MỪNG SINH NHẬT 133 NĂM TUỔI CỦA BÁC HỒ

Tuổi thơ của chúng ta dù trên vai có quàng chiếc khăn quàng đỏ hay không, ai cũng thuộc vanh vách, nằm lòng:

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước ờ làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An…

Di sản Người để lại cho các thế hệ người Việt Nam là cuộc đời đấu tranh cách mạng không mệt mỏi và đạo đức, phong cách, tư tưởng của Bác. Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2023), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ xin giới thiệu một số mẫu chuyện kể về Bác được các phòng chuyên môn “kể” sinh hoạt vào các buổi chào cờ Thứ hai đầu tuần:

  1. Bác hồ và câu chuyện ẩm thực (qua lời kể của GS.TS Hoàng Chí Bảo)

Lần đó, chị gái Nguyễn Thị Thanh ra Phủ Chủ tịch thăm Bác Hồ. Bác không tiếp chị mình ở Phủ Chủ tịch mà đưa chị Thanh về nhà vợ chồng Giáo sư Đặng Thai Mai. Chị Thanh có phần chạnh lòng nhưng không nói gì. Lần ra thăm này, chị Thanh đem theo cặp vịt nuôi ở quê. Chị Thanh nói với vợ Giáo sư Đặng Thai Mai: “Bác rất thích ăn món thịt vịt luộc, nước chấm chỉ cần gừng và ốt, không được để tỏi”. Vợ Giáo sư Đặng Thai Mai làm y theo lời chị Thanh dặn, lòng không khỏi thắc mắc vì sao nước chấm không dùng tỏi.

Buổi trưa khi xong việc, Bác Hồ về nhà Giáo sư Đặng Thai Mai dùng bữa cơm thân mật cùng chị gái và vợ chồng Giáo sư. Thấy vẻ mặt chị mình không vui và đòi về quê sớm. Biết chị gái giận mình, Bác Hồ ôn tồn và nhẹ nhàng nói: “Chị đừng giận em. Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch nước làm việc và tiếp khách. Chị đến thăm em, không phải để làm việc. Chị là chị gái em, không phải là khách nên để chị ở Phủ Chủ tịch e không tiện. Thôi thì, chị về nhà Giáo sư Đặng Thai Mai, có vợ Giáo sư ở nhà, 2 chị em trò chuyện với nhau có phải vui hơn không. Nhờ vậy, em mới có món thịt vịt luộc tận tay người phụ nữ thân thiết nhất làm cho em ăn. Vịt luộc rất ngon!”

Chị Thanh nghe Bác Hồ nói vậy cười toe toét, trong lòng vui hẳn ra không giận em trai mình nữa. Thấy không khí vui vẻ hẳn lên, vợ Giáo sư Đặng Thai Mai mới nói: “Nếu nước chấm có thêm tỏi sẽ ngon hơn”. Bác Hồ biết là vợ Giáo sư có đôi chút thắc mắc, liền giải thích “Biết rằng có thêm vị tỏi nước chấm sẽ ngon nhưng tôi không thích vì 2 lẽ: tỏi nồng cay không hợp khẩu vị tôi; mùi tỏi lỡ ăn sẽ ám vào râu khi tiếp xúc sẽ có thể làm người đối diện khó chịu”.

Bài học qua câu chuyện:

1/ Bác Hồ không làm phiền người khác, Bác rất tinh ý kể cả trong ăn uống.

2/ Công sở không dùng để tiếp người nhà.

(Người kể: Mai Phước Lâm – Phó Trưởng phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Trưng bày).

                                     

Bác Hồ thăm phái đoàn đại diện đặc biệt cộng hòa miền Nam Việt Nam

nhân dịp Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam việt Nam ra mắt vào ngày 12/6/1969 tại Hà Nội (16154)

  1. Câu chuyện “Quà bác tặng miền Nam” (thứ hai ngày 17/04/2023 –

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm yêu thương, trân trọng đối với đồng bào chiến sỹ Miền Nam – những người luôn “đi trước về sau”, tuy phải chịu nhiều đau thương mất mát nhưng trung dũng, kiên cường.

Năm tháng đã trôi qua, nhưng tình cảm của đồng bào Miền Nam đối với Bác và tấm lòng của Bác đối với đồng bào Miền Nam vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của mỗi chúng ta. Vẫn vô cùng sâu lắng, xúc động qua những câu hát hay những áng thơ văn,

“ Bác nhớ Miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha…”

Nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong buổi sinh hoạt hôm nay em xin đọc câu chuyện “Quà Bác tặng miền Nam”.

Năm 1962, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Bác đã tổ chức đón tiếp ngay hôm Đoàn đến Hà Nội, tại vườn hoa sau Phủ Chủ tịch – nơi Người thường đọc báo vào các buổi chiều. Thấy xe chở đoàn miền Nam vừa vào cổng cơ quan Phủ Chủ tịch, Bác rảo bước ra đón đoàn. Mọi người xuống xe, quây tròn chung quanh Bác, nhưng không có một tiếng, một lời chào.

Các đồng chí trong đoàn quá xúc động không kìm giữ được, đã bật khóc thành tiếng. Qua phút gặp gỡ ban đầu, Bác hỏi thăm tình hình sức khoẻ mọi người. Bác hỏi cặn kẽ về tình hình miền Nam. Bác đặc biệt quan tâm hỏi tỉ mỉ về đời sống và tinh thần chiến đấu của đồng bào và lực lượng vũ trang giải phóng. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu thay mặt Đoàn báo cáo tất cả và đầy đủ để Bác nghe. Đồng chí cũng đã thưa lên Bác ước mơ nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang mong chờ ngày thắng lợi, nước nhà thống nhất để đón Bác vào thăm. Cuối cùng đồng chí Hiếu thay mặt đồng bào và chiến sĩ miền Nam dâng lên Bác gói quà với giọng nghẹn ngào: “Thưa Bác, đây là tấm lòng của đồng bào chiến sĩ miền Nam tặng Bác…!”

Bác cảm động ôm hôn đồng chí Hiếu. Quà của miền Nam tặng Bác là một bình cắm hoa bằng vỏ đạn pháo cỡ lớn của Quân giải phóng và một cái gạt tàn thuốc lá bằng xác máy bay giặc Mỹ bị ta bắn rơi. Nhìn gói quà tặng, đồng chí Xuân Thủy quay về phía Bác nói:

– Thưa Bác, Bác có quà tặng đồng bào chiến sỹ miền Nam không ạ?

Nghe đồng chí Xuân Thủy hỏi, tất cả mọi người nhìn đồng chí Xuân Thủy như có ý trách và nhìn Bác chờ đợi. Bác nhìn các đồng chí trong đoàn miền Nam một lượt, rồi chậm rãi nói:

– Có, Bác có quà tặng đồng bào và chiến sỹ miền Nam đây! Nói xong, Bác dùng ngón tay trỏ chỉ vào trái tim của mình.

Đồng chí Hiếu quá cảm động, ôm chầm lấy Bác, giọng nói đứt quãng trong tiếng nấc: “Thưa Bác… thưa Bác… thưa Bác…!”. Mọi người lặng đi vì xúc động.

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy được tình cảm của Bác đối với đồng bào Miền Nam thật sâu đậm, thiêng liêng. Trên giường bệnh, Người vẫn từng phút, từng giờ mong tin miền Nam thắng trận, ấp ủ mơ ước ngày đất nước hòa bình, Người sẽ vào thăm miền Nam. Cho đến khi từ giã thế giới này, trái tim Bác vẫn đau đáu nỗi nhớ miền Nam.

Tình cảm của Bác đã tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ cho đồng bào chiến sỹ miền Nam tạo nên một khối thống nhất, trên dưới đồng lòng quyết tâm thực hiện trọn vẹn Di chúc của Bác là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc lập. Miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, đất nước thu về một mối. Chỉ tiếc rằng đến ngày vui chiến thắng thì Bác đã đi xa:

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thǎm, thấy Bác cười!

(Người kể: Nguyễn Hà Thanh Trúc – Viên chức Phòng Truyền thông – Giáo dục- Quan hệ quốc tế).

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hoa phong lan cho ba đại biểu nữ dân quân Quảng Bình và Vĩnh Linh, năm 1968

  1. Bài học về giản dị và tiết kiệm

Bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể lại rằng: Khi làm việc ở văn phòng Bác, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Công việc này giúp bà có điều kiện được gần Bác và học tập được rất nhiều.

Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hoà bình của Bác, được ông Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng nước mắt, bà nói với ông Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá.

Những năm tháng giúp việc ở văn phòng Bác bà đã có những kỷ niệm không bao giờ quên.

Bà còn kể rằng, ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác nói với bà:

– Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo.

Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền bảo bà:

– Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.

Câu chuyện bà kể khiến chúng tôi xúc động và thương Bác quá chừng. Bác thật giản dị và tiết kiệm, chắt chiu như người cha lo cho một gia đình lớn, như cảnh nhà đông con mà còn túng thiếu. Chiếc áo gối vá, bát cháo nấu bằng cơm nguội của vị Chủ tịch nước có tác động lớn đến suy nghĩ của mỗi con người nhất là hiện nay, Đảng và Nhà nước ta thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.

Câu chuyện trên thấy rằng chúng ta cần noi gương ở Bác đức tính giản dị vàtiết kiệm. Tiết kiệm có thể giúp những người còn khó khăn hơn chúng ta, giúp cho những người thật sự cần giúp đỡ, như thế ta sẽ vui mà người nhận cũng sẽ cùng vui.

(Người kể: Trần Thị Thanh Trúc – Viên chức Phòng Hành chánh – Tổng hợp)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Nam bộ trong đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội 

  1. Giữ lời hứa

Chuyện kể rằng, Hồi ở Pắc Bó, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác, bỗng chạy đến cầm tay Bác, rồi thưa:

– Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!

Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói:

– Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu.

Nói xong Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau, Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé – bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói:

– Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là “chữ tín”. Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người.

Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Hơn năm mươi năm Bác đã đi xa nhưng Bác vẫn mãi là tấm gương sáng cho hàng triệu người dân Việt Nam và thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu Anh hùng, Dũng sĩ miền Nam

trong phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, ngày 5/3/1969

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 5 năm 2023

                                                   BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *