Kỷ vật nữ chiến sĩ cách mạng

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập dân tộc, rất nhiều những người phụ nữ ở miền Nam đã tham gia trên nhiều mặt trận, chịu đựng gian khổ, mất mát, hy sinh. Nỗi đau của bao cuộc ly tan đâu đó vẫn còn nhức nhối, thấp thoáng trên hàng bia trắng, trên những kỷ vật còn để lại cho người thân, đồng đội. Những kỷ vật của các mẹ các chị gợi nhớ đến cuộc chiến tranh gian khổ và ý chí chiến đấu quật cường, tấm lòng yêu nước của những con người đã hy sinh cả thời xuân sắc của đời mình đổi lấy độc lập tự do cho đất nước.

Sưu tập “Kỷ vật nữ chiến sĩ cách mạng” của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ gồm 1.063 hiện vật với nhiều chất liệu, loại hình, công năng sử dụng, ‎y nghĩa khác nhau, nhưng tất cả đều mang đến cho người xem những ấn tượng sâu sắc nhất, mỗi kỷ vật là một câu chuyện kể, biểu tượng cho sự thủy chung, cho tấm lòng hy sinh cao cả của những người phụ nữ miền Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Bức tranh “Uyên ương thêu dở” của bà Nguyễn Thị Lựu thể hiện một tình yêu son sắt với người yêu là một chiến sĩ cách mạng, gắn liền với tình yêu đất nước quê hương trong thời chiến. Chị Trần Thị Sáu (Mười Thoa) – Ủy viên ban chấp hành Đoàn Thanh Niên Sinh viên – Học sinh Sài Gòn – Gia Định bị bắt năm 1970 và hy sinh sau 5 ngày bị tra tấn khi tuổi mới đôi mươi, còn để lại một chiếc áo xanh màu mây vướng vài giọt máu loang. “Những chiếc khăn thêu trong tù” của các mẹ, các chị đã gửi gấm tâm tư – tình cảm của mình qua từng đường kim mũi chỉ mong các con ngoan học giỏi, mơ đến ngày phá gông xiềng trở về đoàn tụ gia đình. “Những vật dụng nghi trang trong kháng chiến” của nữ chiến sĩ giao liên sử dụng cất dấu tài liệu, thuốc men: thớt khoét rỗng ruột, giỏ hai đáy, tĩnh nước mắm hai đáy…; bộ sưu tập “đèn” với nhiều kiểu dáng và chất liệu khác nhau, được các Mẹ, các chị sử dụng linh hoạt như soi đèn làm ám hiệu cho bộ đội hành quân, ngồi vá áo cho chiến sĩ, hoặc học tập trong nhà tù…Còn nhiều và nhiều nữa kỷ vật của các mẹ, các chị mà Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đang lưu giữ…

Những kỷ vật sẽ mãi trường tồn với thời gian như tấm lòng trung kiên, son sắt của các mẹ, các chị trong một thời máu lửa chiến tranh như nhắc nhở thế hệ trẻ sống trong hòa bình hôm nay luôn phấn đấu, học tập vươn lên tiếp nối truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *