Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Ấn Độ

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Ấn Độ

Đặt vấn đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại không chỉ đối với Nhân dân Việt Nam mà còn đối với bạn bè yêu chuộng tự do và hòa bình trên thế giới. Sinh thời và cả khi đã đi xa, Hồ Chí Minh luôn nhận được những tình cảm thắm thiết bằng những lời ngợi ca đẹp nhất của những người yêu mến người khắp năm châu. Một trong những tình cảm đặc biệt là tấm lòng của các tầng lớp lãnh đạo và người dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm lòng của lãnh đạo và người dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả, lịch sử đã gắn bó hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ. Mối quan hệ thâm tình giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ khởi nguồn từ cuộc gặp gỡ không hẹn trước giữa hai con người tiêu biểu là Motilal Neru (thân sinh của Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập Jawaharlal Nehru và Nguyễn Ái Quốc.

1. Những lời ca ngợi của lãnh đạo và giới chức Ấn Độ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khi còn hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều bài viết về đất nước Ấn Độ. Đặc biệt, năm 1942 – 1943, Nguyễn Ái Quốc, lúc này với tên gọi Hồ Chí Minh đang bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ, được tin Jawaharlal Nehru cũng đang bị giam giữ, Người đã gửi tới Nehru một bài thơ với những tình cảm cảm động:

Gửi Nê-ru:

I.

Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,

Anh phải vào lao, tôi ở tù.

Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,

Không lời mà vẫn cảm thông nhau.

II.

Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác,

Cảnh ngộ giờ đâ khác bội phần,

Tôi chốn lao tù người bạn hữu

Anh, trong gông xích bọn cừu nhân”.

Ngày 10-10-1954, những người lính Cụ Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ Đô. Đúng 07 ngày sau, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vui mừng đón vị khách quốc tế đặc biệt đến thăm: Thủ tướng Nehru. Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ là người đứng đầu chính phủ nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam. Chuyến thăm của ngài Thủ tướng Ấn Độ đã mang tới tình cảm thắm thiết và tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Trong bữa tiệc chào mừng Thủ tướng Nehru thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Hôm nay, nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Pangdi Nehru, vị lãnh tụ yêu quý của nước Ấn Độ vĩ đại, vị chiến sỹ tận tụy cho hòa bình châu Á và thế giới, vị bạn tốt của nhân dân Việt Nam”. Theo những nội dung của Hiệp định Geneve, Ấn Độ cùng Ba Lan và Canada là những nước nằm trong Ủy ban quốc tế về giám sát và kiểm soát thi hành Hiệp định Geneve tại Việt Nam.

Bốn năm sau chuyến thăm Việt Nam, năm 1958, Chính phủ Ấn Độ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ. Trong chuyến đi thăm chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang từ Việt Nam sang một vòng hoa và một cây đào để đặt và trồng trên mộ của nhà cách mạng Ấn Độ Motilan Neru. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo điều này với Thủ tướng Jawaharlal Nehru ông đã thật sự xúc động. Ông nói: “Hồ Chí Minh gặp cha tôi ở thủ đô nước Bỉ từ năm 1927 trong cuộc Hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa thực dân. Một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi cách đây đã lâu năm mà Hồ Chủ tịch còn nhớ đến cụ thân sinh tôi. Đó tuy là một việc bình thường nhưng nó chứng tỏ một cách rõ rệt phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch”. Cũng trong chuyến thăm của chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ năm 1958, Thủ tướng Jawaharlal Nehru thay mặt Tổng thống Ấn Độ Praxat đọc lời chào mừng: “Tôi rất vui mừng được hoan nghênh Hồ Chủ tịch…Chúng ta hoan nghênh Chủ tịch, một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sỹ vĩ đại cho tự do…”.

