CHUYỆN VỀ ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN NGUYỄN THỊ HOA (TRẦN THỊ THANH)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn của nhân dân vùng Đất Đỏ trong suốt 21 năm đã để lại trên mảnh đất này biết bao những đau thương mất mát của cải, mồ hôi và cả máu. Nhiều tấm gương dũng cảm cầm vũ khí giết giặc tại quê nhà, đấu tranh giữ vững khí tiết người Cộng Sản trong các lao tù của Mỹ – Ngụy trong đó có nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hoa (Trần Thị Thanh).

Chị Trần Thị Thanh tên gọi Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1943, quê ở Quảng Nam, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được ông Lê Văn Tiễn và bà Trần Thị Nguyên ở xã Phước Thạnh, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đem về nuôi. Sống trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống cách mạng nên chị rất hiếu hạnh với cha mẹ, không được học hành nhiều nên mới biết chữ, biết viết, chị đã nghỉ học để phụ giúp gia đình.

Vào những năm 1960, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh võ trang của nhân dân vùng Đất Đỏ phát triển rất mạnh; theo tiếng gọi của Đảng, năm 1963, chị Nguyễn Thị Hoa thoát ly gia đình tham gia công tác phong trào phụ nữ huyện Long Đất. Được sự giúp đỡ của chi bộ, bài học đầu tiên mà chị được học là bài học năm bước công tác cách mạng và công tác vận động quần chúng. ​

Tháng 01/1964, chị được kết nạp vào Đoàn thanh niên cách mạng miền Nam. Chị đã lớn lên cùng với những bước tiến của phong trào cách mạng. Chị được hai đảng viên Trần Văn Cương và Nguyễn Văn Trung chịu trách nhiệm giới thiệu. Tháng 6/1964 đồng chí Bùi Văn Hải (tự Hoàng)- bí thư chi bộ xã Phước Thạnh làm lễ kết nạp chị vào Đảng. Từ đó, chị được giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động đoàn thể phụ nữ xã Phước Mỹ, tức Phước Tuy và Phước Thạnh lúc bấy giờ. Phong trào phụ nữ do chị phụ trách ngày càng phát triển lớn mạnh. ​

Giữa năm 1964, hầu hết các ấp chiến lược ở xã chung quanh vùng Đất Đỏ đã mất tác dụng, thế làm chủ của nhân dân được nâng cao, tạo điều kiện cho bộ đội và du kích hoạt động ngay trong xã, ấp. Phát huy thắng lợi chi bộ chủ trương diệt tên Ba Cụt xã trưởng ác dân, phụ trách bộ máy kiềm kẹp nhân dân, tên này hằng ngày thường đến chợ. Chị Nguyễn Thị Hoa tình nguyện nhận nhiệm vụ. Chị trở thành du kích xã Phước Thạnh Tây từ đây. Sau khi nhận lựu đạn, chị về ở nhà Má Hai xã Phước Thạnh để gần mục tiêu tấn công. Một buổi sáng chị hóa trang như người đi chợ, vũ khí giấu dưới giỏ, 8 giờ sáng như thường lệ tên Ba Cụt đến trước chợ. Trong lúc vắng người, chị tung quả lựu đạn vào hắn, nhưng không may là lựu đạn không nổ. Sau khi hoàn hồn tên Ba Cụt đuổi theo, do chị có tật ở chân nên không chạy nhanh được và bị bắt. Tổ du kích được phân công hỗ trợ chị từ xa nên không kịp ứng cứu, đích thân tên Ba Cụt tra tấn đánh đập chị dã man. Chúng trói chị dưới chân cột cờ trước cửa chợ gần ngã tư Đất Đỏ. Hắn hỏi “Ai xui mày đánh, ai tổ chức mày”. Chị khẳng khái trả lời: “Không ai tổ chức, chỉ do căm thù tao đánh”. Hắn lại hỏi tiếp nhằm tìm ra đầu mối tổ chức cách mạng: “Mày con ai, cháu ai”. Nhìn thẳng mặt kẻ thù chị trả lời: “Tao là con của dân, là cháu Bác Hồ”. Không lấy được một lời khai, hắn đành cho xe chở chị về tiểu khu Bà Rịa. Trên đường đi, chị dũng cảm nhảy xuống xe nhưng bị địch bắt lại. Do không khai thác được gì nên chúng đưa chị đi biệt giam, từ đấy không còn liên lạc được. Với tấm gương chiến đâu dũng cảm, không khuất phục kẻ thù khi bị địch bắt. Cán bộ chiến sỹ và nhân dân xã vùng Đất Đỏ suy tôn chị như chị Võ Thị Sáu thứ hai. ​

