HƠN THẾ KỶ CUỘC ĐỜI TRỌN VỚI NƯỚC NON

22 tuổi, Bà đã là Phó bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Long, lãnh đạo Khởi nghĩa Nam Kỳ. Người phụ nữ ấy đã bị địch bắt, bị kết án tù chung thân khổ sai sau khi cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu. Là một trong số 10 nữ Đại biểu quốc hội khóa đầu tiên, là người bạn đời chia sẻ những cay đắng ngọt bùi, những năm tháng gian khổ và hạnh phúc với Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Người phụ nữ ấy đã nhập cuộc và là chứng nhân bao giây phút thăng trầm của đất nước. Bà tên là Ngô Thị Huệ (tên cha mẹ đặt là Ngô Thị Ngỡi, sinh năm 1918, tại làng Mỹ Qưới, huyện Phước Long, Sóc Trăng)- Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trung ương Đảng, Đại biểu quốc hội từ khóa khóa I đến khóa IV. Bà từng là Phó chủ tịch Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM), một thời sát vai cùng ông Sáu Tường (Nguyễn Vĩnh Nghiệp) không quản khó nhọc ngày đêm lo cho người nghèo cơ nhỡ cần lắm những tấm lòng chia sẻ. Những năm cưới đời, bà cùng 11 cán bộ phụ nữ lão thành dốc sức sáng lập, xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Bà là người phụ nữ hiếm hoi của thế kỷ 21 được trao tặng Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh…

Sống qua hai thế kỷ, bà kịp ghi lại hồi ký “Tiếng sóng bủa ghềnh” để thế hệ con cháu hiểu những gian truân của thế hệ tiền nhân đứng trên đầu ngọn sóng, dám hy sinh cuộc đời, tuổi thanh xuân cho độc lập tự do đất nước. Hơn thế kỷ cuộc đời trọn với nước non, 8 giờ tối ngày 5.6.2022 bà vĩnh viễn ra đi, để lại một kho huyền sử chan chứa tình yêu thương…

Từ nhà chùa đến với cách mạng

Chớm tuổi thiếu nữ, bà đã đến với nhà chùa tụng kinh, ăn chay trường, làm công quả… mong tìm thấy một lối thoát trong tôn giáo. Nhưng đến chùa rồi, bà vẫn không ngăn được bao đợt sóng ngầm vò xé lòng bà. Bà đi tu để xa lánh cõi đời đau khổ nhưng nào bà dứt được mọi khổ đau. Những câu hỏi cứ trỗi dậy trong lòng bà sau những giây phút đắm mình trong giáo lý cao siêu. Sao cuộc đời của mẹ bà khổ quá, người vợ bé phải ngậm đắng nuốt cay nuôi đàn con trẻ dại, sao những người nông dân quanh năm làm lụng vất vả mà vẫn không đủ ăn đủ mặc. Rồi đến cuộc đời bà… Không, bà muốn cuộc đời mình phải khác. Bà đi tu để khỏi rơi vào bể trầm luân khổ ải của cuộc đời. Nhưng khi đã đến với nhà chùa, lòng bà vẫn chưa dứt được mối hoài nghi.

Trong những ngày rằm đầy lễ vật của những khách thập phương mang đến cúng chùa, bà có dịp nhìn thấy sự bất công trong cách đối xử của nhà chùa theo sức mạnh của từng mâm lễ vật. Đó cũng là dịp cho những người giàu có đem khoe lòng mộ đạo. Họ được xun xoe, kính trọng còn những người nghèo bị hất hủi, khinh miệt. Bà hoang mang, đau khổ… Sự hoài nghi thôi thúc bà đi tìm một con đường. Qua những người làm “kinh tế mạo hiểm” cho hoạt động cách mạng, bà chợt nhận ra có một con đường thiết thực hơn để giải phóng cho mình, cho dân tộc. Từ đó, bà bắt đầu dấn thân vào con đường Cách Mạng…