Trong chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên này, một cử chỉ của Hồ Chủ tịch đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân Ấn Độ, đó là câu chuyện về chiếc thảm đỏ ngai vàng. Hồ Chí Minh là quốc khách của Ấn Độ nên trong buổi đón tiếp người tại cuộc mít tinh có hàng vạn người dự tại Red Fort (Thành Đỏ) ở thủ đô Delhi, nước chủ nhà Ấn Độ trải sẵn tấm thảm đỏ để tiếp đón Hồ Chủ tịch nhưng Người đã dứt khoát từ chối bước đi trên tấm thảm đó. Không chỉ vậy, các bạn Ấn Độ còn chuẩn bị sẵn một chiếc ghế vàng dành riêng cho Chủ tịch Hồ chí Minh trên bục danh dự. Đó là một chiếc ngai vàng rất đồ sộ, lộng lẫy. Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nerhu được sắp sẵn một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi đó, đích thân Thủ tướng Nerhu đã mời Bác Hồ ngồi vào chiếc ghế đó nhưng Người đã kiên quyết từ chối. Hàng vạn người dự mít tinh phía dưới quảng trường chứng kiến điều này đều sửng sốt nhìn nhau. Họ đứng cả lên để xem hai vị lãnh tụ của hai nước nhường nhau chiếc ghế vàng, và rồi cuối cùng chẳng ai chịu ngồi lên chiếc ngai ấy. Thủ tướng Nehru đành gọi người cho chuyển chiếc ghế đi, thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Trong khoảnh khắc ấy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường đã cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Thủ tướng Nehru đã phát biểu: “Thật là một điều vĩ đại trên thế giới đối với một con người tầm cỡ như vậy mà lại có sự khiêm tốn, sự khiêm tốn ấy đã cuốn hút tình yêu mãnh liệt từ mọi người…Vị khách hôm nay là có một, ông rất bình dị, khiêm tốn và hiền từ, mới nhìn mọi người yêu mến ngay”.

Ngày 8-2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo National Herald. Phóng viên đặt câu hỏi: “So sánh vai trò của Ngài ở Việt Nam với Mahatma Gandhi tại Ấn Độ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiêm nhường trả lời: “Mahatma Gandhi đã sống và hy sinh cuộc đời cho nhân dân nước này. Người đã giúp 400 triệu người giành độc lập, tự do và hạnh phúc. Tôi và những người khác có thể là những người cách mạng song trực tiếp hay gián tiếp chúng tôi là những đồ đệ của Mahatma Gandhi, không hơn, không kém”.

Thủ tướng Ấn Độ đã dành những lời lẽ đẹp đẽ, trân trọng nhất để ca ngợi Hồ Chí Minh. Ông gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sỹ vĩ đại cho tự do”. Trong bữa tiệc do Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức để chiêu đãi các vị lãnh đạo, chính khách và bạn bè Ấn Độ trước khi rời Delhi đi thăm Mumbai và Konkata, Thủ tướng Neru phát biểu: “Chúng ta được tiếp đón một con người, mà người đó là phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử. Do đó chúng ta không chỉ được nâng tầm tư tưởng, suy nghĩ mà còn được lớn lên ở bên Người. Được gặp Người chúng ta trở nên tốt đẹp hơn…Trong thế giới đầy biến động, xung đột và phân ly, thật sung sướng khi Người đến mang lòng tốt của con người và tình bạn, tình thân ái đã vượt lên tất cả”.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm bang Bangalore, trong phát biểu chào mừng, Thủ hiến bang đã nói: “Như Thủ tướng Neru kính mến của chúng tôi đã nói, Chủ tịch là một vĩ nhân, đã ảnh hướng thời đại với đức tính giản dị và thành khẩn của ngài. Chủ tịch là một người đại cách mạng và nhờ uy tín của ngài mà Việt Nam đã có địa vị hiện nay trên thế giới. Lòng yêu tự do, bình đẳng và sự hiểu biết của Chủ tịch đã làm cho Ngài thành một nhân vật lớn trên trường chính trị quốc tế…”.

Đón và chào mừng Hồ Chủ tịch đến thăm thành phố Calcutta, Thị trường Thành phố phát biểu chào mừng:

“Hỡi người chiến sỹ anh dũng trong cuộc đấu tranh cho tự do!

