BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG GÓP PHẦN SÁNG LẬP BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

Bà Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt (1908 – 1996), bà sinh tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trước là tỉnh Mỹ Tho) trong một gia đình nông dân nghèo. Từ năm 20 tuổi, bà đã giác ngộ lí tưởng cách mạng, tham gia tổ chức Nông hội ở Long Hưng với nhiều hoạt động được đông đảo nông dân nghèo ủng hộ. Năm 1931, bà được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Từ đó bà lấy bí danh là Mười Thập, hay Nguyễn Thị Thập, sau đó thoát ly hoạt động phong trào, xây dựng cơ sở ở Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre, Sài Gòn… làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục nhân dân và phụ nữ xóa bỏ những hủ tục mê tín dị đoan, những lề thói lạc hậu, chống lại chế độ “ngu dân”.

Bà Mười Thập cùng với đồng chí Tám Cảnh (anh ruột của bà) và đồng chí Lê Văn Giác (chồng bà) thường xuyên tập hợp bí mật thanh niên tuyên truyền lý tưởng của Đảng, giai cấp và tội ác của thực dân xâm lược cùng bọn cường hào ác bá địa phương với hàng trăm thứ sưu cao, thuế nặng. Tháng 4 năm 1935, bà được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 5 năm 1935, bà bị Pháp bắt, bị kết án tù. Hết hạn tù, bà Mười Thập về quê bí mật tham gia hoạt động cách mạng, sau cuộc lãnh đạo nông dân biểu tình chống thuế ở xã Long Hưng, bà lại bị bắt giam nhưng đồng bào các xã Long Hưng, Long Định đã kéo tới giải thoát cho bà.

Năm 1940, bà Mười Thập tham gia Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tại tỉnh Mỹ Tho, chồng của bà- một chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp giam ngoài Côn Đảo từ năm 1930, vừa mới về đất liền đã tham gia cuộc khởi nghĩa. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, chồng bà bị bắt vào tháng 01 năm 1941 và bị Pháp xử tử hình.

Năm 1945, bà Mười Thập tham gia lãnh đạo nhân dân giành chính quyền tại tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) và năm 1946, bà được bầu là Đại biểu Quốc Hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 11 năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại Việt Nam, toàn quốc kháng chiến, Trung ương dời về chiến khu Việt Bắc. Lúc này, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, bà được phân công trở về miền Nam với nhiệm vụ đặc biệt là xây dựng và củng cố Đảng bộ Nam Bộ ngày càng vững mạnh. Năm 1947, bà được cử làm Đoàn trưởng Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, rồi Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam Bộ. Năm 1953, Trung ương điều động bà ra công tác tại chiến khu Việt Bắc. Hiệp định Genève được ký kết, bà được cử vào miền Nam để phổ biến việc thi hành Hiệp định đình chiến. Bà Nguyễn Thị Thập tập kết ra miền Bắc vào năm 1954, từ năm 1956 đến năm 1974 bà giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Năm 1955, bà được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu theo chính sách (năm 1980). Bà Nguyễn Thị Thập còn được Đảng và Nhà nước Việt Nam giao nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Đảng Đoàn phụ nữ kiêm Trưởng ban phụ vận Trung ương Đảng.

Gần 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng, bà Nguyễn Thị Thập luôn khắc phục và vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, không sợ hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Trên cương vị là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà cùng với tập thể lãnh đạo đề ra những chủ trương chỉ đạo sáng tạo, phù hợp với tình hình của đất nước, tổ chức nhiều hoạt động, nhiều phong trào thi đua sôi nổi của phụ nữ thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, đặc biệt là phong trào phụ nữ “Năm tốt” và phong trào “Ba đảm đang” có sức lôi cuốn toàn thể phụ nữ từ thành thị đến nông thôn hăng hái tham gia; trong đó, phong trào “Ba đảm đang” được đánh giá là cao trào cách mạng của phụ nữ, một mốc son trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và phong trào phụ nữ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thập còn là một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và có nhiều sáng kiến về công tác tổ chức cán bộ. Dưới sự lãnh đạo của bà, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã bám sát thực tiễn hoạt động, lựa chọn đúng những vấn đề cốt lõi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phong trào phụ nữ để có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết được các vấn đề cấp bách của phong trào phụ nữ như đổi mới phương thức chỉ đạo, cơ chế phối hợp, tổ chức bộ máy cấp Hội cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội (đặc biệt là cán bộ Hội cơ sở).

Trong thời gian giữ trọng trách là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thập đã đóng góp tiếng nói của Hội phụ nữ – đại điện cho giới nữ vào việc sửa đổi Hiến pháp (1960) và xây dựng một số văn bản luật trong thời kỳ này. Đồng thời, bà đã dành nhiều thời gian để đến với các cấp Hội, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ để kiến nghị với Đảng và Nhà nước xây dựng Luật về Hôn nhân và Gia đình cho phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa, thực hiện nam nữ bình đẳng. Đặc biệt, việc bà chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả quá trình tham gia của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vào việc xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Quốc hội xác định những nội dung cơ bản của đạo Luật này. Các hoạt động tuyên truyền thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình của Hội Phụ nữ đã góp phần tạo nên sức mạnh cho toàn xã hội và đẩy mạnh sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Liên tục từ khóa I đến khóa VI, bà Nguyễn Thị Thập được bầu vào Quốc hội và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI. Năm 1985, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam và danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Sau những ngày đất nước giải phóng, năm 1982 bà Nguyễn Thị Thập cùng 12 cán bộ nữ lão thành cách mạng hình thành nên Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ với nhiệm vụ tổng kết phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến và gom góp sưu tầm hiện vật để bảo quản, giới thiệu cho các thế hệ mai sau về vai trò và những đóng góp của phụ nữ trong hai cuộc kháng chiến. Bằng trách nhiệm và tình thương dành cho phụ nữ thế hệ mai sau, Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ đã cho ra đời cuốn sách “Phụ nữ Nam Bộ thành đồng” và khánh thành Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ vào năm 1985, tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày nay.

Năm 1996 do tuổi cao sức yếu, bà mất tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 88 tuổi. Theo di nguyện của bà, gia đình đã an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Tiền Giang, bên cạnh mộ chồng.

Cuộc đời bà Nguyễn Thị Thập là một huyền thoại sống về người phụ nữ Việt Nam, một trong số những người con ưu tú nhất của Nam Bộ thành đồng Tổ quốc, là vợ liệt sĩ hy sinh trong khởi nghĩa Nam Kỳ, mẹ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, nhưng bà đã gương mẫu động viên người con trai thứ hai vào Nam chiến đấu và anh cũng đã hy sinh anh dũng.

Cuộc đời hoạt động và những đóng góp của bà Nguyễn Thị Thập cho kháng chiến đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam Bộ. Tên bà được đặt cho các đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Mỹ Tho và một số thành phố khác.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 10 năm 2018

Nguyễn Thị Kim Voanh

(Viên chức phòng Tuyên truyền – Thuyết minh – Thư viện)

Tour 360° Tour 360° 360 Tour