Nam kỳ Khởi nghĩa

Cuộc đời bà có biết bao kỷ niệm sâu sắc gắn bó với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Đó là những ngày bi tráng không quên. Hoạt động Cách mạng khiến bà phải tiếp xúc, liên lạc nhiều đồng chí. Sợ những người xung quanh dị nghị, để che mắt sự theo dõi của mật thám, một buổi tiệc thân mật đã diễn ra nhằm hợp pháp mối quan hệ giữa bà và đồng chí Quảng Trọng Hoàng (Xứ uỷ viên Xứ uỷ Nam Kỳ. Nhưng bà giao hẹn với ông: Đợi đến ngày khởi nghĩa thành công, có sự chứng kiến của cha mẹ đôi bên, tôi mới thực sự là vợ anh. Còn bây giờ, tất cả đều phải lao vào hoạt động chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa”. Bà với ông Hoàng đã từng sống chung dưới một mái nhà. Bà ngồi thêu áo cho khách hàng và ông vẽ những mẫu thêu lên áo cho bà… Sau này bà ngậm ngùi kể: “Có những lúc người ấy muốn được bộc lộ những cử chỉ âu yếm, yêu thương dì nhưng dì biết ông cố ghìm lòng vì lời hứa: ĐỢI ĐẾN KHI CUỘC KHỞI NGHĨA THÀNH CÔNG ….”

Khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra, bà và ông Hoàng mỗi người chia tay mỗi ngã, lao vào đại cuộc. Năm ấy bà Ngô Thị Huệ mới 22 tuổi, là phó Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Long, chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Châu Thành. Kế hoạch khởi nghĩa tại thị xã bị lộ, địch đề phòng rất nghiêm mật. Bà đã kịp thời chuyển hướng chiến thuật, điều nghĩa quân quay lại phía sau, đánh chiếm các đồn bốt lẻ và tuyên truyền võ trang, bao vây thị xã. Bà cắt đặt hai đồng chí Nguyễn Hùng Phước và Nguyễn Hùng Minh dẫn một toán quân đi phá bến đò Mỹ Thuận và bến đò Cần Thơ để địch không đưa được viện binh từ Sài Gòn xuống và từ Cần Thơ qua. Mặt khác, bản thân bà cầm đầu một đội nghĩa quân đánh vào thị trấn Long Hồ rồi rút về Rừng Dơi thuộc xã An Đức, Phước Hậu. Ở đây, đêm nghĩa quân vào làng xã nhằm giải tán hội tề, ngày rút vào rừng ẩn náu. Đội nghĩa quân của bà được sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào, hoạt động một thời gian khá dài sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại. Tiếp theo đó là những ngày tù đày gian khổ. Bà bị bắt vào tù lần thứ nhất rồi được thả. Bà lại bị bắt vào tù lần thứ hai, bị kết án chung thân khổ sai. Cũng sau Nam Kỳ khởi nghĩa, Quảng Trọng Hoàng bị bắt vào tù, bị kết án tử hình. Họ vẫn gởi cho nhau những bài thơ tràn đầy niềm tin ngày chiến thắng và nghĩa khí của những con người dấn thân cho lý tưởng. Cho đến khi ông bị đưa ra trường bắn cùng nhiều đồng chí nữa, bà đau đớn hiểu rằng chẳng còn dịp nào nữa để bà đưa người ấy trở về quê hương, ra mắt họ hàng của bà nữa. Khởi nghĩa Nam kỳ có biết bao kỷ niệm sâu sắc đối với bà bởi có biết bao người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh, trong đó có Quảng Trọng Hoàng – Bí thư Liên Tỉnh uỷ miền Tây.