Chúng tôi thật là sung sướng được Ngài đến thăm thành phố Cancutta to lớn, nó là một trong những thành phố tiên phong ở Ấn Độ và ở châu Á (…).

Hỡi người giải phóng vĩ đại của loài người!

Dưới sự hướng dẫn gan góc, mạnh bạo và sự sáng suốt của sự lãnh đạo của Ngài trong lĩnh vực tư tưởng tiến bộ, những xiềng xích lâu đời của Việt Nam đã bị phá tan (…).

Hỡi người chính trị vĩ đại của nhân dân!

Cũng như người cha vĩ đại của dân tộc chúng tôi là Thánh Gandhi, Ngài là biểu hiện của một đời sống giản đơn, thanh cao và khắc khổ”.

Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong chuyến thăm Ấn Độ, ngày 12-2-1958, nhân ngày chủ nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm thành phố Mumbai (Bombay), người dân ở đó biết tin Hồ Chủ tịch đến thăm nên tự tổ chức chào mừng rất đông. Theo chương trình không có tổ chức nói chuyện với nhân dân nên mọi thứ không được chuẩn bị. Thế nhưng, trước tấm chân tình và tấm lòng nồng nhiệt của người dân ở đây, Hồ Chủ tịch đã chủ động nói chuyện với mọi người không qua phiên dịch, không có micro. Mọi người đã chăm chú lắng nghe. Bài phát biểu này được ghi âm và sau đó đã phát thanh trên toàn nước Ấn Độ.

Tiến sỹ B.C.Roy, Thủ hiến bang Bengal trong cuộc chiêu đãi trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Tiến sỹ Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử châu Á như một nhân vật huyền thoại, cuộc sống giản dị, tính cách vui vẻ, đầy lòng vị tha của Người đã chiếm được vị trí xứng đáng trong trái tim hàng triệu người”.

2. Báo chí Ấn Độ với những tình cảm đặc biệt giành cho chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, nhiều chính phủ, các chính đảng, các tổ chức, các nguyên thủ và bạn bè khắp năm châu đã gửi những lời chia sẻ nỗi buồn sâu sắc của Nhân dân Việt Nam. Báo chí Ấn Độ đã đồng loạt có những bài viết ca ngợi tấm gương hy sinh tận tụy vì nước, vì dân của Người.

Trong bài viết với tựa đề “Chúng ta kính cẩn nghiêng mình” đăng trên báo Dân chủ Nhân dân, cơ quan trung ương Đảng Cộng sản (Marxist) Ấn Độ số ra ngày 14-9-1969 có đoạn: “Toàn thế giới kính chào nhân dân Việt Nam vĩ đại, những người đã dùng máu và sự chịu đựng gian khổ của mình để viết nên một chương vẻ vang nhất trong cuốn sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhân dân Việt Nam đã sáng tạo ra bản hùng ca này vì họ được cổ vũ bởi lòng quyết tâm giành lại tự do, vì họ được phong trào cách mạng đứng đầu là vị lãnh tụ tài tình, nhà Marxist – Leninnit lỗi lạc – đồng chí Hồ Chí Minh – hun đúc và lãnh đạo. Chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước nhà cách mạng Marxist vĩ đại này”.

Một bài viết đăng trên báo Quốc gia ngày 05-9-1969 với tựa đề “Hồ Chủ tịch” có đoạn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của châu Á. Người vĩ đại vì tài lãnh đạo, vĩ đại vì tình yêu đối với nhân dân, vĩ đại vì lòng quả cảm và quyết tâm trong cuộc kháng chiến lâu dài chống xâm lược…Vẻ dịu dàng của Người là một ý chí sắt thép, dưới bề ngoài giản dị là một tinh thần quật khởi, anh hùng, không gì uy hiếp nổi. Người là hiện thân của tinh thần yêu tự do tha thiết, của khả năng chịu đựng và đấu tranh của họ”.

Bài viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh” đăng trên tuần báo Ấn Độ Thế kỷ, số ra ngày 06-9-1969 có đoạn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần…sẽ để lại một khoảng trống không thể bù đắp được. Vì rằng, Người không phải chỉ là một vị Chủ tịch mà còn là một người đã làm cho nhân dân và đất nước lớn lên cùng với Người. Người đã trở thành một truyền thuyết sinh động, một người yêu nước, một người đồng chí, một nhà triết học và một chiến sỹ đấu tranh cho tự do”.

Ngày 13-9-1969, tuần báo Ấn Độ Ánh điện đã đăng bài xã luận với tựa đề “Jai Hồ” có đoạn: “Ca ngợi Cụ Hồ Chí Minh là làm một việc hết sức mạo muội. Là nhân vật lỗi lạc nhất trong lịch sử Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Cụ nổi bật lên như một ngọn núi cao chót vót giữa những đồi núi thấp lè tè và những thung lũng chung quanh (…). Sau những cố gắng không biết mệt mỏi, Cụ đã xây dựng lên cái mà Cụ vẫn hằng mơ ước: Một dân tộc tự do, xứng đáng với những người anh hùng…Cụ đã kết hợp giữa sự tao nhã cao quý với một tác phong dễ gần gũi, rất dân chủ, một sự kết hợp nhịp nhàng giữa sự tự do không nghi thức, thoải mái, và tự nhiên với một thái độ đường hoàng và thận trọng. Cá nhân Cụ có một sức hấp dẫn đặc biệt không có gì so sánh được, không những đối với nhân dân nước Cụ, mà còn đối với tất cả những ai không mang nặng đầu óc thù hằn hay thành kiến.

Trải qua cuộc đời đầy gian truân và thử thách, đau khổ và hy sinh, Cụ đã trở thành hiện thân của sự bất khuất trước uy vũ, bình thản và tự tin, một hiện thân của nghị lực…”.

Báo Người yêu nước ngày 14-9-1969 thì viết Hồ Chí Minh là “một nhân vật thần kỳ” và khẳng định: “Không có vị lãnh tụ của một dân tộc nhỏ nào đã từng ghi lại một dấu vết sâu sắc đến thế trong thời đại của mình, như Bác Hồ”.

Một bài viết với tựa đề “Hồ chí Minh” đăng trên tạp chí Tin tức Ấn Độ số ra ngày 14-9-1969 đã viết: “Cụ Hồ Chí Minh từ trần, một trong những người chân thật nhất của thời đại chúng ta đã mất đi”.

3. Tình cảm của nhân dân Ấn Độ với Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chưa bao giờ thay đổi

Năm 1990, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam. UNESCO cũng kêu gọi các nước thành viên tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rất nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã có những hoạt động khác nhau để tưởng niệm và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ấn Độ là một trong những nước đã giành cho Chủ tịch Hồ chí Minh những tình cảm đặc biệt nhất với rất nhiều các hoạt động tưởng niệm, tôn vinh người diễn ra ở khắp các diễn đàn, khắp mọi nơi. Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Ủy ban quốc gia kỷ niệm lần thứ lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chandra Sekha làm chủ tịch. Chính phủ Ấn Độ quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh một cách long trọng nhất, lâu nhất với thời gian từ 19-5-1990 đến 19-5-1991. Cho tới nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ nước ngoài được Chính phủ Ấn Độ tổ chức kỷ niệm long trọng nhất.

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm sôi động ở Ấn Độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang thăm và dự đợt kỷ niệm này. Trong buổi tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngài Chandra Sekha, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ đã bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc của toàn thể nhân dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhấn mạnh: “Chính phủ và nhân dân Ấn Độ coi việc kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nghĩa vụ quốc tế mà là một trách nhiệm quốc gia của toàn thể nhân dân Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ hết sức kính trọng và yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi người như lãnh tụ Mahatma Gandhi của mình”. Chiều 14-01-1991, tại Calcutta đã diễn ra cuộc mít tinh của hơn hai mươi nghìn người kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thay mặt Chính phủ Ấn Độ và Ủy ban quốc gia Ấn Độ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Sekha phát biểu: “…Chủ tịch Hồ Chí Minh là người con của quần chúng nhân dân. Người là hiện thân của sự kết hợp tinh thần dũng cảm, chí khí kiên cường của một con người hành động với sự nhạy cảm tinh tế của một nhà văn hóa lớn. Người là triết gia, chính khách chân chính, là biểu tượng của ý chí không gì lay chuyển nổi của con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là ngọn cờ cổ vũ đối với các dân tộc đấu tranh cho hòa bình và tự do trên toàn thế giới”.

