TẾT TRUNG THU TRĂNG TRÒN THÁNG 8

Sắp đến rằm Trung Thu, cái Tết giữa mùa thu trong năm nhộn nhịp chớm sớm. Hàng hóa thị trường tràn ngập đồ chơi lồng đèn Trung Thu các kiểu đa dạng dành cho trẻ em, song song là mẫu mã bánh các loại tấp nập chuẩn bị cho dịp lễ với nhiều lời chúc được trang trí trên hộp trang trọng phong phú, dự báo sẽ đón một mùa Trung Thu sớm tại Thành phố trong năm 2022.

Dịp Lễ Trung Thu là dịp lễ đặc trưng của các nước Châu Á, ở Việt Nam là vào ngày 15, rằm tháng Tám Âm lịch đã trở thành ngày Tết của trẻ em. Trong ngày Tết Trung Thu, người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân tưng bừng. Đây là một phong tục rất có ý nghĩa, vào thời gian này, trẻ em thì mong nhanh đến để được ông bà, cha mẹ tặng đồ chơi, bánh kẹo và thường là những món quà lồng đèn, mặt nạ ông địa hay cái quạt phe phẩy, ông lân..v.v.. để đốt nến, múa hát và điều đặc biệt nhất là được thưởng thức hương vị những chiếc bánh trung thu với nhiều mùi vị khác nhau.Không thể thiếu trong dịp này đó là hình ảnhchung vui của ông bà cha mẹ quây quần bên đàn cháu thơ, con cái hiếu thảo dành chocái Tếtđoàn viên, sum họp gia đình.

Ngoài ra, rằm tháng 8 còn được xem là ngày hội nông dân ăn mừng cho một mùa bội thu. Để cảm tạ trời đất, thiên nhiên đã ban tặng cho con người tất cả những niềm vui và thành côngtrong cuộc sống, theo phong tục người dân gian xưa đãtạo nên chiếc bánh trung thu như là một lễ vật muốn dâng lên thần linh, cảm tạ mẹ thiên nhiên đã ban chocon người một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bên ngoài chiếc bánh hình tròn thể hiện hình ảnh vầng trăng tròn đầy, gói trọn ý nghĩa tình cảm vung đầy, tròn trịa – một cuộc sống viên mãn, sung túc của gia đình trong ngày Tết Đoàn viên. Còn chiếc bánh hình vuông tượng trưng cho sự tự do, hạnh phúc của con người.

Theo quan niệm phong tục xưa hình tròn là trời, còn đất là hình vuông. Biểu tượng vuông tròn xuất phát từ sự tích “bánh chưng bánh dày” kể về đời vua Hùng thứ 6, nhà vua muốn tìm một loại lễ vật để cúng Tiên vương, chàng hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu mang đến hai món bánh ngon từ hạt gạo là bánh chưng và bánh dày. Kể từ đó, hình tròn và hình vuông là tiêu biểu cho sự hòa hợp âm dương trọn vẹn. Từ đó, mà ông bà ta có câu nói: “mẹ tròn con vuông”, tình nghĩa vuông tròn, ý nguyện được vuông tròn. Tất cả đều mang ý nghĩa tốt cho con người.

Bánh trung thu thường có hai loại bánh là bánh trung thu mặn và bánh trung thu chay. Nhân Bánh mặn là sự kết hợp hai hương vị mặn, ngọt mang ý nghĩa sau những khó khăn, chúng ta sẽ được nếm trải vị ngọt để có cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhân bánh ngọt – thường là bánh dẻo được làm bằng bột nếp, nhân bánh từ hạt đậu xanh, hạt sen mang đến vị ngọt ngào, thanh khiết.

Lễ vật đã được chuẩn bị xong, trong ngày rằm Trung Thu không thể thiếu những chiếc đèn lồng các loại như: lồng đèn cá chép, lồng đèn ông sao, lồng đèn tròn, lồng đèn kéo quân là những loại tiêu biểu nhất từ ngàn xưa. Những chiếc lồng đèn đủ màu sắc được chế tạo từ các vật dụng gần gũi với đời sống hằng ngày như giấy, vải, giấy nilon nhiều màu, tre và nến.

Điều đặc biệt trong ký ức tuổi thơ,đó là những chiếc lồng đèn làm bằng những lon sữa bò, lon nước, chai nhựa, ly nhựa, giấy bìa cứng được ba mẹ làm thủ công đục lỗ tạo kiểu cho đèn, trục xoay giữa hai chiếc lon tạo ra lồng đèn ống lon (xe lon) không kém phần lạ lẫm, thú vị hoặc từ những chai nhựa cắt dọc tạo kiểu như lồng đèn tròn kết gắn chân bằng dây nhôm xoắn tròn giữ chân đèn.

Dịp Trung thu năm xưa ấy, những buổi cúp điện là chuyện thường xuyên, nhưng con nít lấy đó làm niềm vui được thắp nến. Tối đến là bọn trẻ háo hức rủ nhau đốt nến, xách lồng đèn đi khắp xóm, cùng nhau hội tụ lại ca hát những bài hát Trung Thu, được khoe với bạn những chiếc lồng đèn mới mua hay tự làm.

Và cũng không thể quên được những kỷ niệm chơi đùa tinh nghịch của các bạn trai hùa nhau thổi tắt nến của bọn con gái. Quyết tâm cùng nhau lấy tay che bảo vệ ngọn nến cháy cuối cùng, san sẻ ngọn nến cho nhau. Có khi tất cả ngọn lửa đều tắt ngấm, bọn con gái la chí chóe, đòi mách cha mẹ. Rồi cũng có lúc trò nghịch đỉnh điểm của bọn con trai là lỡ tay làm cháy đèn của các em nhỏ, tiếng khóc ré lên… và sau đó là những trận đòn không thiếu khi bị mách lẻo – Hoài niệm ngày xưa lắm.

Cái Ngày xưa ấy, bọn con nít quý chiếc lồng đèn lắm. Vì chỉ đến Tết Trung Thu mỗi năm diễn ra có một lần được quà, bánh. Đối với gia đình khá giả lắm thì mới có tiền mua những chiếc lồng đèn đủ màu sắc giấy kiếng đẹp. Hầu hết là gia đình tự chế tạo ra lồng đèn thủ công.

Dù sao đi nữa, chiếc lồng đèn trung thu truyền thống đã trở thành món quà chứa đựng hoài niệm cả một tuổi thơ đầy ấp tiếng cười vui cùng gia đình và bạn bè của mỗi người và mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Ngày nay, những chiếc lồng đèn đa dạng và phong phú hơn như lồng đèn nhân vật hoạt hình, lồng đèn handmade có nhạc có đèn pin hiện đại v.v..

Đan xen là những lồng đèn thủ công bằng kiếng vẫn còn duy trì để nhắc nhở thế hệ mai sau nhớ đến truyền thống qua những câu chuyện cổ tích được nghe ông bà, cha mẹ kể lại.Tiêu biểu như chiếc lồng đèn cá chép xuất hiện trong truyền thuyết vượt vũ môn để hóa rồng, là phương tiện đưa ông táo về trời ngày 28 Tết Âm lịch hằng năm… Vì thế chiếc lồng đèn cá chép mang ý nghĩa biểu trưng cho sự cố gắng không ngừng và vươn lên vượt khó trong mọi hoàn cảnh.

Bên cạnh đó là chiếc lồng đèn ông sao, là loại phổ biến nhất đối với người Việt. Hình ảnh ngôi sao 5 cánh được bao bọc bởi vòng tròn tượng trưng cho ngũ hành âm dương phong thủy. Chiếc lồng đèn này tượng trưng cho sự cân bằng và hài hòa của các mối quan hệ trong đời sống.Hay là lồng đèn tròn là loại thường được bán suốt cả năm – thể hiện sự tôn vinh nét đẹp nhẹ nhàng của thiên nhiên (ánh trăng)cùng ước nguyện cảm tạ trời đất cho một mùa màng bội thu.

Từ đó mỗi dịp rằm Tháng 8 – trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung Thu được gọi là Tết đoàn viên. Lễ vật và đèn lồng đầy đủ mâm cỗ dâng lên tổ tiên hứa hẹn cầu chúc một năm sung túc, viên mãn cho gia đình.

 

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 8 năm 2022

Đào Thị Hồng Quyên

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ Quốc tế