Người đại biểu quốc hội khóa đầu tiên

Năm 1945, nhân dân ta vùng lên giành chính quyền. Bà được thoát khỏi nhà tù trở lại quê hương hoạt động. Ngày ấy đã đổi biết bao xương máu đồng bào, chiến sĩ sau gần một trăm năm đô hộ của thực dân Pháp. Như có một làn gió mát lành thổi đến, làng quê bà đột ngột biến đổi. Nạn trộm cướp, mê tín dị đoan được xóa bỏ. Những người dân yêu thương, tin cậy và đùm bọc lẫn nhau, thậm chí nhà không cần đóng cửa. Trước mắt mọi người lúc đó, tiếng gọi thiêng liêng là độc lập. Năm đó, đói kinh khủng. Người dân phải mặt quần áo bằng vải bố tời, đấy rận rệp. Giặc Pháp lâm le quay lại miền Nam. Trong hoàn cảnh ấy, ngày tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc ta vẫn được tiến hành. Là công dân nước Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử. Bao năm dài sống trong kiếp nô lệ, có được quyền thiêng liêng ấy, không ai không xúc động trào nước mắt. Lúc đó, bà mới ra tù, người còn gầy rạc, đi đến nhiều điểm dân dư ra mắt cử tri. Người dân lúc đó có một suy nghĩ giản dị: “Một người phụ nữ mới 22 tuổi bị bắt vào tù sau Nam Kỳ khởi nghĩa, bị kết án chung thân khổ sai, đã qua thời gian thử thách trong nhà tù sẽ không phản bội lại nhân dân…”. Và thế là họ đã dồn những lá phiếu cho bà. “Tôi nhớ mãi hình ảnh của những bà mẹ mua gánh bán bưng ngoài chợ đã viết tên tôi trên những tấm lá chuối hay giấy gói hàng chuyển cho người khác. Những bà mẹ cổ động mọi người bỏ phiếu cho tôi bằng những dòng chữ nguệch ngoạc. Làm sao tôi có thể quên …”

Giặc đánh chiếm đến các tỉnh xa xôi nhất. Ở Cà Mau, người dân vẫn bơi xuồng đi bỏ phiếu. Ở những nơi đồng bào sơ tán, cán bộ ôm từng thùng phiếu đến, giặc Pháp càn tới bỏ chạy. Rốt cuộc, tỉnh nào cũng cử đại biểu của mình với số phiếu tập trung. Cũng như bà không thể quên được chuyến đi hợp Quốc hội đầu tiên ra Trung ương: “Thật là bỡ ngỡ… Tôi cũng không lường hết được những gian khổ, hiểm nguy. Lúc ấy, chúng tôi không thể đi công khai. Đoàn đại biểu đi trên một chiếc ghe đánh cá nghi trang. Tôi đi với anh Bạch, anh Quang, anh Nguyễn… Ba anh thay nhau lái, đôi lúc tôi cũng cầm lái. Tôi chỉ có được bộ bà ba trên người suốt hành trình trên biển vì va – li đựng quần áo và các vật dụng cần thiết bị thất lạc. Tàu đến mũi Cà Mau, qua biên giới đến Thái Lan. Ở đây, chúng tôi được Việt kiều ra đón. Tôi được đưa đến ở cùng o Huỳnh Anh ở Ban Mại. Từ Thái Lan, tôi sang Lào định về Hà Nội nhưng Pháp đánh sang Lào, Hoàng thân Lào chạy sang Thái Lan. Tôi bị kẹt lại ở đó, nhận nhiệm vụ mới. Mãi đến cuối năm năm 1946, tôi mới về được Hà Nội. Sau khi hộp Quốc hội, toàn quốc đã đi vào kháng chiến. Đảng có chủ trương đưa các đồng chí người miền Nam trở về Nam. Tôi đi cùng anh Ba Duẩn, Quản Trọng Linh vào Nam. Tôi háo hức được trở về Nam, được gặp lại đồng bào Nam Bộ. Niềm vui đó khiến bao gian khổ trên chặng đường về vơi đi. Tôi về đến Sài Gòn vào cuối năm 1947. Anh Mười Cúc (sau là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) lúc đó là Bí thư thành uỷ Sài Gòn – Gia Định ra đón chúng tôi. Tôi còn nhớ lúc đó anh mặc một chiếc áo sơ mi vá vai …”.

Mãi dấn thân làm cách mạng, đến năm 29 tuổi, bà mới lập gia đình. Người đàn ông bà chọn làm người bạn đời lý tưởng chính là vị Bí thư Thành ủy măc chiếc áo vá vai đi đón bà năm ấy. Vẫn còn nguyên vẹn những ký ức ban đầu, dù đã mười năm trôi qua, bà kể: “Nếu anh ấy ăn mặc sang trọng, chải chuốt, thì có lẽ không gây ấn tượng gì cho tôi lúc đó. Sự giản dị của anh khiến tôi thấy anh gần gũi và tin cậy. Nhưng lúc đó tôi cũng không còn nhiều thời gian để nghĩ ngợi gì nhiều hơn. Tôi được đưa về căn cứ Đồng Tháp rồi về khu 9 để ra mắt đồng bào và báo cáo công tác. Ít lâu sao, giao liên của anh Mười Cúc trao cho tôi một tập tài liệu, thư từ. Trong số ấy có một lá thư của anh hỏi ý kiến tôi có bằng lòng làm vợ anh hay không. Năm 1948, tôi được cử về Sài Gòn làm công tác phụ vận. Hình như chuyện hôn nhân cũng có duyên phận, tôi không nghĩ là mình sẽ gặp lại anh ấy. Trước đó, tôi cứ nghĩ người chồng tương lai của mình sẽ lớn hơn tôi nhiều lắm, trầm tĩnh nhưng anh Mười Cúc thì hóm hỉnh, vui tính. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức ở Vườn Xoài – Chợ Lớn”

Từ ngày ấy, hai người đồng chí gắn bó cuộc đời với nhau. Và cuộc đời họ, gắn liền với bao biến động của đất nước. Do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, năm 1959 bà mang ba con ra Hà Nội, chồng bà ở lại miền Nam hoạt động. Họ đã chịu cảnh xa cách nhau đúng 15 năm. Ngoài những trọng trách bà mang trên đôi vai: Vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ thuộc ban tổ chức Trung ương, bà cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác với những gian khổ, nhọc nhằn thời chiến tranh phải chịu đựng: xa chồng, một mình nuôi con, vừa tham gia công tác. “Cuộc sống lúc ấy thật khó khăn. Tôi nhớ lúc sang Đức chữa bệnh, chị Nhạn tặng cho tôi một chiếc áo cánh mặc trong .Tôi vẫn nhớ những bộ quần áo các con tôi phải nối lưng vì thiếu vải. Những ngày ấy đã qua rồi nhưng tôi muốn các con tôi đừng quên quá khứ. Và trong những năm tháng đầy đen tối, khó khăn, tình yêu là niềm tin mãnh liệt giúp tôi có thêm nghị lực và sức mạnh yêu thương và chiến đấu”. Bà đã mang trên đôi vai sức nặng của quá khứ đầy đau thương hào hùng. Có phải chăng đó cũng là một món nợ khiến bà không một phút ngơi nghỉ. Vào tuổi về hưu, bà đã cùng 11 đồng chí Tổ Sử Phụ Nữ Nam Bộ dồn công sức xây dựng Bảo Tàng Phụ Nữ Nam Bộ. Bà có mặt trong nhiều chương trình từ thiện, công trình xây dựng bệnh viện miễn phí An Bình…

Hơn thế kỷ cuộc đời trọn với nước non

Nhân kỷ niệm 82 năm Ngày Thành lập Đảng, bà Ngô Thị Huệ được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và Huân chương Hồ Chí Minh vì đã có nhiều công lao, thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, bảo vệ đất nước. Năm 2022, bà đã 85 năm tuổi Đảng. Bà xác lập một kỷ lục hiếm có về một chứng nhân gắn với thăng trầm đất nước, với Đảng từ những ngày khởi đầu…

