PHỤ NỮ LONG AN- LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG

GIỚI THIỆU SÁCH TẠI THƯ VIỆN BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

PHỤ NỮ LONG AN- LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2020), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Phụ nữ Long An- Lịch sử và truyền thống” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An biên soạn đến bạn đọc.

Vị trí địa lý của tỉnh Long An giống như một vành đai hình cánh cung bao bọc thành phố Hồ Chí Minh về hướng Tây và Nam, có một vị trí vô cùng quan trọng trong thế tấn công về nội đô Sài Gòn, là mạch máu chiến lược nối liền các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Truyền thống lịch sử của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn có vị trí và vai trò quan trọng. Suốt chặng đường 30 năm chiến tranh, Phụ nữ Long An, với những tên gọi thay đổi theo từng thời điểm lịch sử cụ thể đã không ngừng sát cánh cùng nam giới phát huy cao độ truyền thống của Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, bằng gan vàng dạ sắt, bằng trí tuệ và máu xương đã góp phần tô thắm truyền thống của quê hương trung dũng, kiên cường. Trong cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp, hoạt động nổi bật của phụ nữ Long An là phong trào Hội mẹ chiến sĩ, nuôi quân, chăm sóc thương binh, nuôi giấu và bảo vệ cán bộ, chống bắt lính, làm giao liên mật, phát động phong trào hũ gạo nuôi quân, sản xuất và chiến đấu trực tiếp trong các tổ chức cách mạng, trong các đội du kích.

Đặc biệt, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ Long An kiên gan, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, nêu tấm gương dũng cảm tuyệt vời trong các phong trào 5 xung phong, tham gia giết giặc trong các đội du kích công khai, du kích mật, nổi bật là anh hùng Nguyễn Thị Hạnh, Trương Thị Giao, Dương Thị Hoa, Châu Thị Kim, Huỳnh Thị Ngọc, Trần Thị Kiều… Đó là đội nữ pháo binh Long An- Kiến Tường, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã sánh vai cùng nam giới, sẵn sàng có mặt nơi tuyến lửa. Những cuộc đấu tranh ác liệt trực diện với Mỹ- Ngụy, đội quân tóc dài tay không tấc sắt, bằng kinh nghiệm và tài trí đã làm quân thù run sợ. Phong trào chống bắt lính, bảo vệ chồng, con, anh, em, làm phá sản kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm phong phú cao trào đấu tranh chính trị, binh vận- hai trong ba mũi giáp công của cách mạng miền Nam. Có thể nói trong nhiều lĩnh vực, từ vùng địch tạm chiếm cho đến vùng giải phóng, vùng tranh chấp, ở đâu có các phong trào mang tính xã hội ở đó có phụ nữ. Phụ nữ góp phần động viên nam giới tòng quân giết giặc, làm cho thanh niên yên tâm với hậu phương để chiến đấu với quân thù.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tỉnh Long An có 1.662 bà mẹ được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (số liệu được tính đến tháng 6 năm 2002). Một trong những bà mẹ có con hy sinh nhiều nhất là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Tốt ở Bến Lức có 8 người con trai, cả 8 người con của mẹ đều hy sinh, Mẹ còn có 2 cháu nội là liệt sĩ, một người con dâu được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhà mẹ có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích. Mẹ còn là nòng cốt đấu tranh chính trị ở địa phương. Ở thị xã Tân An có một con đường mang tên Mai Thị Tốt.

Với tấm lòng trân trọng và tự hào về truyền thống yêu nước, thủy chung, son sắt với cách mạng của phụ nữ Long An qua các thời kỳ lịch sử, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giới thiệu sách “Phụ nữ Long An- Lịch sử và truyền thống” đến bạn đọc, xem đây là nguồn tư liệu quý giá để người đọc có thể cảm nhận về hình ảnh những người phụ nữ qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 11 năm 2020

Phạm Tuấn Trường

Chi đoàn Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