PHỤ NỮ TRONG CƠN LỐC VẤN NẠN THỰC PHẨM KHÔNG AN TOÀN

Tiếp cận tìm hiểu về “thực phẩm sạch” hiện nay là nhu cầu chung của toàn xã hội. Nhưng tiếp cận để nâng cao giáo dục nhận thức về “thực phẩm an toàn” cho đối tượng là phụ nữ dưới góc độ giới là một góc nhìn tổng thể trong bối cảnh nâng cao bình đẳng giới của xã hội Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Hiển Linh

Tiếp cận tìm hiểu về “thực phẩm sạch” hiện nay là nhu cầu chung của toàn xã hội. Nhưng tiếp cận để nâng cao giáo dục nhận thức về “thực phẩm an toàn” cho đối tượng là phụ nữ dưới góc độ giới là một góc nhìn tổng thể trong bối cảnh nâng cao bình đẳng giới của xã hội Việt Nam. Trên cơ sở sưu tầm những kiến thức về thực phẩm cùng với sự trãi nghiệm của bản thân về việc góp phần xóa bỏ định kiến giới trong xã hội, thông qua vai trò là nội tướng của căn bếp gia đình gặp phải những vấn nạn về thực phẩm không an toàn, đó cũng là nỗi lo cho gia đình nói chung và bản thân người phụ nữ nói riêng trong việc chia sẻ công việc gia đình với nam giới, góp phần giúp phụ nữ tham gia đóng góp cho xã hội ngày càng hữu ích hơn.

Bài viết này nhằm chia sẻ về sự băn khoăn của người phụ nữ dưới góc độ là người tiêu dùng

1. Vai trò của phụ nữ với những bữa cơm trong gia đình

Bữa cơm gia đình là nơi gắn kết yêu thương. Ông bà ta xưa có câu: nhìn gian bếp, chọn con dâu; gia đình hạnh phúc hãy nhìn vào căn bếp. Nhiều người cho rằng đó là phong kiến. Bởi nó gắn liền với vai trò phụ thuộc của người phụ nữ với chức năng làm người nội trợ. Tuy nhiên, dưới góc độ giáo dục xã hội đó chính là nếp nhà. Nếp nhà có hay, có đẹp thì ta vẫn phải gìn giữ và bảo lưu. Bữa cơm gia đình nhiều thế hệ là một một không gian văn hóa thể hiện một quá trình tiếp nối và bảo lưu khá độc đáo của người Việt Nam. Ăn bữa cơm, mỗi người được thoả mãn nhu cầu vật chất thấy vui vẻ, phấn chấn. Bữa cơm giáo dục cho mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, biết nhường nhịn, có miếng ngon chú ý để phần cho người khác. Đó là cách giáo dục thiết thực, đời thường, về ý thức yêu thương, chia sẻ trong gia đình, sau tỏa rộng ra ngoài cộng đồng. Nếp nhà lưu giữ cả phong cách ẩm thực đặc biệt của vùng miền, nói rộng ra đó cũng chính là tâm hồn người Việt. Trong đó, người phụ nữ truyền thống được chỉ dạy về cách thức tổ chức gian bếp với vai trò nội tướng gắn liền với chức năng làm mẹ, làm vợ.

Dưới góc nhìn về y học, Lương y Võ Hà đã nói rõ: “Bữa cơm gia đình không chỉ đơn giản là cung cấp những món ăn có chất lượng để bảo vệ sức khỏe mà còn là phương tiện để tương tác và quan tâm chia sẻ giữa các thành viên qua đó có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và giáo dục lối sống lành mạnh cho con cái”. Từ khâu đi chợ, chọn lựa thực phẩm đến việc nấu nướng, người nội trợ khéo léo trong gia đình cung cấp những bữa ăn lành mạnh nhiều chất bổ dưỡng với chi phí kinh tế thấp nhất. Trước đây và ngay cả hiện nay, với nhiệm vụ là người đảm trách nấu nướng bữa ăn cho gia đình, phụ nữ được giáo dục thông qua kinh nghiệm của ông bà, cha mẹ và sau này là sách vở rồi truyền thông về những giá trị của bữa cơm gia đình, trong đó nào là: bữa ăn gia đình phải đủ dinh dưỡng và đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm gồm nhóm lương thực (gạo hoặc mì, ngô, khoai, bún phở…); nhóm chất đạm (thịt hoặc cá, trứng,tôm…); nhóm chất béo (dầu hoặc mỡ, bơ, vừng…); nhóm vitamin và muối khoáng (rau xanh và quả chín). Thức ăn phải đảm bảo sạch, có giá trị phòng bệnh. Do vậy ngay từ khâu mua thực phẩm người phụ nữ lựa chọn những thực phẩm tươi, sạch.

Như vậy, khi nói về giáo dục và sức khỏe gia đình thông qua bữa cơm hàng ngày là chúng ta nói nhiều về vai trò người phụ nữ. Xưa đã thế, nay vẫn vậy, dù chúng ta đang làm nhiều hành động thúc đẩy bình đẳng nam nữ, nhưng nếp nhà với những truyền thống tốt đẹp theo tôi vẫn phải giữ, nhất là trong bối cảnh thực phẩm không an toàn hiện nay. Cơm gia đình cũng đồng nghĩa với giảm bớt tần suất ăn những bữa ăn nhanh với nhiều thực phẩm công nghiệp. Mặt khác, chúng ta chỉ dạy cho phụ nữ rất nhiều kỹ năng về chế biến thực phẩm, nhưng dạy cho phụ nữ kỹ năng không chọn thực phẩm không an toàn, hiện nay chúng ta còn quá sơ sài trong cách thức tuyên truyền và giáo dục. Theo tôi, phải chăng chúng ta vẫn chưa có tiêu chí quy định cụ thể về thực phẩm bẩn? Vì vậy, dưới góc độ là người phụ nữ, tôi băn khăn lo lắng và hơn ai hết tôi khẳng định phụ nữ là người quan tâm đến thực phẩm bẩn nhiều nhất, nhưng họ vẫn chưa được tiếp cận một cách đầy đủ.

2. Nhận thức của phụ nữ về vệ sinh an toàn thức phẩm

Theo bà Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam “Phụ nữ có vai trò quan trọng trong công tác an toàn thực phẩm, từ trồng trọt đến chế biến, là người trực tiếp chăm lo sức khoẻ gia đình. Chính vì thế việc vận động phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên những kiến thức về an toàn thực phẩm đến với phụ nữ chưa nhiều”. Thực phẩm không an toàn hay thường dùng với tên gọi là ‘thực phẩm bẩn’ hiện nay trở thành một danh từ phổ biến sử dụng ở khắp mọi nơi. Nhưng thế nào là thực phẩm bẩn, hình như chúng ta chưa có khái niệm thống nhất. Sự mơ hồ về mặt khái niệm với bao nhiêu loại hoá chất cần cấm, bao nhiêu loại hoá chất nông dân cứ tự nhiên mà sử dụng.

Theo truyền thông hiện nay, hiểu theo nghĩa đơn giản thực phẩm bẩn là: Không chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất, kháng sinh cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép. Không chứa tạp chất (kim loại, thuỷ tinh, vật cứng …). Không chứa tác nhân sinh học gây bệnh (vi rút, vi sinh vật, ký sinh trùng). Có nguồn gốc, xuất xứ đầy đủ, rõ ràng và được kiểm tra, đánh giá chứng nhận về an toàn thực phẩm.

Với những khái niệm này, bản thân tôi là phụ nữ tiếp cận qua việc đi chợ mua sắm thực phẩm hàng ngày cho gia đình, tôi rất lo lắng loại thực phẩm nào cho phép tồn dư thuốc bảo vệ thực vật loại gì, tỷ lệ % là bao nhiêu? Lại còn tác nhân sinh học gây bệnh là tác nhân gì? Nhận diện được nó là cả vấn đề. Thực phẩm sạch cung không đủ cầu, giá thực phẩm khá cao so với thu nhập của người tiêu dùng, các sản phẩm tràn lan trên thị trường đa số là những sản phẩm chưa thực sự an toàn, việc lựa chọn thực phẩm đa số dựa theo kinh nghiệm là chính. Người phụ nữ nội trợ là người giữ lửa trong gia đình nhưng phụ nữ đôi khi vẫn không có sự lựa chọn, vì giá rẻ và chưa được tuyên truyền đúng thực chất vấn đề thực phẩm và có những thời điểm họ đành chấp nhận tiêu dùng thực phẩm bẩn. Và đó là nguyên nhân gây ra biến tướng về mặt sức khỏe, thậm chí là nguyên nhân của bệnh ung thư trong các gia đình Việt Nam hiện nay.

3. Nâng cao giá trị giáo dục về thực phẩm an toàn đến phụ nữ

Phụ nữ là lực lượng lao động có mặt trên tất cả lĩnh vực liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như: trồng trọt, chế biến thực phẩm và tiêu dùng, trực tiếp chăm lo sức khỏe gia đình thông qua các bữa ăn hàng ngày. Chính vì vậy, phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu được cung cấp thông tin, kiến thức khoa học đầy đủ, phụ nữ sẽ phát huy hiệu quả trong quảng bá và tiêu dùng các sản phẩm an toàn. Và phụ nữ cũng là những người tiên phong, tạo bước chuyển biến vô cùng to lớn trong việc giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm ngày nay (Báo cáo Hội LHPNVN năm 2016). Do vậy, cần phát huy vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhận thức điều đó, Hội LHPNVN với nhiều chương trình hoạt động như: Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”… nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam và điều quan trọng là hướng dẫn phụ nữ cách lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn trong chế biến thức ăn hàng ngày cho gia đình. Hoặc chương trình tuyên truyền vận động các tầng lớp phụ nữ chung tay vì một xã hội “Nói không với thực phẩm bẩn”; vận động hội viên không sử dụng và chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc… Hội phụ nữ cũng đã làm khá nhiều việc. Tuy nhiên theo tôi, hiện nay chúng ta đang kêu gọi nói không với thực phẩm bẩn, nên chăng cần nhiều giải pháp đến cộng động nhận thức về khái niệm thực phẩm an toàn. Do vậy, cần có những quy định luật pháp về vệ sinh thực phẩm cùng những tiêu chí cụ thể, biện pháp chế tài. Vì phụ nữ trong xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều lệ thuộc do định kiến giới, nếu chỉ có tuyên truyền giáo dục không là chưa đủ. Mặt khác, tinh hoa của gia đình truyền thống Việt Nam vẫn phải giữ, ngày nay được đặt dưới góc độ bình đẳng, việc kêu gọi nam giới –chia sẻ và gánh vác công việc gia đình, trong đó có việc chia sẽ công việc bếp nhà thì nên chăng cũng cần có những chiến lược truyền thông đến nam giới những vấn đề nêu trên.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 01 năm 2017

TS Nguyễn Thị Hiển Linh

Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