Từ khi chị bị địch bắt giam ở cảnh sát Đất Đỏ, khám đường Bà Rịa, nhà lao Chí Hòa và đày chị ra Côn Đảo là cả cả một thời gian dài chị phải chịu đựng những cực hình đau khổ. Kẻ thù tra khảo chị bằng những hình thức hết sức man rợ được áp dụng từ đất nước văn minh Hoa Kỳ. Tại khám đường Bà Rịa, địch dùng điện chích vào những vùng nhạy cảm nhất của phụ nữ. Cho đi “tàu bay”, “tàu lặn” nhưng không khai thác được gì. Sau đó, địch giải chị về nhà tù Tân Hiệp. Tại đây chị bị giam vào trại F (tức trại thi hành). Được chị Ba Hòa, một đảng viên trong chị bộ nhà tù ở trại biệt giam viết thư kêu gọi tham gia đấu tranh, chị Hoa tích cực hưởng ứng. Các chị đưa ra các yêu sách mỗi ngày ra ngoài một giờ, địch thẳng tay đàn áp bằng cách đè các chị xuống nền xi măng bên dưới có rải vôi bột để đánh. Trong cuộc đấu tranh này có ba chị hy sinh. Đầu năm 1969, toàn nhà lao Tân Hiệp nỗi dậy, nữ tù chính trị mặc đồ đen đầu đội khăn tang trắng và đưa ra yêu sách chống đàn áp, đòi bồi thường nhân phẩm. Do chị Hoa tham gia đấu tranh rất dũng cảm, địch giải chị từ trại thi hành cùng các chị trại biệt giam Tân Hiệp sang trại biệt giam nhà lao Chí Hòa vào ngày 4/5/1969. Chị bị biệt giam ở B4 cùng với chị Ba Hòa. ​

Tại Chí Hòa, chi bộ Đảng trong nhà tù thành lập ban chỉ đạo đấu tranh gồm có các chị: Trương Mỹ Hoa- trưởng ban, chị Trần Thị Hòa- phó ban, chị Đoàn Thị Khánh và chị Đoàn Thị Hương. Ban chỉ đạo phân công ra các bộ phận: hậu cần, đấu tranh chính trị, cứu thương. Chị Hoa được phân công trong bộ phận thanh niên xung kích lực lượng chủ lực trong đấu tranh. Các chị tiếp tục đấu tranh, làm chủ cả một khu vực, suốt 7 ngày các chị ở ngoài trời trước lễ truy điệu Bác Hồ. Địch dùng nhiều thủ đoạn đàn áp nữ tù chính trị bằng cách dùng lựu đạn cay, lựu đạn có chất phốt-pho, bắn lựu đạn vào nhà giam, nhiều chị bị da lột ra từng mảng. Ban đêm địch tắt đèn để cho muỗi cắn, thấy trời nóng địch mở đèn để nóng thêm. Ban lãnh đạo đấu tranh tổ chức cuộc tuyệt thực chị Hoa tham gia, chấp hành kỹ luật nghiêm túc, mặc dù sức khoẻ yếu, nhưng chị kiên quyết không uống nước. Có lần cuộc đấu tranh tuyệt thực kéo dài các nữ từ chính trị kiệt sức sắp chết nhưng địch vẫn không giải quyết các yêu sách. Chị Hoa và một số chị em khác tình nguyện xin được mổ bụng tự sát, nhưng không được chi bộ nhà tù chấp nhận. Ở nơi lao tù chị Hoa cùng các chị tích cực học tập văn hóa, chính trị, hoạt động văn nghệ, làm báo tường, đặc biệt là học võ thuật để tự vệ. ​

Tại Chí Hòa kẻ thù không thể thuyết phục đươc chị, năm 1970 chúng đưa chị ra nhà tù Côn Đảo cùng với các chị: Võ Thị Nguyệt, chị Út Ra, chị Ba Hòa, chị Cẩm Nhung, chị Hiền,… Riêng chị Trần Thị Thanh (tên gọi là Hoa trong sổ tù) bị địch giam vào trại 4 cấm cố phòng 15. Tại đây, chị cùng chị em tù chính trị tiếp tục đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc. Một hôm, chị Ba Hòa bị sốt rét chị Hoa đến thăm chị nói “nếu có chết để em chết cho, vì em ở quê hương chị Sáu lại cùng một xã nên em được ưu tiên chết hơn chị”. Đó cũng là tâm sự cuối cùng của người sắp đi xa.

​Ngày hôm sau điều không may đã đến, chị bị sốt; sáng hôm đó, địch dùng ống thuốc độc tiêm bắp chân, khoảng 9-10 giờ trưa, chân chị bầm tím, vài giờ sau chị ra đi vĩnh viễn vào ngày 30/4/1973. ​

Được tin chị Hoa hy sinh, các chị em tù chính trị phát loa kêu gọi đấu tranh tố cáo tội ác dã man của địch, đòi được ra ngoài để tiễn linh cữu chị Hoa đến nơi an nghỉ. Chị Nguyễn Thị Hoa ra đi để lại sự tiếc thương vô hạn của các đồng chí, đồng bào. Chị đã cống hiến cả cuộc đời thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước. Cán bộ chiến sĩ nhân dân vùng Đất Đỏ nhớ mãi hình ảnh người con gái dũng cảm trong chiến đấu, sống chan hòa tình cảm với đồng chí, đồng bào khi bị sa vào tay giặc vẫn tiếp tục đấu tranh giữ vững khí tiết người cộng sản, không một lời khai báo, giữ được tổ chức cơ sở cách mạng. ​

Trải qua những thử thách đấu tranh vũ trang trên chiến trường, đấu tranh trong các lao tù của Mỹ Ngụy, chị Nguyễn Thị Hoa được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 28 tháng 4 năm 2000.

Mộ AHLLVT Nguyễn Thị Hoa tại nghĩa trang Hàng Dương – Côn Đảo

Nguồn: Hồ sơ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

http://datdo.baria-vungtau.gov.vn

http://nghiatranghangduongcondao.vn

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 11 năm 2020

Huỳnh Thị Kim Loan

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế