NGÀY QUỐC TẾ THANH THIẾU NIÊN 12 THÁNG 8

          Năm 1999, Đại Hội đồng Liên hợp Quốc đã chính thức lấy ngày 12/8 là ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên Thế giới nhằm thúc đẩy nhân quyền và sự phát triển nhân loại, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

          Ngày Quốc tế Thanh thiếu niên ra đời ngoài nhấn mạnh vai trò của tuổi trẻ trong các hoạt động chính trị, xã hội còn là cơ hội để nhận thức về các vấn đề mà thanh thiếu niên đang đối mặt, như giáo dục, sức khỏe, việc làm… Trong ngày này, các hoạt động sẽ được tổ chức khắp toàn cầu với mục đích khẳng định vị thế, vai trò của thanh niên đối với những chính sách tại địa phương, quốc gia với từng khu vực. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ học tập, hoàn thành tốt vai trò của mình trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách đầu tư giáo dục cho thanh niên.

           Ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên là sự kiện của tuổi trẻ quốc tế và tại đất nước Việt Nam, vai trò và sự tham gia của thanh thiếu niên trong quá trình phát triển luôn được đề cao, nhân kỷ niệm ngày thanh thiếu niên quốc tế, mỗi thanh thiếu niên Việt Nam trong thời kỳ đổi mới cần xác định lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, có tri thức, sức khỏe, hoài bão, khát vọng vươn lên; xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong sự nghiệp học tập, góp phần vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

          Ngày Quốc tế Thanh niên các năm trước đã ghi nhận sự đóng góp của các tình nguyện viên và nhà hoạt động trẻ tuổi, những người đang thúc đẩy sự thay đổi tích cực, tăng cường tiếng nói, hành động và sáng kiến của thanh niên, cũng như sự tham gia có ý nghĩa, toàn diện và bình đẳng của họ.

          Thanh niên Việt Nam đã lan tỏa tiếng nói chung cho các thế hệ trẻ, bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương, như thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên di cư, thanh niên khuyết tật, thanh niên LGBTQIA+ và cả thanh thiếu niên tuổi từ 16-18. Đây đều là những nhân tố làm nên sự thay đổi và sáng tạo, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, có khả năng ứng phó trước những biến đổi không ngừng nghỉ của thế giới.

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Thanh niên đã làm được nhiều việc lớn đáng khích lệ như chuyển đổi số trong nhiều hoạt động; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, sinh hoạt chính trị rộng khắp với nhiều nội dung và cách làm sáng tạo, đổi mới trong việc bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, tăng cường nâng cao niềm tin của thanh niên vào công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, tin vào sức mạnh của tổ chức Đoàn. Vai trò xung kích, tình nguyện, tham gia bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đã khẳng định chân lý “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

          Tại Việt Nam, thanh thiếu niên hiện đang chiếm tỉ trọng cao trong dân số cả nước, đây chính là nhân tố giúp Việt Nam ở trong thời kỳ “dân số vàng”. Điều đó cho thấy, hơn bao giờ hết, thanh thiếu niên đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng chính là nguồn nhân sự nòng cốt đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển đi lên của xã hội.

           Trong bảng xếp hạng mới nhất của tổ chức phi chính phủ Germanwatch công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24) cho thấy, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nằm trong số 5 quốc gia thải nhiều rác nhựa nhất ra đại dương. Theo ông Michael Croft (Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam), nếu có một thế hệ sẵn sàng đối mặt với những thách thức này để cứu thế giới, thì đó chính là thanh niên. Những người trẻ ngày nay có vai trò đặc biệt trong cuộc đối thoại toàn cầu về biến đổi khí hậu và đang thể hiện tiếng nói của mình theo những cách truyền cảm hứng nhất. Với ý nghĩa đó, ông Michael Croft kêu gọi vì một Việt Nam thịnh vượng, bền vững cho các thế hệ trong tương lai, giới trẻ cần hành động làm sạch môi trường ngay từ bây giờ. Ngày Quốc tế Thanh thiếu niên cũng sẽ nâng cao nhận thức về những rào cản nhất định đối với tình đoàn kết giữa các thế hệ, đặc biệt là chủ nghĩa tuổi tác, tác động đến thanh niên và người già. Để giúp thế hệ thanh niên trẻ có thể phát triển toàn diện để hòa nhập với thế giới thì kiến tạo kiến thức chính là nền móng quan trọng nhất.

          Tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ những năm qua luôn tích cực tham gia các hoạt động vì thế hệ Thanh thiếu niên. Trong đó phải kể đến các hoạt động tuyên tuyền, giáo dục tại bảo tàng và tại trường học về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, thông qua các hoạt động hướng dẫn thuyết minh, các buổi nói chuyện chuyên đề tại sân trường cho học sinh là thế hệ tương lai của đất nước. Các chương trình giáo dục tuyên tuyền trong và ngoài bảo tàng đã góp phần vào công tác giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn truyền thống, lịch sử cho thế hệ thanh thiếu niên. Một số phương pháp tiếp cận trong việc tuyên truyền giáo dục di sản của bảo tàng mang lại hiệu quả giáo dục cao đối với học sinh. Hàng năm, Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ Quốc tế của bảo tàng đã phối hợp cùng nhiều đơn vị, trường học, tổ chức thành công các buổi nói chuyện chuyên đề, các hoạt động, chương trình giáo dục hè tại bảo tàng. Đây là hoạt động thường niên, được bảo tàng chú trọng và được rất nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đánh giá cao.

 Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đón tiếp đoàn “Trại Hè Thanh thiếu niên kiều bào và tuổi trẻ thành phố lần thứ 17 năm 2024”

     Trong sự phát triển chung của xã hội, để dể dàng tiếp cận cũng như đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của công chúng, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên, những vị khách luôn có cái nhìn trẻ trung, năng động và cởi mở. Những năm qua, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng đã triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào trưng bày, bằng việc ứng dụng công nghệ Smart Museum 3D/360 vào triển khai giải pháp ứng dụng tham quan thực tế ảo tương tác thông minh (Virtual Tour), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã trở thành bảo tàng số đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với hơn 1.150 hiện vật đã được số hóa bằng công nghệ quét ba chiều (3D Laser Scanning) kết hợp với kỹ thuật hình ảnh 360 độ. Nhờ đó, toàn bộ không gian bên trong và ngoài của bảo tàng được tái hiện bằng hình ảnh 360 độ sắc nét và chân thực. Số hóa giúp các hiện vật có thể chuyển thành mô hình 3D, mô phỏng Hologram cho phép người xem tương tác trực tiếp trên phần mềm (xoay, phóng to, thu nhỏ…).

Các bạn học sinh tương tác với thiết bị công nghệ số hóa tại bảo tàng.

     Tóm lại, trong tâm thế hội nhập cùng dòng chảy, sự phát triển của xã hội, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ luôn là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi số trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, luôn quan tâm, nổ lực trong hoạt động giáo dục di sản cho thế hệ thanh thiếu niên, thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung và cách thức hoạt động tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ, hướng tới sự phát triển bền vững theo định hướng chung của toàn cầu.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ chào mừng Ngày Quốc tế Thanh thiếu niên

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 8 năm 2024

                                                                   Võ Cư

  Phòng Truyền thông, Giáo dục và Quan hệ Quốc tế

 

  • Tài liệu tham khảo:
  1. Trang thông tin điện tử Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
  2. Website Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *