TÌM HIỂU VỀ DI TÍCH LỊCH SỬ CHIẾN THẮNG ĐỒNG DƯƠNG

Tỉnh Quảng Nam có bề dày về truyền thống lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất qua hai cuộc kháng chiến; trong đó, di tích lịch sử chiến thắng Đồng Dương là trận đánh ghi lại những trang sử vẻ vang, hào hùng cùng truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm bất khuất của người dân xã Bình Định Bắc nói riêng và người dân Quảng Nam nói chung.

Tỉnh Quảng Nam có bề dày về truyền thống lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất qua hai cuộc kháng chiến; trong đó, di tích lịch sử chiến thắng Đồng Dương là trận đánh ghi lại những trang sử vẻ vang, hào hùng cùng truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm bất khuất của người dân xã Bình Định Bắc nói riêng và người dân Quảng Nam nói chung. Chiến thắng Đồng Dương đã làm nên thắng lợi then chốt của chiến dịch Hiệp Đức – Đồng Dương, cổ vũ mạnh mẽ phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, làm thay đổi cục diện chiến trường Quân khu 5; nhờ đó, quân và dân ta đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ – nấc thang quan trọng trong thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam.

Trận đánh Đồng Dương xảy ra tại tổ 7, thôn Đồng Dương, xã Bình Định (hiện nay là xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).Từ ngã tư Hà Lam đi theo đường ĐT 613 về hướng Tây khoảng 7 km là đến UBND xã Bình Định Bắc, đi một đoạn khoảng 500 m về phía tay phải đến cổng làng văn hoá Đồng Dương, từ cổng đi khoảng 500 m là đến khu di tích – nơi xảy ra trận đánh Đồng Dương cách Trung Tâm Hành Chính Thị Trấn Hà Lam 8 km.

Cuối năm 1965, sau khi địch huy động lực lượng với quy mô gồm: bộ binh, pháo binh, cơ giới và máy bay chiến đấu đến chiếm lại Chi khu quân sự và Quận lỵ Hiệp Đức, cùng chiếm đóng các chốt điểm quân sự khác xung quanh khu vực này.

Ngày 20/11/1965, Bộ chỉ huy chiến dịch của sư đoàn 2, giao cho trung đoàn Ba Gia tổ chức lực lượng bao vây, tiêu diệt cứ điểm Việt An, nhằm buộc quân địch bung ra giải toả cho cứ điểm này; bởi Việt An là cứ điểm quân sự lớn, nằm cách Quận lỵ Hiệp Đức chưa đầy 10 km, giáp ranh giữa đồng bằng, trung du và miền núi, cửa ngõ phòng vệ cho cả Hiệp Đức lẫn phía Tây Thăng Bình. Tại đây địch bố trí 01 đại đội của tiểu đoàn 2, trung đoàn 5 và cả một hệ thống hầm ngầm, công sự, lô cốt kiên cố. Ngày 26/11/1965, quân ta điều tiểu đoàn 60, trung đoàn Ba Gia có tăng cường thêm 02 đại đội súng máy phòng không, cùng sự phối hợp hỗ trợ của 03 trung đội du kích địa phương tiến công vây hãm cứ điểm Việt An, uy hiếp hệ thống cứ điểm quân nguỵ trên cả hai trục đường 105 và 106. Ngày 06/12/1965, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đánh chiếm đồn, đồng thời đưa quân về đánh địch ở Mộc Bài. Nhưng vào lúc này, sau nhiều ngày do dự và lo sợ, địch quyết định tổ chức cuộc hành quân “Liên kết 118” để giải toả cứ điểm Việt An và vây đánh quân chủ lực của ta đang có mặt trên chiến trường, địch tổ chức một chiến đoàn gồm có tiểu đoàn 11 biệt động quân và 3 tiểu đoàn bộ binh của trung đoàn cộng hoà nguỵ, khoảng 50 xe GMC, 30 xe M113 tập trung tại Hà Lam (quận Thăng Bình). Biết được ý đồ và hành động của địch, chiều ngày 07/12/1965, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định ngưng các cuộc tiến công vào các cứ điểm quân sự của địch và chủ trương cho quân mật phục để tiêu diệt địch trên đường từ Hà Lam đi Việt An. Bị đánh bất ngờ cả 03 mặt: chính diện, cả bên sườn trái và sườn phải, hàng ngũ địch bị hoảng loạn. Tiểu đoàn bộ binh 70 tập trung hoả lực và bộ binh xung phong tiêu diệt được nhiều quân địch.