Tôi nhớ kỷ niệm 60 năm ngày Khởi nghĩa Nam kỳ, bà chân thành bày tỏ niềm xúc động với thế hệ con cháu: “Từ một nữ tu mong tìm sự giải thoát nơi nhà chùa, tôi đã đến với Cách mạng từ những tấm gương sáng ngời của những người Cộng sản như đồng chí Trần Văn Bảy, Quảng Trọng Hoàng… Tôi trong 5 số đồng chí đầu tiên và trong “chi bộ tự động” được Xứ uỷ móc nối thành lập Chi bộ Đảng. Từ ấy đến nay đã 60 năm trôi qua. Những đồng chí giới thiệu tôi vào Đảng năm ấy người lãnh án chung thân khổ sai (như Trần Văn Bảy) đã hy sinh ngoài Côn Đảo cho đến giờ cũng chưa tìm được mộ đồng chí. Người lãnh án tử hình sau Nam kỳ khởi nghĩa thất bại. Đồng chí Quảng Trọng Hoàng – Xứ uỷ viên Liên tỉnh uỷ đã bị kết án tử hình ngày 22/8/1942. “Chi bộ tự động” ngày xưa giờ chỉ còn lại mình tôi. Có được niềm hạnh phúc nhìn thấy đất nước ngày độc lập, hòa bình; tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ đến những đồng chí đã không còn nữa, tự nhủ với lòng mình dùng những năm tháng còn lại của đời Người cho những hoạt động từ thiện: Giúp đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh, thiếu may mắn trong cuộc sống hôm nay”.

Vì công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp Cách Mạng, vì tấm lòng đối với đồng bào trong việc đền ơn đáp nghĩa, làm sống dậy quá khứ hào hùng của phụ nữ Nam Bộ trong tâm huyết xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trở thành Bảo tàng mang tầm vóc Quốc gia; bà được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Những kỷ niệm riêng với dì Bảy Huệ

Bà Ngô Thị Huệ (ngồi giữa) cùng nhà văn Trầm Hương (ngồi, bìa phải) trong buổi làm việc tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ năm 2008

Riêng tôi không bao giờ quên được hình ảnh bà, ngày đầu đến Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ công tác, ra mắt các dì. Năm ấy (1990), tôi còn rất trẻ, nghe nói Bà Bảy Huệ – một trong những thành viên sáng lập bảo tàng Phụ nữ đương kim là phu nhân tổng bí thư nên có chút tò mò. Và tôi thật kinh ngạc, thật bất ngờ khi sau cánh cửa gian bếp hẹp của cơ quan, phu nhân tổng bí thư dung dị trong bộ quần áo bà ba đen đang cọ rửa một đống lớn ly tách (sau này tôi được biết các dì vừa tiếp một đoàn khách quốc tế, tự tay dì Bảy Huệ rửa và xếp đặt những chiếc ly, tách trà quý hiếm vào ngăn tủ cơ quan.

Cũng từ ngày 19.5.1990, tôi gắn bó với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ hơn 30 năm, cho đến ngày về hưu. Nhiều bạn văn của tôi kinh ngạc vì điều đó. Họ nghĩ tôi phóng khoáng, không thích trói buộc thì làm sao ở một cơ quan toàn mấy bà má khó tính và mấy bà phụ nữ xét nét. Nhưng tôi đã được cái tình của các dì cưu mang và thuyết phục. Các dì đã truyền dẫn cho tôi tình yêu lịch sử, trách nhiệm với quá khứ. Cũng từ đó trang viết tôi đồng hành với số phận những người phụ nữ trên những nẻo đường đất nước. Những ngày đầu tiên của tôi đến với bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thật không dễ dàng. Cá tính mạnh mẽ có phần “lập dị”, vào cơ quan, ngoài công việc tôi cắm mặt vào quyển sách. Đọc, đọc và viết, tôi chẳng màng chú ý đến ai. Tất nhiên những lời xì xầm của đồng nghiệp đến tai các dì. Hôm ấy, đang ngời ở phòng khách đọc sách, dì Bảy Huệ bước vào. Với sự nhạy cảm của mình, tôi ái ngại xếp quyển sách lại, đầy cảnh giác. Dì nhìn tôi cười – nụ cười thật hiền, hồn hậu, thấu hiểu: “Con đọc sách đi. Thời giờ trống đọc sách thì quá tốt con à!”. Tôi nhìn dì, tự dưng rơi nước mắt…

