Nữ chiến sĩ ngồi tù thêu thơ lên áo gối

TTO – Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vừa có ý tưởng triển lãm các tác phẩm thêu của những nữ chiến sĩ cách mạng một thời từng bị giam cầm.

Chuyên đề Kỷ vật thêu của nữ chiến sĩ cách mạng khai mạc sáng 23-5 giới thiệu khoảng 100 hiện vật của những chị, những mẹ chiến sĩ trong thời kỳ chống Mỹ từng bị giam cầm trong nhiều nhà tù.

Triển lãm là một mảng đề tài thú vị, gợi lại cho công chúng hôm nay không khí một thời đấu tranh anh dũng của những người phụ nữ vốn được xem là chân yếu tay mềm nhưng thời cuộc đẩy đưa đã hun đúc thành những anh hùng lẫm liệt khí phách.

Tác phẩm thêu hầu hết ra đời trong tù, đường kim mũi chỉ và đề tài thêu phần nào bày tỏ thái độ và tâm tư tình cảm của người nữ chiến sĩ đang đối diện vối thực tế khắc nghiệt.

alt

Bức tranh Phật Bà Quan Âm của bà Quách Kim Anh – nữ tù chính trị Côn Đảo – gửi biếu bà Nguyễn Thị Sửu trong thời gian 1954-1958 – Ảnh: L.Điền

Sau nhiều năm ra sức sưu tập, hệ thống và tìm hiểu các câu chuyện đi cùng hiện vật, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức trưng bày các kỷ vật thêu của nữ chiến sĩ cách mạng theo bốn tuyến nội dung:

– Khát vọng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc

– Tình cảm của người phụ nữ

– Tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất

– Tinh thần lạc quan cách mạng.

alt

Bức tranh thêu Phá xiềng – Ảnh: L.Điền

alt

Chiếc khăn thêu của bà Phạm Thị Ngọc Thu (Sáu Vân) thêu tại bót Margin Thủ Đức năm 1952 – Ảnh: L.Điền

Đằng sau song sắt nhà tù, các tác phẩm thêu ra đời còn mang thông điệp về những hoàn cảnh sinh hoạt, những câu chuyện của các nữ chiến sĩ cách mạng ngày ấy – một đề tài thú vị mà công chúng ngày nay chỉ có thể bắt gặp thông qua các triển lãm đặc biệt như thế này:

– Những tác phẩm thêu bình dị như chiếc nắp vỏ bình trà của bà Nguyễn Thị Tài – nữ tù chính trị ở Côn Đảo

– Bức tranh Phật Bà Quan Âm của bà Quách Kim Anh – nữ tù chính trị Côn Đảo – gửi biếu bà Nguyễn Thị Sửu trong thời gian 1954-1958,

– Chiếc khăn thêu của bà Phạm Thị Ngọc Thu (Sáu Vân) thêu tại bót Margin Thủ Đức năm 1952 với dòng chữ: Tự do! Tự do! Tự do!

alt

Chiếc quạt thêu của bà Trúc Chi (Lê Thị Hương) tại nhà tù Tân Hiệp năm 1971 thật sự là một sản phẩm mỹ nghệ xuất sắc…

alt

Cũng có những tác phẩm thêu cùng với dòng ghi chú cũng đủ kể lại một câu chuyện cảm động, như chiếc áo sơ sinh được may trong tù, dành cho cô Trần Hữu Hạnh, con gái của bà Lê Thị Tâm tức Mười Đào – cựu tù chính trị Côn Đảo.

Chiếc áo này do các nữ tù Đỗ Hữu Bích, Trần Hồng Nhật (Út Nhật) may thêu khi cô Hạnh sinh ra trong tù ngày 17-3-1967. Đến năm 1969 cô được gửi ra ngoài nuôi.

alt

Cùng dịp này, các nữ cựu tù còn may một chiếc áo đầm cho cô Hạnh – Ảnh: L.Điền

Trong một trường hợp tương tự, triển lãm giới thiệu chiếc áo gối do các nữ tù thêu tặng cho cháu Đào Nguyễn Hồng Nghĩa, con của nữ tù chính trị Nguyễn Thị Lễ.

Chiếc áo gối thêu hình bức tranh đường làng, xóm nhà, khóm cây, ngôi trường có trẻ con đi học, với bốn câu thơ thật xúc động: “Vườn xơ xác nay xanh màu lá/ đất hoang vu nay đã dựng trường/ nắm tay em bước lên đường/ màu cờ thắm mới, quê hương rộn ràng”.

alt

Chiếc áo gối do các nữ tù thêu tặng cho cháu Đào Nguyễn Hồng Nghĩa với 4 câu thơ xúc động – Ảnh: L.Điền

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 30-9-2018.

alt

Tọa đàm với ba nữ cựu tù (từ trái qua): Phan Thị Bé Tư, Lê Tú Cẩm và Trần Thị Trúc Chi – Ảnh: L.Điền

Tại buổi khai mạc triển lãm, một tọa đàm nho nhỏ được tổ chức với diễn giả là ba nữ cựu tù chính trị thời chống Mỹ: Phan Thị Bé Tư, Lê Tú Cẩm và Trần Thị Trúc Chi.

Câu chuyện xoay quanh đời sống người tù chính trị thời chiến tranh, những cuộc đấu tranh trong tù và đời sống sinh hoạt do các tù nhân tự tổ chức.

Trong đó, “không phải lúc nào cũng đấu tranh căng thẳng, quan hệ giữa tù nhân với lính canh trại giam cũng có lúc thẳng lúc dùn”, bà Lê Tú Cẩm cho biết. Và những tác phẩm nghệ thuật, những hiện vật thêu, những khoảnh khắc dành cho thú vui đời thường ra đời ở những lúc “dùn” như vậy.

LAM ĐIỀN

Tour 360° Tour 360° 360 Tour