Sau 02 giờ tiến công áp đảo, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, ta đã diệt tiểu đoàn 11 biệt động quân nguỵ, loại khỏi vòng chiến đấu 350 tên, trong đó có 3 cố vấn Mỹ, bắt sống 3 lính nguỵ, thu 48 súng trong đó có 2 khẩu cối 60mm, 2 đại liên, 8 trung liên, 3 M79, 7 súng ngắn và 26 súng carbin, thomson, garant, nhiều đạn dược và trang bị khác. Bị thất bại ngay từ trận đầu của cuộc hành quân “Liên kết 118”, tên chỉ huy chiến dịch của địch liền ra lệnh cho: tiểu đoàn 1 và 4, đại đội Biệt kích trung đoàn 5, cùng đại đội Biệt kích của tiểu khu Quảng Tín co cụm lại quanh khu vực làng Đồng Dương để cố gắng chống cự và chờ quân cứu viện, lúc này biết địch đang tập trung chủ yếu lực lượng tại điểm cao 25, 30, khu vực Đá Biển, quanh tháp Đồng Dương và Ao Vuông, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung lực lượng của trung đoàn Ba Gia tiến công tiêu diệt địch trước khi trời sáng và mục tiêu chủ yếu là phía Tây cầu Ông Triệu và các chốt địch có hoả lực mạnh. Các trưởng tiểu đoàn, đại đội về phổ biến kế hoạch chiến đấu và hiệp đồng, tiểu đoàn bộ binh 60, tiểu đoàn bộ binh 90 triển khai tiếp cận sẳn sàng lệnh nổ súng. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho đại đội bộ binh 1 từ điểm cao Bắc đường đánh qua điểm cao 30 Nam đường, chiếm xong Đá Biển đại đội bộ binh 2 cùng hai trung đội đại đội bộ binh 3 cùng phát triển dãy điểm cao 30 để hiệp đồng với tiểu đoàn bộ binh 60.

Trận chiến kết thúc thắng lợi. Kết quả ta đã tiêu diệt: tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 5 và đại đội biệt kích, đại đội biệt chính Quảng Tín, Ban chỉ huy hành quân (chiến đoàn), đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn, loại khỏi vòng chiến đấu 528 tên, bắt sống 50 tên, thu 160 khẩu súng các loại (kể cả du kích thu) và nhiều quân dụng đạn dược. Bắn rơi 4 trực thăng, bắn bị thương 3 máy bay (L19 và F105D). Chiến thắng Đồng Dương đã đánh bại cuộc hành quân “Liên kết 118” của địch ngay từ lần đầu xuất hiện. Đây là thắng lợi then chốt trong chiến dịch tiến công Hiệp Đức – Đồng Dương, qua đó thể hiện được sự hợp đồng tác chiến nhanh, gọn và hiệu quả của quân ta trên chiến trường. Qua trận đánh chặn viện của địch xảy ra trên địa danh làng Đồng Dương xã Bình Định Bắc, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch đến ứng cứu, phá được kế hoạch chi viện của địch, góp phần bảo vệ được địa bàn cánh Tây Thăng Bình vừa giải phóng, không cho địch chiếm trở lại. Thắng lợi của Trận đánh Đồng Dương xuất phát từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tinh thần đấu tranh kiên cường, dũng cảm, biết vượt qua mọi khó khăn, thử thách của quân và dân.

Trong trận đánh này, nhiều tấm gương tiêu biểu thể hiện lòng yêu nước, tinh thần bất khuất sẵn sàng quên mình vì nghĩa vụ thiêng liêng như: đồng chí Nguyễn Tấn Chung đã dùng súng bắn rơi một máy bay địch, đồng chí Trà Tấn Y (1921) mặc dù nhà ông đã bị giặc đốt đến lần thứ 7 nhưng ông vẫn kiên cường nuôi dấu các cán bộ trong hầm bí mật như: đồng chí Nguyễn Hữu Cả – Chính uỷ Chính trị của tỉnh Đội Quảng Nam, đồng chí Nguyễn Vui – Trinh sát tỉnh Đội, đồng chí Nguyễn Thị Hồng – Y tá tiểu đoàn D74.

Thông qua những di tích lịch sử cách mạng chúng ta có dịp tưởng nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể ở chiến trường. Kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 hằng năm là dịp để mỗi người chúng ta tri ân những người hy sinh vì nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Những việc làm đó còn có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về một thời oanh liệt của đất nước, về đạo lý uống nước nhớ nguồn.

alt

Tượng đài chiến thắng Đồng Dương

Tài liệu tham khảo w.w.w.thangbinh.quangnam.gov.vn Hình ảnh thực tế

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 7 năm 2019

Huỳnh Thị Kim Loan

Phòng Truyền thông- Giáo dục- Quan hệ Quốc tế