánh hát cũng bắt đầu đi lưu diễn ở các nơi xa hơn như Mỹ Tho, Bến Tre, Cao Lãnh, Cần Thơ, Rạch Giá, Thủ Đức, Thủ Dầu Một… đã gây được tiếng vang rất lớn trong vùng. Đi đến đâu, gánh hát cũng đều được quần chúng ở địa phương nơi đó hết lòng ủng hộ, thương yêu, đùm bọc và bảo vệ trước sự hạch sách, quấy phá của bọn cầm quyền. Vai trò “gánh mũi chịu sào” của cô Ba Viện được quần chúng hết lòng mến mộ trước khí phách kiên cường đấu tranh với cường quyền bảo vệ gánh hát của cô. Toàn bộ số tiền thu được sau khi trang trải các chi phí cần thiết cho đoàn, bà đều đóng góp hết cho cách mạng.
Sau gần 2 năm ra đời và không ngừng phát triển, cô Ba Viện và những nhà bảo trợ quyết định đưa gánh hát Đồng Nữ Ban về Sài Gòn để học tập các gánh hát lớn và danh tiếng nhằm gây tác động về việc cổ súy cho lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng ở ngay một thành phố lớn nhất Đông Dương hồi đó.
Thủ Đức là nơi gánh Đồng Nữ Ban chọn làm điểm diễn đầu tiên. Ngay đêm diễn thứ nhất, viên chủ quận đã ra lệnh cấm. Cô Ba Viện liền đến ngay dinh quận, gặp trực tiếp chủ quận vừa đấu lý, đấu lẽ, vừa kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, gánh được diễn. Bà con kéo đến xem muốn vỡ rạp. Nhưng đến đêm diễn thứ hai thì bị bọn mật thám, mã tà ập vào lục soát, bắt bớ, khiến gánh phải tạm ngưng diễn.
Trước sự lớn mạnh và ảnh hưởng lan rộng của gánh hát trong quần chúng, thực dân Pháp và tay sai vô cùng hoảng sợ, chúng đã tìm đủ mọi cách để phá hoại và không cho đoàn công diễn nữa. Nhưng do tinh thần đấu tranh kiên quyết và khôn khéo của cô Ba Viện, lại được nhân dân hết lòng ủng hộ và bảo vệ nên gánh hát của cô vẫn đi biểu diễn được nhiều xuất ở khắp các nơi. Đến khoảng giữa năm 1929, Chính quyền thực dân ở Nam Kỳ lấy lý do là gánh “Đồng Nữ Ban” hoạt động, tuyên truyền “quốc sự” và phá rối trật tự trị an nên ra lệnh giải tán và ngưng hoạt động. Các diễn viên trong gánh hát phần lớn sau này đều trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi đoàn hát giải tán, bà về ở nhà ông Trần Văn Chiêu (Bảy Triều) là thân phụ Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê và sống cuộc đời thanh nhàn, bà đã góp công nuôi dưỡng và giáo dục anh em GS, TS Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Trần Thị Mộng Nhung ăn học thành tài, trở thành những tài năng lớn của nền âm nhạc nước nhà và trên thế giới. Bà mất ngày 25 tháng 8 năm 1944 tại quê nhà trong sự tiếc thương vô hạn của bạn bè và đồng bào gần xa, bà hưởng thọ 60 tuổi.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 8 năm 2023
Phạm Tuấn Trường
Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo:
+ Phụ nữ Việt Nam – Những sự kiện đầu tiên và nhất.
+ Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ kháng chiến – Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ.
+ http://baoapbac.vn
+ http://www.thtg.vn
+ https://phunuvietnam.vn