Cùng ngày 14-01-1991, Hội thảo quốc tế “Hồ Chí Minh, Việt Nam và hòa bình thế giới” được tổ chức tại thành phố Calcutta, bang Tây Bengal. Hội thảo do chính Ủy ban quốc gia Ấn Độ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ bang Tây Bengal phối hợp tổ chức. Cả Tổng thống và Thủ tướng bang Tây Bengal đều tham dự cùng rất nhiều các học giả trên thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khách mời của hội thảo. Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Thủ tướng bang Tây Bangal G.Basu đã ca ngợi sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và chủ nghĩa nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng G.Basu đã nhấn mạnh: “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục cổ vũ nhân dân Việt Nam và các dân tộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của con người”.

Tình cảm của nhân dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh theo thời gian vẫn không hề phai nhạt. Nhà báo – Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ – Việt Nam Geetesh Sharma trong một phát biểu năm 2015 khẳng định: “Bác Hồ – Thần tượng của tôi”. Geetesh Sharma khẳng định: “Vào giữa thế kỷ 20, đặc biệt vào những năm 1950 đến 1970, Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tâm điểm chú ý của giới trí thức và các nhà hoạt động chính trị ở Ấn Độ. Đây là thời điểm có rất nhiều bài viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau về Hồ Chí Minh, đặc biệt ở bang Tây Bengal nơi có hàng loạt bài thơ và bài báo ca ngợi Người. Những tác phẩm của Người và quyển Nhật ký trong tù đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ đã tạo nguồn cảm hứng cho độc giả. Thật vậy, đối với chúng tôi, tình cảm luôn gắn liền với cuộc đấu tranh của Việt Nam, Việt Nam đồng nghĩa với Hồ Chí Minh.

Sẽ khó tìm thấy người Ấn Độ nào không biết vị lãnh tụ huyền thoại vĩ đại của Việt Nam – Hồ Chí Minh – hoặc không biết tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam có thể không đạt được nếu như không có sự lãnh đạo và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường và những quyết sách định hướng vì nhân dân của Người. Chúng tôi ở Ấn Độ ngưỡng mộ Người, kính trọng Người và học theo Người. Một biểu tượng của sự chân phương và giản dị. Tôi vẫn còn nhớ việc Người thường đi đôi dép xăng-đan làm bằng vỏ xe cũ đã khuyến khích các nhà lãnh đạo cộng sản, cán bộ, trí thức và các nhà hoạt động xã hội làm theo Người, tạo thành xu hướng phổ biến một thời…”.

Nhà thơ, dịch giả, thành viên Ủy ban đoàn kết Ấn Độ – Việt Nam Pravamayee Samantaray thì khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – người anh hùng của tôi”. Pravamayee Samantaray đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hùng của tôi, là người anh hùng của tôi. Trong giấc mơ, tôi nhìn thấy Người, tôi đã gặp Người. Giấc mơ của tôi đã hoàn thành khi tôi nhìn thấy Người nằm bình thản trong trang phục thường ngày trong chuyến thăm Hà Nội lần cuối cùng của tôi. Tôi không tìm được lời nào để bày tỏ tình cảm của mình về những tình cảm sâu sắc trong trái tim tôi. Tôi đã khóc, tôi đã khóc trong niềm vui. Giấc mơ của tôi đã thành hiện thực (…). Bổn phận thiêng liêng của chúng ta không chỉ là bày tỏ lòng tôn kính đối với một chính khách vĩ đại, biểu tượng của nhân dân bị áp bức, một hình tượng truyền cảm hứng và một người bạn vĩ đại của Ấn Độ, mà còn phải tìm hiểu và ghi nhớ những hành động và lời nói đầy nhân ái của Người, tình thương của Người dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng và niềm tin của Người vào sự hòa hợp của nhân loại…”.

Nói đến Phong trào Hòa bình thế giới không thể không nhắc tới một vị chủ tịch nổi tiếng là một người Ấn Độ, đó là ngài Romet Chandra. Đối với Việt Nam, với Bác Hồ, Romet Chandra luôn dành những tình cảm đặc biệt kính trọng, ngưỡng mộ và cũng thật yêu mến, thân thiết. Mỗi lần nhắc tới Việt Nam, nhắc tới Bác Hồ, ông luôn xúc động và dành những lời lẽ đẹp nhất, trang trọng nhất. Cuối tháng 3-1999, Ban thường vụ Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức hội nghị ở Việt Nam, khi ấy Romet Chandra là Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình thế giới cũng tới dự. Ủy ban Hòa bình của Việt Nam đã tổ chức tiệc mừng ông. Cố vấn Phạm Văn Đồng gửi lẵng hoa chúc mừng, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tiếp và chúc mừng Romet Chandra nhân dịp ông trò 80 tuổi. Tại phiên khai mạc Hội nghị Ban thường vụ Hội đồng Hòa bình thế giới, Romet Chandra đã nhắc tới Hồ Chí Minh với những lời lẽ đầy xúc động. Ông nói: “Vào thời điểm vinh dự này, cho phép tôi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lẽ các bạn đều biết Người là Việt Nam, là con người vĩ đại, hơn thế, tôi muốn nhấn mạnh, Người không chỉ dành riêng cho châu Á mà cho toàn thế giới.

Các bạn có thể thắc mắc tại sao tôi cứ nói về quá khứ. Đây không phải là quá khứ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đang yên nghỉ trong lăng, nhưng Người còn sống mãi. Xin hãy dành một phút mặc niệm người. Tôi tin và hy vọng rằng, mọi người đừng khóc mà hãy nhớ về Hồ Chí Minh – con người của hòa bình”.

Kết luận: Tình hữu nghị thủy chung trong sáng giữa Việt Nam và Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nehru xây dựng trên một nền tảng vững chắc là hòa bình, hữu nghị và tình bạn, trải qua bao biến cố của thời gian, lịch sử vẫn mãi xanh tươi, bền vững. Tình cảm của các tầng lớp nhân dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nồng hậu chân tình như buổi ban đầu. Trong bài phát biểu tại hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, Tiến sĩ Modagat Ahmed, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO, đã phát biểu: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một người trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này. Tôi hy vọng cuộc hội thảo này sẽ làm sáng tỏ thêm cuộc đời và thành tích của Hồ Chí Minh. Đó là một đóng góp có ý nghĩa nhất vào việc tưởng niệm nhân vật vĩ đại”. Trong những tình cảm, những đánh giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ, các nhà lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân Ấn Độ là những người đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh những lời ngợi ca đẹp nhất.

VŨ TRUNG KIÊN – Học viện Chính trị khu vực II

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bảo tàng Hồ Chí Minh: Bác Hồ với Ấn Độ, Nxb Thông Tấn, Hà Nội, 2003.

2. Cảm ơn các bạn, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh

3. Cổng Thông tin tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh,

https://thehehochiminh.wordpress.com/2009/12/08/phbieugiamdocunescochauatbd_hoithao1990/

4. Báo Sài Gòn Giải Phóng onile, ngày 19-5-2015, https://www.sggp.org.vn/chu-tich-ho-chi-minh-trong-long-nhan-dan-an-do-250436.html

5. Geetesh Sharma: Bác Hồ – Thần tượng của tôi, Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, http://cis.org.vn/article/1635/bac-ho-than-tuong-cua-toi-phan-1.html

6. Trần Quân Ngọc: Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2013.