Khi xã hội ngày càng phát triển thì việc đưa công nghệ ứng dụng vào mọi hoạt động là điều tất yếu. Việc ứng dụng công nghệ số trong các công tác bảo tồn bảo tàng, phát huy giá trị văn hóa lịch sử cũng là việc làm cần thiết phải đầu tư trong bối cảnh hiện nay của các bảo tàng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và phục vụ khách tham quan.
Tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua thì hoạt động ứng dụng công nghệ số trong các cơ quan bảo tàng là một trong những mục tiêu ưu tiên được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ủy ban nhân dân Thành phố. Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội của thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển nhanh, tiến tới xây dựng thành phố thông minh và phát triển bền vững, điều này bắt buộc các bảo tàng phải ứng dụng các công nghệ hiện đại, tương tác thông minh, đảm bảo không bị tụt hậu, góp phần thể hiện bộ mặt của thành phố, đảm bảo hiệu quả trong công tác trưng bày, triển lãm, giáo dục và lưu giữ hiện vật lịch sử.
Công nghệ số hiện nay là một trong những thành tựu khoa học có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Cùng với một số ngành khoa học khác, công nghệ số đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của thế giới hiện đại. Và trong xu thế chung đó, các thiết chế bảo tàng, di sản cũng không nằm ngoài quỹ đạo ảnh hưởng của nó. Số hóa, hay ứng dụng công nghệ số trong hoạt động trưng bày – giáo dục bảo tàng, đang là xu hướng phổ biến của các bảo tàng trên thế giới và Việt Nam. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó có bảo tàng – vốn bị coi là chậm đổi mới nhất. Thực tế cho thấy, công nghệ chính là “thỏi nam châm” hút khách đến với bảo tàng một cách hiệu quả nhất.
Trước đây, khi nói đến tham quan bảo tàng, nhiều người thường cảm thấy ngần ngại bởi sự khô cứng của các hiện vật hay không gian trưng bày thiếu sự hấp dẫn, thì nay, bảo tàng ngày càng trở thành thiết chế văn hóa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Sự ra đời của hệ thống bảo tàng tư nhân cùng những nỗ lực thay đổi, gia tăng trải nghiệm, tương tác với khách tham quan hay ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động trưng bày tại các bảo tàng lớn đã khiến công chúng không còn thờ ơ với bảo tàng. Đấy chính là thước đo chất lượng hoạt động của các bảo tàng nói chung.
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều bảo tàng đã “lột xác”, trở thành các bảo tàng thông minh với mục tiêu thu hút đông đảo khách tham quan. Nếu như vài năm trước, công nghệ thuyết minh tự động (audio guide) còn khá mới mẻ với nhiều du khách, thì nay, không ít bảo tàng đã mạnh dạn đưa các công nghệ tiên tiến vào hoạt động trưng bày như công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR), thực tế tăng cường (Augmented Reality – AR), công nghệ lưu trữ điện toán đám mây… nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách tham quan. Với cách tiếp cận gần gũi, tạo hứng thú, tò mò, các điểm di tích, bảo tàng đã bước đầu tạo nên sức hấp dẫn lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên.
Các bảo tàng hiện đại trên thế giới đang hướng đến mô hình bảo tàng thông minh với việc đầu tư nhiều công nghệ trong việc phục vụ và nâng cấp trải nghiệm cho công chúng. Và, một trong những nâng cấp đáng giá đó là việc bảo tàng trang bị những hệ thống công nghệ cho phép người dùng tương tác và tìm hiểu thông tin một cách trực tiếp trên hệ thống trình chiếu vô cùng ấn tượng và hấp dẫn.
Nhờ những ứng dụng công nghệ mang tính chất tương tác này mà khách tham quan được tiếp cận các bộ sưu tập bảo tàng với nhiều hình thức khám phá vô cùng hấp dẫn và độc đáo.
Có lẽ hình thức tương tác rõ ràng nhất tại bảo tàng là của công nghệ kỹ thuật số. Tương tác kỹ thuật số là một là một ví dụ về cách bảo tàng thích nghi với những thay đổi về công nghệ mà không ảnh hưởng đến việc trải nghiệm của khách tham quan và bảo tàng không còn là không gian truyền thống. Những đổi mới trong công nghệ và các hoạt động truyền thông xã hội đã làm thay đổi kỳ vọng của du khách về hành trình tham quan bảo tàng của họ.
Công nghệ số hiện tại cho phép thu thập, lưu trữ và phân tích các hành vi của con người, các bảo tàng có thể tạo ra những trải nghiệm và cách tiếp cận không gian và hiện vật bảo tàng của khách tham quan hoàn toàn khác so với truyền thống. Công nghệ số cho phép tạo mối liên kết chặt chẽ và đa dạng hơn giữa hiện vật với bối cảnh, do đó nhiều loại thông tin từ hiện vật được cung cấp giúp cho người xem hình dung, trải nghiệm và tái tạo lại những giai đoạn lịch sử, văn hóa theo điều kiện không gian và thời gian.
Công nghệ số trong tương lai chắc chắn sẽ còn mang đến những trải nghiệm bất ngờ và hấp dẫn cho du khách khi đến với các bảo tàng, nhưng chúng sẽ chỉ thật sự có ý nghĩa và “sống” nếu chất liệu đưa vào công nghệ được lấy cảm hứng từ các bộ sưu tập hiện vật và từ thông tin, thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học và những ý tưởng mà các chuyên gia bảo tàng xây dựng trên những khảo sát thực tế từ chính công chúng và sau đó kết nối với các công chúng tiềm năng.
Bảo tàng của thế kỷ XXI sẽ là không gian tiếp xúc và kết nối giữa con người, các bộ sưu tập và ý tưởng sáng tạo khoa học thông qua công nghệ. Bảo tàng của tương lai phải là sự đa dạng của các phong cách thể hiện và mô thức trình bày, trong đó tương tác thông qua phương pháp tiếp cận thực nghiệm, công nghệ, trong đó nghệ thuật (từ địa điểm hoặc thời gian xác định) được hiểu là một công cụ để tạo nên một số tác động hay ấn tượng nhất định đối với du khách.
Việc đến tham quan bảo tàng hiện tại không chỉ còn gói gọn trong nhu cầu nâng cao tri thức đơn thuần mà còn là nơi thư giãn, giải trí, một điểm đến không thể thiếu cho công chúng địa phương với tư cách là “ngôi nhà chung” của họ. Công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã chứng minh một sự thật hiển nhiên rằng có những mô hình thực tế ảo nhưng đã thu được giá trị thật trong đời sống của bảo tàng hiện đại.
Giai đoạn hiện nay, với những thành tựu mới mang tính đột phá của công nghệ số trong cuộc “cách mạng công nghiệp 4.0” sẽ đem lại cho ngành di sản văn hóa nói chung và bảo tàng nói riêng nhiều cơ hội mới cũng như thách thức sẽ phải đối mặt.
Bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, là nơi lưu giữ các tư liệu hiện vật có giá trị, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc. Thế nhưng, các bảo tàng mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ lưu giữ bảo tồn các giá trị mà chưa phát huy mạnh mẽ trong đời sống như gắn kết với du lịch, trở thành không gian văn hoá học tập cộng đồng, mở rộng hiểu biết về lịch sử văn hóa dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, trong một thời gian dài, hệ thống bảo tàng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khách tham quan, đặc biệt là sau giai đoạn dịch Covid – 19. Thời gian gần đây, nhiều bảo tàng đang tìm hướng đi mới thông qua nhiều phương thức, trong đó nổi bật nhất là chuyển đổi số.
Riêng với công tác giáo dục di sản, thời kỳ công nghệ số đang mở ra nhiều cơ hội mà nếu tận dụng tốt, sẽ giúp cho việc học lịch sử của học sinh, sinh viên trở nên dễ dàng hơn, sinh động và cuốn hút hơn. Tổ chức các chương trình giáo dục phù hợp, qua đó giáo dục cho học sinh kiến thức về lịch sử dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, thấm nhuần tư tưởng “dân ta phải biết sử ta” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có một thực tế là chúng ta từ lâu đã để lãng phí nguồn học liệu đa dạng phong phú về di sản văn hóa từ bảo tàng. Do đó, cần tăng tính hiệu quả công tác giáo dục lịch sử để thấy được vai trò của chuyển đổi số trong kết nối giữa bảo tàng và trường học. Sự phối hợp giữa các bảo tàng với trường học là thật sự cần thiết, giúp cho các bảo tàng phát huy, lan tỏa sâu rộng được các giá trị văn hoá vào đời sống, góp phần giáo dục thế hệ tương lai tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam.
Ngược lại, ngành giáo dục cũng đạt được các mục tiêu mới trong giáo dục con người hoàn thiện, không chỉ cung cấp kiến thức cho việc thi cử mà còn giúp học sinh mở rộng thêm tầm nhìn, kiến thức về văn hóa, lịch sử, khơi gợi lòng tự tôn dân tộc trong lớp trẻ hiện nay.
Ðể đạt được những mục tiêu này đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, trước tiên các bảo tàng cần thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ để làm cơ sở dữ liệu cung cấp đến các đối tượng một cách tiện lợi, nhanh chóng, phù hợp và hấp dẫn.
Trong các giờ học về di sản văn hóa, các em học sinh được đến thăm bảo tàng, nghe các nhà văn hóa nói chuyện về lịch sử, trải nghiệm không gian văn hóa qua công nghệ thực tế ảo. Từ những buổi học thực tế như vậy, các em có ý thức giữ gìn di sản văn hóa của địa phương, của đất nước. Những điển hình làm tốt cần được nhân rộng, để ngày càng có nhiều trường học chú trọng vào việc đầu tư, phối hợp với các bảo tàng để góp phần nâng cao hiểu biết cho giới trẻ về di sản văn hóa.
Cùng với đó, các bảo tàng cần chủ động và linh hoạt mang di sản văn hóa đến nhà trường thông qua nhiều kênh, xây dựng các chương trình dành riêng cho từng đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng các em được học. Qua đó giúp các em có thể khai phá không gian văn hóa truyền thống thông qua ứng dụng công nghệ số.
Bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản, việc giới thiệu và lan tỏa các giá trị văn hóa lịch sử của bảo tàng sẽ đến được rộng rãi và phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là giới trẻ. Việc giáo dục di sản văn hóa trong trường học, với sự hỗ trợ, phối hợp của các bảo tàng – thiết chế văn hóa lưu trữ đậm nét các giá trị di sản văn hóa là góp phần xây dựng các thế hệ tương lai người Việt hội nhập với thế giới nhưng vẫn luôn biết trân trọng, tự hào về di sản văn hóa của dân tộc mình.
Và hiện nay, bảo tàng không chỉ là nơi gìn giữ di sản nói chung mà còn là nơi để gắn kết cộng đồng, nhiều bảo tàng đã trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Việc chuyển đổi số giúp bảo tàng trở thành điểm du lịch lý tưởng, thu hút khách tham quan tìm đến nghiên cứu, học tập và trải nghiệm, làm giàu vốn tri thức, qua đó cũng dễ dàng “chạm đến trái tim” của giới trẻ, giúp khơi dậy niềm tự hào, tinh thần dân tộc. Đây thực sự là một bước tiến lớn trên chặng đường phát triển của các bảo tàng và di tích Việt Nam hiện nay.
Tóm lại, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động giáo dục truyền thống và lịch sử của bảo tàng trong kỷ nguyên công nghệ số đòi hỏi phải năng động, đa dạng hóa các hoạt động của bảo tàng để đáp ứng tốt nhất việc học tập nghiên cứu, tham quan trải nghiệm theo hướng hiện đại và thông minh nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước theo hình thức trực tuyến từ xa, giúp xóa nhòa khoảng cách về không gian và thời gian của du khách. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng và thể hiện được việc giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử – văn hóa các dân tộc Việt Nam, góp phần “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 11 năm 2023
Phạm Tuấn Trường
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế
Tài liệu tham khảo:
– https://nhandan.vn
– https://chuyendoiso.dangcongsan.vn
– Một con đường tiếp cận Di sản Văn hóa – Tập 9.
– Tạp chí Di sản Văn hóa số 3 (68) – 2019.
– Thông báo khoa học kỷ niệm 40 năm thành lập Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.