Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng – Di sản văn hóa cho đời sau

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau, hậu quả của chiến tranh vẫn đọng lại. Trong chiến tranh, những người mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân và những gì yêu quý nhất của mình. Những người chồng, người cha, người con, người cháu yêu thương của các mẹ đã ra đi vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Có thể nói, chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng giờ đây đã trở thành di sản văn hóa truyền thống yêu nước của người Việt Nam.

 Những chứng nhân lịch sử

Qua 17 đợt phong tặng và truy tặng, TPHCM có tổng cộng 2.086 Mẹ Việt Nam anh hùng, tuy nhiên hiện tại chỉ còn 165 mẹ còn sống. Qua thời gian, con số này vơi dần, thế nên, khi dự án Nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày tư liệu về Mẹ Việt Nam anh hùng TPHCM vừa hình thành đã nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo TPHCM và sự đồng tình của rất nhiều ban ngành.

Nhằm xây dựng một kho tư liệu khoa học về mẹ Việt Nam anh hùng TPHCM như lưu giữ lại những di sản văn hóa cho đời sau và góp phần phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã nỗ lực hoàn tất dự án đầy ý nghĩa này. Bảo tàng đã phải chạy đua với thời gian, bởi các mẹ Việt Nam anh hùng phần đông tuổi đã cao, sức yếu. Chậm ngày nào mất mát thêm nhân chứng sống ngày ấy.

Qua 6 tháng sưu tầm, ghi chép chuyện kể, đến nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã thu nhận được 1.256 hiện vật, tư liệu và hình ảnh chân dung của 1.824 Mẹ Việt Nam anh hùng tại TPHCM. Việc bảo lưu và gìn giữ những giá trị truyền thống về các mẹ là sự tri ân và trân trọng những bản sắc văn hóa dân tộc rất có giá trị xã hội và nhân văn.

Chuyên đề trưng bày “Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng TPHCM” nhằm mục đích truyền đạt tinh thần và phát huy di sản văn hóa truyền thống trong nhân dân, tuyên truyền rộng rãi đến sinh viên học sinh những cống hiến của phụ nữ Việt Nam cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Bình dị và anh hùng

Mẹ Việt Nam anh hùng là điển hình cho sự hy sinh cao cả về khát vọng tự do, hạnh phúc của một dân tộc anh hùng. Trong hai cuộc kháng chiến, khu vườn nhà mẹ là hầm bí mật, mẹ cùng chồng, con nuôi giấu cán bộ, du kích, bộ đội. Với gánh hàng rong trên vai, mẹ xuôi ngược khắp phố phường, vừa buôn bán, vừa nắm bắt thông tin, vừa làm liên lạc cho cách mạng. Mẹ tiếp tế từng nắm cơm, cái bánh, từng củ khoai cho cán bộ chiến sĩ… Những câu chuyện ấy sẽ được chính các mẹ kể lại với các bạn trẻ.

Sống động hơn, những hiện vật từng một thời gắn bó với các mẹ cũng sẽ được giới thiệu khá đầy đủ trong chuyên đề. Đó là chiếc nồi đồng mẹ dùng nấu cơm, đun nước hàng ngày tiếp tế cho chồng con đánh giặc; là ô trầu, ống ngoáy mẹ dùng suốt cả đời con gái cho đến ngày mẹ mất; là lọ hoa mẹ nhang khói cho chồng con đã hy sinh; là khay hấp bánh mẹ làm kế sinh nhai nuôi cả gia đình và tiếp tế cho bộ đội. Tất cả làm nên chân dung của những người mẹ Việt Nam giàu lòng nhân ái, yêu nước thiết tha, bình dị bao dung và rất đỗi anh hùng.

Với hơn 100 hình ảnh và 600 hiện vật, chuyên đề trưng bày chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng TPHCM là cầu nối giữa truyền thống và hiện tại, là hình ảnh sáng ngời của các mẹ giỏi việc nước đảm việc nhà để chồng con yên tâm đánh giặc.

                                                                              Minh An (Báo SGGP)