CHIẾC ÁO DÀI VÀ KÝ ỨC VỀ MẸ

altBộ sưu tập về chiếc áo dài có niên đại từ đầu thế kỷ 20 đến nay được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ lưu giữ rất đa dạng và sống động. Chiếc áo dài là loại trang phục truyền thống biểu trưng cho vẻ đẹp dân tộc. Trãi qua năm tháng, chiếc áo dài đã trở thành di sản trong tâm hồn người Việt với phong cách năng động, nhiều màu sắc, hoa văn và chất liệu. Có thể nói, sưu tập áo dài là bộ sưu tập đặc sắc, thể hiện đậm nét vai trò giới trong xã hội, về lịch sử văn hóa trang phục và phản ánh đặc sắc văn hóa Việt Nam. Sưu tập 150 hiện vật là những chiếc áo dài của phụ nữ khuê các chốn cung đình và những phụ nữ nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực: giáo dục, chính trị, kinh tế… Đặc biệt trong bộ sưu tập này là 25 chiếc áo dài của Mẹ Việt Nam anh hùng được gia đình các Mẹ trao tặng, khi bảo tàng thực hiện dự án “Nghiên cứu sưu tầm, trưng bày tư liệu về Mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Hồ Chí Minh” năm 2011. Sự độc đáo của những hiện vật này chính là những câu chuyện chưa được kể về các vùng quê miền Nam trong khói lửa chiến tranh, về vai trò quan trọng người vợ, người mẹ trong việc giáo dục hình thành nhân cách cá nhân, về gia đình Việt Nam nơi duy trì “nguồn gen” di truyền văn hóa.

Khuôn khổ bài viết này, giới thiệu về chiếc áo dài của Mẹ Nguyễn Thị Bâu (1918 – 1989) quê quán ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Mẹ được truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng ngày 17/12/1994. Mẹ sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở nông thôn, mồ côi cha từ nhỏ, phải đi ở cho địa chủ. Mẹ lập gia đình khi mới 17 tuổi, sinh được 5 người con. Mùi nắng, mùi đồng ruộng, mùi mồ hôi nhọc nhằn quyện lấy những năm tháng của cuộc đời Mẹ. Ngày tháng của Mẹ lặng im như khúc sông trước nhà và nổi bão giông khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, Mẹ trở thành đội viên đội du kích xã, cùng chồng đào hầm nuôi giấu cán bộ ngay chính trong ngôi nhà thân thương của mình.

Năm 1953, chồng của Mẹ – ông Bùi Văn Ón là chủ tịch xã Phước Vĩnh An, bị Tây phục kích bắn chết trong một trận càn. Chồng chết, Mẹ đêm nào cũng thắp nhang lên bàn thờ. Mỗi lần nhắc đến chồng là Mẹ chậm nước mắt rồi Mẹ lại tất tả cho những buổi chợ sớm. Mẹ im lặng vào những chiều nhóm bếp. Mẹ liêu xiêu những đêm tối ngồi trò chuyện cùng cha. Gạt nước mắt, Mẹ tích cực tham gia hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ với nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thuốc men…cho du kích, gây dựng cơ sở bí mật. Nhà Mẹ là nơi hội họp của bộ đội, du kích xã, Một mình với bao khó khăn, nguy hiểm, nhưng Mẹ vẫn kiên quyết bám trụ. Biết gia đình Mẹ là gia đình cách mạng, bọn địch đã nhiều lần hăm dọa, buộc Mẹ phải dời nhà nhiều lần. Đi đâu, ở đâu Mẹ cũng một lòng với cách mạng. Tẩn tảo, đảm đang một mình Mẹ lo toan cuộc sống nuôi dạy các con. Vì con Mẹ sẵn sàng băng qua cả vạt rừng bị bom tàn phá, khô cằn không có sự sống, nắng gió buốt thịt da. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, đến tuổi trưởng thành hai người con trai của Mẹ đều xung phong lên đường nhập ngũ. Liệt sĩ Bùi Văn Món, tham gia du kích xã Tân Phú Trung, hy sinh năm 1962 khi lọt vào ổ phục kích của địch. Năm 1969, liệt sĩ Bùi Văn Buổi, cán bộ an ninh huyện hy sinh trong một chuyến công tác tại xã Phú Hòa Đông. Các con gái của Mẹ là Bùi Thị Xởi và Bùi Thị Cho trở thành giao liên kiên cường từng bị bắt giam tại Tổng nha cảnh sát Sài Gòn sau Tết Mậu Thân. Mẹ phải gồng đôi vai chịu đựng những sức nặng vô hình mà chính bản thân Mẹ cũng không muốn cho ai nhìn thấy với những tiếng thở dài se đêm trên cánh đồng hun hút gió. Chưa lúc nào trong cuộc đời Mẹ lại thấy trái tim mình đau đớn. Mọi thứ như bị nghiền nát vỡ vụn. Trở thành người Mẹ trong ngôi nhà cách mạng, Mẹ đón nhận vị ngọt hạnh phúc từ những điều giản đơn như những sớm thức giấc chuẩn bị bữa sáng hay những đêm nhìn con ngủ. Khi nghe tin con hy sinh, trong đầu Mẹ vang lên những tiếng thì thầm. Thanh âm không rõ ràng nhưng mỗi lúc một khuếch đại khiến trái tim đau như búa bổ. Nhưng Mẹ vẫn cười cái cười hiền lành, cái cười mong đợi, lầm lũi với đám rau vườn, ngày đêm thắp nhang vái trời Phật phù hộ. Mẹ sống bằng ký ức và những đứa con làm nên hy vọng không biết bao nhiêu mùa tóc bạc.

altKỷ vật của Mẹ để lại là chiếc áo dài do cô gái út may tặng (số đo: dài áo: 122cm; dài tay: 49cm; rộng áo: 55cm; rộng tay: 9cm) và cô con gái thứ 3 (bà Bùi Thị Lởi) trao tặng cho bảo tàng. Áo may bằng vải mỏng màu nâu, in hoa lá màu đen, cổ áo cao 3cm, hai tay áo dài may nối ở giữa, cửa tay hẹp, 11 bộ nút bấm bằng kim loại cài bên phải, áo không chít ben. Mẹ thường mặc áo này vào các dịp lễ tết. Đây không chỉ là kỷ vật của Mẹ mà còn là kỷ vật được thực hiện nơi chiến trường khói lửa của người con gái gửi đến Mẹ với tất cả sự yêu thương và đó cũng là dấu ấn khó quên của bao người phụ nữ ở vùng đất thép.

Có thể nói chiếc áo dài của Mẹ Nguyễn Thị Bâu giờ đây đã trở thành di sản không chỉ gắn bó với chủ thể văn hóa mà còn hòa quyện vào không gian nhân văn, nơi chúng được sáng tạo và đang hiện diện trong đời sống đương đại của cộng đồng. Điều đó có nghĩa là chiếc áo dài đã hàm chứa những nhân tố mang tính lịch sử, được bảo lưu và chuyển giao qua nhiều thế hệ. Các thế hệ kế tiếp nhau thừa hưởng các giá trị di sản văn hóa do Mẹ để lại và có trách nhiệm phát huy những điều tốt đẹp, tinh hoa nhất và đó cũng chính là sự nghiệp giáo dục truyền thống mà Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ chuyển đến cộng đồng.

Lê Thị Hồng Nga

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