NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG ĐặC BIệT CủA NĂM 2020

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ công ơn các vị vua Hùng đã có công đựng nước và giữ nước. Lễ được tổ chức hằng nằm vào ngày 10/3 Âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Nằm trong những ngày lễ lớn của dân tộc, ngày giỗ Tổ là sự kiện trọng đại của dân tộc về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, từ đó bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn – một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”.

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là ngày hội chung của toàn dân, các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước diễn ra khắp nơi. Về Đền Hùng vào những ngày này, du khách thập phương sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi; hoặc những người dân sẽ tự tổ chức kỳ nghỉ lễ của mình với các hoạt động vui chơi khác nhau…

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay đã đặt ra những thách thức vô cùng to lớn khi chúng ta đang đối đầu với đại dịch thế giới đó là COVID – 19, bệnh đường hô hấp cấp tính truyền nhiễm gây ra bởi một chủng virus corona mới, SARS-CoV-2. Việc tụ tập đông người chính là một trong những nguồn lây nhiễm Covid – 19 lớn nhất. Thử nghĩ xem, nếu chúng ta tập trung cho các hoạt động lễ hội hay các hoạt động tín ngưỡng với số lượng đông người sẽ là môi trường lý tưởng để dịch bệnh phát triển và bùng phát như các nước trên thế giới mắc phải và nguy cơ tử vong do dịch bệnh là điều khó tránh khỏi. Hướng đến cuộc sống khỏe mạnh, an toàn, bình an và hạnh phúc của mỗi người dân, nên việc cấp thiết lúc này là tạm thời gác lại những hoạt động tập trung vui chơi mừng lễ nói chung và các họat động tín ngưỡng cho đến khi dịch bệnh qua đi.

Với tiêu chí “Chống dịch như chống giặc”, Chính phủ và các ban ngành, chính quyền các cấp liên quan đã có những hành động chỉ đạo kịp thời ứng phó, đảm bảo sức khỏe, tính mạng của nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau. Hình ảnh người lao động và các du học sinh từ vùng bệnh được đón về Việt Nam đã gây ra sự xúc động mạnh mẽ, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện tinh thần yêu thương, nhân ái, đoàn kết đồng lòng là truyền thống quý báu của dân tộc ta được thể hiện rõ nhất mỗi khi đất nước lâm vào tình thế khó khăn, thử thách.

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thông điệp kêu gọi “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần” đang được chia sẻ rộng rãi, nghe có vẻ hài hước nhưng lại mang ý nghĩa thiết thực trong thời điểm dịch bệnh này để tránh tình trạng lây nhiễm chéo cho nhau. Có lẽ, đây là điều dễ thực hiện nhất để đóng góp công sức của mỗi người trong thời đại hòa bình. Những người trở về từ vùng dịch, người tiếp xúc với đối tượng nhiễm virus, thuộc diện phải cách ly theo dõi, hãy ở yên trong khu cách ly, hợp tác với cơ quan chức năng…Trong khi các cán bộ y tế, quân đội là những người lính ở tuyến đầu chống giặc, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ người dân và đất nước thì mỗi người chúng ta nên tăng cường sức khỏe của bản thân, nâng cao kháng thể chống dịch, thể hiện ý thức, tính tự giác và tinh thần trách nhiệm tuân theo sự hướng dẫn của Chính phủ và Bộ y tế, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên…Sự hợp tác của mỗi người đều góp phần rất lớn giúp chúng ta cùng ngăn sự bùng phát của dịch bệnh.

Khi đại dịch đi qua, đất nước yên bình thì mọi hoạt động vẫn sẽ tiếp diễn. Mọi người lại có thể tham gia các hoạt động lễ hội, vui chơi, giải trí, du lịch…Nhưng trước mắt, để vượt qua nghịch cảnh này đòi hỏi chúng ta phải đồng lòng sẵn sàng gác lại các hoạt động vui chơi, tham gia các lễ hội và tín ngưỡng, chấp nhận những thiệt hại trước mắt về kinh tế để đảm bảo sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của nhân dân. Mỗi hành động nhỏ thắp lên niềm tin và truyền thống yêu nước, nhân ái của người Việt Nam. Mỗi nhà, mỗi người hãy đoàn kết, tuân thủ và chấp hành nghiệm hướng dẫn, qui định của các ngành chức năng, của những người có trách nhiệm để bảo vệ an toàn tính mang cho chính mình, cho người thân và cho cộng đồng, cho dân tộc. Thiết nghĩ, các Vua Hùng không mong muốn lễ hội trong mùa đại dịch mà mong muốn duy nhất là con cháu Lạc hồng, nhân dân toàn thế giới vược qua trận đại dịch này. Do đó, chúng ta hãy tưởng nhớ các Vua Hùng ngay tại nhà mình với lòng thành kính và cầu mong bình yên cho dân Việt và nhân loại trên toàn thế giới.

Nghĩ về ngày giỗ tổ Hùng Vương hôm nay cũng là lúc để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng lòng thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 3 năm 2020

Huỳnh Thị Kim Loan

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ Quốc tế