Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phụ nữ Việt Nam đã góp phần cùng toàn dân viết nên những trang sử rạng ngời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao tinh thần yêu nước và sự đóng góp to lớn của phụ nữ “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Những người phụ nữ Việt Nam từ thân phận nô lệ đã vùng lên làm cách mạng, tham gia vào cuộc đấu tranh chung, trở thành người chủ thực sự, có quyền lợi, có trình độ văn hoá và địa vị xã hội.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ phát triển sâu rộng, huy động và phát huy được vai trò, tiềm năng to lớn của của phụ nữ, tạo ra những khả năng mới của chị em trên mọi lĩnh vực, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của toàn dân. Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ dùng mọi cách phá hoại hiệp định Giơnevơ tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước, mở rộng chiến tranh, dùng máy bay đánh phá miền Bắc, phong trào chống Mỹ lại sôi sục. Ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, phong trào phụ nữ miền Nam phát triển quy mô ngày càng rộng, hoạt động của Hội ngày càng phong phú. Hội đã phát động phong trào “Phụ nữ 5 tốt”, xây dựng tổ chức và đào tạo cán bộ, tăng cường hoạt động quốc tế và tổ chức Đại hội Phụ nữ lần thứ nhất. Cuộc vận động thi đua 5 tốt được phát động gồm các nội dung:
+ Đoàn kết đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận tốt.
+ Lao động, sản xuất, tiết kiệm tốt.
+ Chăm sóc nuôi dưỡng thương, bệnh binh tốt.
+ Học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn tốt.
+ Rèn luyện tư cách, đạo đức tốt.
Phong trào “Phụ nữ 5 tốt” được phát động ngay giữa lúc đế quốc Mỹ triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, do đó phong trào được chị em các giới tích cực hưởng ứng, tham gia đấu tranh và xây dựng hậu phương. Trung ương Hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, qua Đài phát thanh Giải phóng đã phát động chị em hai miền thi đua giữa phong trào “5 tốt” ở miền Nam và phong trào “3 đảm đang” ở miền Bắc, được chị em hưởng ứng tích cực. Từ đó, phong trào thi đua giữa hai miền phát triển với khí thế sôi nổi, động viên, cổ vũ lẫn nhau tham gia mọi mặt công tác cũng như góp phần hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc” và “đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước”.
Để đi sát quần chúng phát động phong trào, xây dựng cơ sở Hội và đào tạo cán bộ, Hội đã chủ trương đưa cán bộ Hội đi công tác tại các địa phương. Vì vậy, ở khắp các vùng từ rừng núi đến đồng bằng và cả ở đô thị, nơi địch kìm kẹp, kiểm soát gắt gao, đâu đâu cũng có mặt cán bộ Hội để chỉ đạo và phát động phong trào từng vùng, sát với tình hình thực tế nên chị em dể thực hiện và thực hiện tốt.
Hưởng ứng phong trào “Đoàn kết đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận tốt”, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam hướng dẫn cho cán bộ Hội các cấp biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối “hai chân, ba mũi”, hạn chế một phần những hành động đánh phá của chúng, đẩy lùi các cuộc hành quân, càn quét.
Tại các vùng tranh chấp, Hội đã chỉ đạo chị em đấu tranh phá thế kìm kẹp, phá rã ấp chiến lược, chống dịch gom dân, tát dân. Phong trào phụ nữ tham gia du kích được phát động và phát triển mạnh mẽ hơn các thời kỳ trước đây. Mỹ đổ quân càng đông, hành quân càn quét càng nhiều, số nữ dũng sĩ diệt Mỹ ở miền Nam, đăc biệt là ở Nam Bộ càng phát triển.
Ở đô thị, cán bộ Hội luồn sâu, bám rễ trong quần chúng, hướng dẫn chị em đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ hàng ngày và làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở Hội trong nhân dân. Tuy bị địch khủng bố dữ dội và gặp nhiều khó khăn hơn trước, nhưng phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ, nhất là đấu tranh chính trị trực diện vẫn tiếp tục phát triển. Các đoàn biểu tình kéo vào thị xã, thị trấn, mang những khẩu hiệu nêu cao quyền lợi của nhân dân như: chống phi pháo, chống rải chất độc hoá học, chống càn quét gom dân, chống bắt lính đôn quân, chống hãm hiếp phụ nữ…
Chị em phụ nữ và đồng bào tạo ra nhiều hình thức đấu tranh chính trị phong phú như: ở Bến Tre, các má, các chị kéo vào thị xã đóng trại, trưng bày triển lãm tang vật về tội ác Mỹ – nguỵ hay các cuộc biểu tình ngồi của chị em thị xã Cà Mau; cản phá các trận càn quét, các má, các chị dàn hàng cản đầu xe M.113 không cho cán lúa, bịt nòng súng không cho bắn vào xóm làng… Phụ nữ Biên Hoà, Đồng Nai đã chuyển các cuộc đấu tranh chính trị một cách ngoạn mục, từ âm mưu dùng các bà, các chị để “tố khổ Việt cộng” thành những cuộc tố khổ, đả đảo Mỹ – nguỵ… Những cuộc đấu tranh chính trị như vậy thường diễn ra đột xuất, không có sự chuẩn bị, nhưng các mẹ, các chị rất linh hoạt và phối hợp ứng phó nhịp nhàng…
Để làm công tác binh vận, nhiều chị em phụ nữ ra sức học một ít tiếng Anh để vận động binh lính Mỹ, các chị em phụ nữ ở vành đai Bình Đức, Mỹ Tho đã vận động được 38 lính Mỹ phản chiến. Nhiều lính Mỹ, hễ đi càn quét là vào nhà dân nằm ngủ, 300 lính nguỵ bỏ về Sài gòn…
Ở vùng giải phóng, Hội phát động mạnh mẽ phong trào phụ nữ tham gia du kích chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển công tác văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội. Nơi nào có Hội thì ở đó có “hũ gạo chống Mỹ”, có “con gà, cây chuối thương binh” và các hoạt động văn hoá đa dạng.
Từ năm 1963-1965, toàn Nam Bộ đều có hũ gạo nuôi quân. Riêng tỉnh Cần Thơ (Hậu Giang) đã có tới 25.000 hũ gạo chống Mỹ. Huyện Phụng Hiệp, 10 ngày Tết năm 1963 thu được 180 giạ gạo nuôi quân. Chị Huỳnh Thị Thanh ở Kiến Tường một mình làm 70 công ruộng, thu hoạch 700 giạ lúa, đã đóng góp 270 giạ cho bộ đội giải phóng…
Trong giai đọan này, để đàn áp phong trào của nhân dân, Mỹ và chính quyền tay sai đã sử dụng nhiều thủ đoạn thâm độc để uy hiếp tinh thần đấu tranh của phụ nữ: tăng cường khủng bố, bắt bớ, khuyến khích binh lính hãm hiếp phụ nữ; lừa mị về chính trị, mua chuộc về kinh tế để thực hiện âm mưu chiêu hồi; ra sức lợi dụng tôn giáo để làm tê liệt tinh thần đấu tranh của quần chúng. Đầu độc nữ sinh bằng lối “sống gấp”, “sống vội” và chúng mở ra những trường đào tạo nữ cảnh sát viên, nữ biệt chính, cán bộ bình định…
Để chống phá bình định của Mỹ và chính quyền tay sai, Đảng lãnh đạo tăng cường hoạt động nhiều mặt. Trong đó, yêu cầu cao nhất là phải giữ vững tư tưởng tiến công cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp và đánh địch bằng ba mũi giáp công: chính trị, vũ trang và binh vận trên khắp ba vùng: đồng bằng, rừng núi và đô thị. Phát động phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm nguỵ mà diệt”. Các má, các chị có nhiều cách để lấy súng đạn của Mỹ và xuất hiện nhiều dũng sĩ quyết thắng, dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt tăng, dũng sĩ hạ máy bay, trong đó có nhiều chị em phụ nữ.
Nhận định về phong trào “Năm tốt”, ngày 30/4/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội liên hoan “Phụ nữ 5 tốt”, Bác khẳng định: “Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”. Phân tích những nội dung của “5 tốt”, Bác nhấn mạnh: “Điều thứ một trong phong trào là đoàn kết, sản xuất và tiết kiệm tốt. Đoàn kết tốt thì việc gì to lớn mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”.
Như vậy, “Năm tốt” thực sự là phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực của chị em phụ nữ trong kháng chiến chống Mỹ. Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam đã vận dụng tốt chủ trương của Đảng để phát động, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực mà phong trào thi đua “Năm tốt” là điển hình tiêu biểu. Phong trào đã phát huy nội lực của chị em phụ nữ, nắm chắc thế trận, tình thế cách mạng tại từng địa phương để có những chỉ đạo kịp thời, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 10 năm 2023
Phạm Thị Diệu