Cũng từ đó, tôi gắn bó với các dì trong công tác tìm lại các nhân chứg lịch sử, các dự án xây dựng nhà tình nghĩa, những công trình phim tài liệu về phụ nữ. Nhờ tầm nhìn và tấm lòng các dì mà Bảo tàng có được những bộ phim tài liệu quý hiếm: “Chân dung người mẹ”, “Ngày ấy Trường Sơn”, “Niềm vinh quang lặng lẽ”, “Những người con gái trong khởi nghĩa Nam Kỳ… Và quyển sách lịch sử truyền thống phụ nữ Nam bộ do các dì chủ biên là một gia tài quý báu gởi lại cho thế hệ mai sau… Lần lượt các dì Tổ sử Phụ nữ Nam bộ ra đi. Bà Mười Thập (Nguyễn Thị Thập), Đại tá, anh hùng Hồ Thị Bi, dì Trương Thị Thu… Rồi hôm nay, chúng tôi ngậm ngùi tiễn đưa dì Bảy Huệ về trời. Dì ra đi để lại biết bao tình. Tôi nhớ mãi lúc quyết định một mình sinh con, ở một cơ quan truyền thống, đương nhiên tôi đối mặt nhiều sóng gió. Sau này dì Bảy Huệ nói với tôi, cảm thông và chia sẻ: “Không phải mấy dì khe khắt mà thương con quá. Con là đứa con gái tốt, xứng đáng được hưởng hạnh phúc lại phải một mình lội ngược dòng. Người ta vợ chồng có đôi mà nuôi một đứa con còn chật vật, khó khăn. Con chỉ có một mình… làm sao nuôi nổi hai đứa con đây?!”. Một lần nữa, tôi nhìn dì, rơi nước mắt vì sự thấu hiểu, sẻ chia. Sau này, khi tôi không còn ở cơ quan, dì vẫn hỏi thăm, rất vui vì biết cuộc sống tôi ổn và những đứa trẻ ngoan ngoãn, trưởng thành.

Cuộc đời trải qua hơn thế kỉ, nếm trải vinh quang và cay đắng, có những lúc nuốt lại nỗi đau riêng; đi qua những khúc quanh thăng trầm của lịch sử, bà vẫn là bông hoa huệ trong trắng, thơm ngát và tỏa sáng tấm lòng trung kiên, nhân hậu của người phụ nữ Nam Bộ đối với đồng bào và sự nghiệp cách mạng. Giản dị mà đường bệ, cẩn trọng mà gần gũi, chân tình; bà là một hình ảnh đầy thuyết phục cho những người tuổi trẻ chúng tôi nhìn lại chính mình. Sống qua hai thế kỷ, trọn tình với nước non. Dì Bảy Huệ đi về thế giới bên kia còn để lại biết bao tình…

Sài gòn, 06.5.2022

Trầm Hương

Bà Ngô Thị Huệ cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong cuộc họp kỷ niệm

60 năm Khởi nghĩa Nam kỳ năm 2000

Bà Ngô Thị Huệ (hàng sau, thứ 2 từ trái sang) là 1 trong 10 nữ Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, năm 1946. Ảnh tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Bà Ngô Thị Huệ (thứ hai từ phải- hàng đứng thứ nhất) trong buổi lễ mừng thọ 90 tuổi, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ...