CẢM NHẬN VẺ ĐẸP PHỤ NỮ QUA MỘT CUỘC THI ẢNH VỀ PHỤ NỮ

Lần đầu tiên, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức cuộc thi ảnh, với chủ đề “Phụ nữ môi trường và vấn đề dân số”. Cuộc thi chính thức được phát động từ ngày 15/6/2012 – 15/11/2012, đã thực sự lôi cuốn được những người cầm máy chuyên nghiệp, tên tuổi lẫn nghiệp dư. Vì là cuộc thi ảnh được tổ chức đầu tiên, Bảo tàng đã rất thận trong, nghiêm túc từ khâu thực hiện kế hoạch, phát động, tuyên truyền, cho đến chọn ban giám khảo… Một ban giám khảo gồm các thành viên của bảo tàng, Hội Nhiếp Ảnh thành phố Hồ Chí Minh, Chi cục trưởng Chi Cục Dân số, chuyên gia Cục Bảo vệ môi trường… Với tinh thần làm việc nghiêm túc, Ban giám khảo đã chọn ra 197/1343 bức ảnh dự thi, từ 97 tác giả khắp mọi miền đất nước gởi về, trong vòng sơ khảo.

Chọn ra 18 tác giả/29 ảnh, từ 197 bức ảnh vòng chung khảo để trao giải là một việc làm thật khó khăn của Ban giám khảo, bởi những tác giả nhiếp ảnh đã mang đến cho bảo tàng hình ảnh sinh động của người phụ nữ với ứng xử môi trường sống và sự nóng bỏng về những vấn đề dân số. Các tác giả đã rất công phu  và dấn thân trong quá trình chọn đề tài, ghi lại được những khoảnh khắc mà qua đó, người xem thấy được vẻ đẹp lung linh của  người phụ nữ. Đó không phải là vẻ đẹp rực rỡ của hoa hậu đêm đăng quang hay những người mẫu có đôi chân dài gợi cảm, những vòng bốc lửa trên sàn calk wall mà là vẻ đẹp của sự hy sinh, thầm lặng, lẩn khuất trong những công việc thường ngày. Những bức ảnh đạt giải đã làm được một điều cốt lỏi là gợi cho người xem một câu hỏi: nếu một ngày không có những người phụ nữ bình thường, thầm lặng kia, cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao?!

Phải, nếu như không có người mẹ dùng hết sức vắt giọt sữa từ bầu vú đã cạn kiệt cho con, không có người mẹ gặt vội những bông lúa mùa chạy lũ, không có những người phụ nữ  vật lộn với con sóng hung dữ để mang về những bó củi nấu cho chồng, con bữa cơm đoàn tụ gia đình, không có những người nữ công nhân lội trên dòng nước lầy bùn dọn dẹp rác khi cơn lũ qua đi, không có những bàn tay thuần thục của những người mẹ, người chị xẻ những con cá bên làng biển, không có người mẹ vượt triền núi cao, với hai đứa con địu trên lưng để tìm đến cuộc giải phẫu hàm ếch cho con, không có người mẹ vác trên vai đứa con, cùng chồng giặt những sợi đay bên dòng suối, không có người mẹ chia sẻ với con bữa cơm đạm bạc trên những chiếc  xuồng chất đầy năn lác, không có cô nữ công nhân rời làng quê, lên thành phố, dâng hiến tuổi thanh xuân trong những xưởng máy mà vẻ chân chất, mộc mạc thôn nữ còn in đậm trên gương mặt… thì chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ thiếu đi nhiều điều, sẽ chông chênh trống vắng biết bao.

Không có những người phụ nữ  ấy, chắc chắn rác sẽ không ai dọn, thành phố sẽ ngổn ngang vì rác, nhiều làng nghề sẽ mất đi, nhiều bếp lửa trong gia đình sẽ tàn lụi, những đứa trẻ sẽ không lớn lên trong vòng tay yêu thương của người mẹ, không biết đến sự hy sinh và chia sẻ, không biết đến mái ấm gia đình, và thiêng liêng hơn là Tổ quốc giàu đẹp, đã được chăm chút, nâng niu bằng sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, với những công việc ngỡ như hết sức bình thường, đời thường nhưng cần thiết biết bao, cho tất cả chúng ta. Nghệ thuật nhiếp ảnh cũng đã lưu giữ được vẻ đẹp của nụ cười cô nữ sinh vượt khó, ngoài giờ học đi giăng câu, bắt ốc kiếm tiền nuôi thân, nuôi gia đình, với niềm hạnh phúc bình dị, khi giọt mồ hôi còn vương trên đôi má rám nắng; là hoa súng với vẻ đẹp tinh khiết in hình xuống mặt sông nồng ấm phù sa, là cô cán bộ đi về miền cuối đất với vẻ đẹp thân thiện, đến với từng bà mẹ tuyên truyền sức khỏe sinh sản…

Những bức ảnh trước mặt chúng ta rất đẹp mà sao lại gợi lên trong lòng người xem nỗi buồn. Phải, làm sao không buồn vì qua những khoảnh khắc “chộp lấy” của người cầm máy, phụ nữ Việt Nam còn quá nghèo và quá khổ. Còn thiếu vắng hình ảnh những người phụ nữ đang tiến quân vào nền kinh tế tri thức, vẻ đẹp trí tuệ, kiêu hãnh, sức mạnh từ bên trong của người phụ nữ góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những nhà khoa học, văn nghệ sĩ miệt mài cống hiến, những người phụ nữ ưu tú trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục… Tất cả, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và công chúng đang đợi một mùa bội thu sau…

Dù còn chưa tìm ra được những tài năng mới của nhiếp ảnh, những tác giả là học sinh – sinh viên để trao những giải lớn, còn thiếu vắng hình ảnh người phụ nữ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, trong sự nghiệp phát triển thành phố nhưng vẻ đẹp thầm lặng của những người phụ nữ trên những nẻo đường đất nước đã được nghệ thuật khoảnh khắc lưu giữ, đóng góp vào tri thức kho ảnh của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Trao đổi với Ban giám khảo, bà Nguyễn Thị Thắm- Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ nói: “Từ thành công bước đầu này, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ dự định sẽ tổ chức giải nhiếp ảnh về phụ nữ thường niên. Chủ đề mỗi năm sẽ thay đổi”. Vâng, chúng ta vui mừng với những thành tựu và chờ đợi mùa bội thu vẻ đẹp phụ nữ ở năm sau.

                              Tp. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 11 năm 2012

                                                               KIM THỦY