TỬ TÙ NGUYỄN THỊ GIANG VÀ CUỘC “CHUYỂN QUÂN” NGOẠN MỤC

Chúng ta nghe rất nhiều cụm từ “biến nhà tù thành trường học cách mạng” trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chủ trương này đã giúp cho các tù nhân chính trị; nhất là các nữ tù “tiếp sức nhau” học tập kinh nghiệm từ thực tiễn, kiến thức làm động lực để tinh thần lạc quan và kiên trì đấu tranh trong tù. Nhưng chúng ta lại ít biết về những câu chuyện “chuyển quân” trong trại giam đề bảo vệ tính mạng cho tử tù, bảo vệ tính mạng cho đồng đội trong điều kiện lao tù.

Câu chuyện về nữ tử tù Nguyễn Thị Giang là một trong những nét chấm phá, giải cứu ngoạn mục của các nữ tù, thể hiện tinh thần đoàn kết, sự can đảm, thông minh của tập thể nữ tù trước sự đàn áp của thế lực trong nhà tù thời bấy giờ.

Đầu tháng 4 năm 1971, chị Nguyễn Thị Giang- đội trưởng đội biệt động 5 Anh hùng của Y4 FK-6 được Ban quân sự Y4 mời lên nhận nhiệm vụ mới “Chuyên chở vũ khí vào nội thành Sài Gòn để đánh địch ngay tại trung tâm đầu não, để hợp đồng đánh cùng lúc với lực lượng Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và vùng 4 để chia lửa với đồng đội, giải tỏa sức tấn công của giặc vào các vùng mật khu của ta. Nhiệm vụ cụ thể của chị Giang là phải phát tiếng nổ dẫn đầu cho các đội đã chuẩn bị sẵn ở Sài Gòn”. Nhận lệnh, chị Giang nhận vũ khí và tìm cách đưa về Sài Gòn. Chị cùng một cô giao liên ngụy trang vũ khí trong các thúng hàng và trong chiếc xe đạp gởi trên xe đò. Trong lúc dừng trạm, thấy có mấy tên chiêu hồi đứng dưới nhìn mặt, chị Giang ra hiệu với cô giao liên vờ như không quen biết và xuống xe di chuyển qua một chiếc xe khác.

Tuy nhiên, khi đến Hóc Môn- Bà Điểm chị bị giặc bắt, giải về Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn và bị thẩm vấn ngay trong đêm. Trước những lời dụ dỗ đường mật nhưng không tác dụng gì đối với chị, chúng quay sang đe dọa bằng cách đi đến cái bàn đồ nghề trên đó có đủ loại dụng cụ dùng để tra tấn tù nhân; chúng dí dây diện chạm vào cái kềm để lửa xẹt ra kêu lách tách nhằm khủng bố tinh thần của chị. Sau khi thấy không có tác dụng, bọn chúng kẹp điện vào người chị cho điện giựt. Thấy chị ngất đi, bọn chúng tiếp tục tạt nước vào mặt cho chị tỉnh lại rồi lại tiếp tục tra tấn. Hơn một giờ đồng hồ qui trình xét hỏi cứ lặp đi lặp lại nhưng chị không khai báo gì, tên trưởng ban tham vấn nổi nóng đổi hình thức khác là kêu đồng bọn cho chị “đi tàu lặn”. Hai tên đồ tể lôi ra một chiếc ghế dài giống như bàn bào của thợ mộc. Một đầu cao, một đầu thấp, chênh nhau hai tấc. Chúng cột chặt hai tay chị tréo xuống phía dưới và hai chân cột dính vào chiếc ghế dài. Trong tư thế đầu thấp chân cao, người trút xuống, chúng lột quần áo chị ra, chụp khăn vào mũi và miệng, ấn xuống và đổ nước xà bông vào đó. Ngất rồi lại tỉnh vì những xô nước tạt vào mặt, qui trình tra tấn lập đi lập lại với các đòn tra khảo gia tăng theo cấp bạo tàn, hiểm hóc.

Liên tiếp những ngày sau đó, chúng cứ tiếp tục tra khảo, tra tấn đủ các kiểu nhưng chị không hề hé nửa lời. Chúng dẫn hết người này đến người khác cho chị nhìn mặt, xác nhận, nhưng chị vẫn lắc đầu, trả lời không biết. Thấy không khai thác được gì từ chị, bọn chúng chuyển sang hình thức khác. Lần này, chúng bỏ chị vô trong thùng phuy bằng sắt, đậy nắp lại, và dùng cây đánh từ bên ngoài. Thân thể chị không hề bị xây xát, nhưng âm thanh của thùng khi bị đánh nổi lên như những tiếng sét đập thẳng vào tai, nhức đầu, điếc tai, âm thanh như long cả óc. Với lối đánh này, nạn nhân không bị thương tích, nhưng tinh thần và thần kinh như bị giãn ra. Chị ngất. Bị đánh tra khảo liên tục ba ngày trong thùng phuy, chị Giang như người mất hồn, lúc nhớ, lúc quên, lúc buồn lúc vui. Đến ngày thứ tư, trong đêm lạnh của phòng giam chị nghe khe khẽ tiếng hát vọng tới:

….Đồng chí ơi, người chiến sĩ giải phóng quân

Miền Nam anh hùng thành đồng Tổ quốc

Anh đi về đâu, từ Qui Nhơn đến Biên Hòa, vượt

Qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng….

Sau các cuộc khảo tra không đem lại kết quả, chúng mang chị ra trước tòa để thẩm vấn, lặp đi lặp lại các câu hỏi: Chị đã vào mật khu mấy lần? tổ chức cùng đồng bọn đánh bao nhiêu trận? tổ chức bao nhiêu cơ sở?

Chị Giang một mực khai báo: các ông ghi trong hồ sơ mấy lần thì các ông biết chớ hỏi gì!; Trong hồ sơ có ghi và không tổ chức cơ sở nào!

Trả lời xong ba câu hỏi thì bọn cảnh sát chĩa súng vào chị và ập tới bịt miệng, bịt luôn cả mắt, rồi lôi xổm chị dậy kéo ra khỏi phiên tòa. Chúng kết án tử vì chị ngoan cố, chống đối. Chị vùng vằng tìm cách tháo khăn để phản kháng, nhưng bọn cảnh binh đã nhảy đến khóa chặt tay chị, đè chị xuống không cho vùng dậy, rồi bọn chúng kéo chị ra ngoài, đẩy lên xe và chở về nhà giam Thủ Đức.

Trong thời gian ở trại giam Thủ Đức, khi nghe tin chị Giang bị án tử hình, các đồng chí trong nhà giam bàn kế hoạch đưa chị Giang và bốn chị khác trong trại kỷ luật nhập qua trại H (là trại đông người hơn). Kế hoạch được bàn một cách khẩn trương và chặt chẽ. Sáng sớm, khi tiếng kẻng báo giờ cơm vang lên, bên trại H hơn hai chục nữ thanh niên với bà ba đen, khăn rằn; một cái đội đầu và dùng bịt miệng phòng lựu đạn cay, một cái cột ngang lưng quần cho gọn, dùng bao bố rửa nhà, người này leo lên vai người kia công kênh lên cao phủ bao bố qua rào kẽm gai phía đầu tường chờ đợi. Khi bọn trật tự đem cơm đến phòng 4, các chị xông ra gạt té hai người trật tự vào trong, xé khăn bịt miệng trói tay chân lại rồi phóng nhanh ra cửa mở sẵn để qua trại H. Trong lúc đó, các chị khác la lên để bọn giặc khỏi nghi ngờ: “Năm chị phòng 4 đã chạy rồi, chạy hết rồi…”

Từ phòng 4 muốn qua trại H phải qua bốn cánh cửa. Các chị bên trại H đã mở được hai, còn hai cái phải leo tường vào. Một lực lượng nữ thanh niên trẻ đã sẵn sàng bên bờ tường. Khi thấy các chị chạy tới thì từ trên cao có hai người nhảy xuống, thả một sợi dây luộc kéo vào bên trong rồi hai người thanh niên này dìu từng chị qua hai lần vai mình rồi nương sợi dây leo qua tường. Trên bờ tường lực lượng đứng sẵn hỗ trợ, và đưa các chị xuống phòng. Cuộc chuyển quân thật thần tốc. Chỉ trong vòng mấy phút, từ lúc tiếng la của bọn trật tự, bọn lính chưa kịp có phản ứng gì thì năm chị đã vào phòng trại H. Các chị thanh niên cũng đu dây nhảy trở lại vào trại H an toàn. Khi bọn lính tràn tới tìm năm người thì các chị đứng chặn cửa và cử đại diện ra nói:

“Tôi công nhận có năm chị chạy qua đây. Tôi không biết tên, chỉ biết đó là chị em tù của chúng tôi. Tôi công nhận như vậy để mấy người biết rằng không hề có chuyện tù trốn”.

Mấy lần chúng định xông vào, nhưng các nữ tù đã chuẩn bị tư thế phát động đấu tranh. Rồi các chị bố trí cắt tóc giống nhau để không ai phân biệt được chị Tư Giang là ai, từ đó chị Giang sống trong sự đùm bọc và bao che của tập thể nữ tù trại H. Có vài lần chúng xét phòng tìm chị Giang nhưng không biết mặt chị nên đành thôi.

Đến ngày 2/9/1972, chúng chuyển cả trại H và một số các chị ở Chí Hòa, Tân Hiệp, cùng đày ra Côn Đảo. Trên đường đi, chị Giang được hai nữ thanh niên theo bảo vệ. Chúng còng chung ba người một nhóm, cả ba cùng mặc đồ và khăn rằn quấn cổ giống nhau đi xuống tàu để giặc không tìm được người nữ tử tù tên Nguyễn Thị Giang.

Kế hoạch bảo vệ người nữ tử tù là một kế hoạch can đảm, mưu trí của tập thể nữ tù trại H, là một trong vô vàn câu chuyện đấu tranh trong ngục tù đã thể hiện tinh thần bất khuất, đấu tranh dù trên mặt trận nào của những người phụ nữ kiên cường trước quân thù.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 7 năm 2021

Nguyễn Thị Thu Hồng

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tham khảo: Những ngày tù ngục – Hàn Song Thanh, Tổ Sử Phụ Nữ Nam Bộ chủ biên, 1995.