Tháng năm 1940, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ phát hành “Đề cương chuẩn bị khởi nghĩa”. Tháng 7/1940, tại xã Tân Hương, ấp Tân Thuận (Mỹ Tho) mở Hội nghị đại biểu các tỉnh, thành toàn Nam Bộ để nhận định tình hình và xem xét sự chuẩn bị đến đâu. Hội nghị nhận định rằng, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng lên cao hơn, lan rộng hơn trước. Các tổ du kích phát triển từ ngày phát hành “Đề cương chuẩn bị khởi nghĩa” trong nhiều tỉnh như: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Rạch Giá… mỗi xã có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích, trang bị thô sơ nhưng có học chiến thuật đánh du kích.
Hội nghị giao quyền quyết định ngày giờ cho Thường vụ Xứ ủy. Hội nghị còn nhất trí cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc dự Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng tháng 11/1940 và xin Chỉ thị của Trung ương để chủ trương khởi nghĩa. Song Chỉ thị hoãn khởi nghĩa của Trung ương chưa tới nơi thì ở nhà cuộc khởi nghĩa đã nổ ra bắt đầu từ nửa đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23/11/1940. Theo kế hoạch vạch sẵn thì khởi nghĩa phải nổ ra trước hết ở Sài Gòn, đèn điện tắt và tiếng súng nổ sẽ là hiệu lệnh cho các quận, các tỉnh chung quanh thành phố đồng thời nổi dậy. Các tỉnh xa thì như kế hoạch đã định. Nhưng kế hoạch khởi nghĩa ở Sài Gòn không thực hiện được vì chiều ngày 22, các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa bị bắt, không kịp truyền lệnh xuống đơn vị cơ sở.
Xung quanh Sài Gòn, có nơi nghĩa quân thấy đèn điện không tắt, không có tiếng súng nên rút êm. Có những nơi vẫn tổ chức khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra rất mãnh liệt ở Hòn Khoai (Cà Mau); Cần Giuộc, Đức Hòa (Chợ Lớn), Châu Thành, Cai Lậy (Mỹ Tho); Vũng Liêm (Vĩnh Long), Hòa Tú (Sóc Trăng)… ở những nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa thì phụ nữ làm liên lạc, tiếp tế, cứu thương cùng tham gia vũ trang cướp chính quyền. Nhiều chị đã trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Từ sau khi Pháp chiếm đóng Nam Kỳ lục tỉnh, chưa có cuộc khởi nghĩa nào rộng lớn như cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940.
Cuộc khởi nghĩa ở quận Cần Giuộc (tỉnh Chợ Lớn) cũng do một phụ nữ lãnh đạo. Đó là bà Nguyễn Thị Bảy – một nông dân nghèo, mồ côi mẹ, làm nghề đốn củi ở Rừng Sác để kiếm sống. Chồng bà cũng là người đốn củi ở Rừng Sác. Cả hai đều tham gia cách mạng, đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản. Cả hai đều đi vận động nông dân đấu tranh đòi tăng tiền công cấy, công gặt, giảm lúa ruộng, bớt lúa lời. Nông Hội, Hội tương tế mọc lên từ Phước Lại lan ra các xã gần bên là Long Đức Đông, Long Hậu Tây, 3 xã này sớm nổi tiếng là “Khu vực đỏ”.
Do công tác giỏi nên bà Nguyễn Thị Bảy được vào Quận ủy Cần Giuộc rồi vào Tỉnh ủy Chợ Lớn. Khi chuẩn bị khởi nghĩa thì Bà được phân công chỉ đạo các lực lượng cách mạng ở “Khu vực đỏ” Cần Giuộc. Thời giờ ước hẹn khởi nghĩa bắt đầu là nửa đêm ngày 23/11/1940, khi đèn điện Sài Gòn – Chợ Lớn tắt. Các lực lượng khởi nghĩa đã sẵn sàng, tuy súng ít nhưng bên ta có đông đảo nhân dân và tinh thần cao của các chiến sĩ vũ trang với dao mác, tầm vông sẵn sàng xông lên. Đèn Sài Gòn – Chợ Lớn vẫn cháy, quân ta ở vùng Phú Lạc, Phong Đước gần thành phố chờ mãi mà không nghe thấy hiệu lệnh nên rút êm. Còn ở khu vực do bà Nguyễn Thị Bảy phụ trách thì anh chị em ta cứ xông vào chiếm đồn lấy súng, phá tề, lập chính quyền cách mạng. Từ ngày 23 đến ngày 26, ta làm chủ tình hình.
Đến ngày 27 thì Pháp đưa lính lê dương xuống đàn áp, đốt nhà, bắt người, giết dân. Du kích do bà Nguyễn Thị Bảy chỉ huy đánh địch suốt 15 ngày. Nhưng không bắt được liên lạc với cấp trên nên rút về Rừng Sác để bảo tồn lực lượng. Rút đi, nhưng lực lượng du kích vẫn chia nhau đánh công sở, phá tề, phục kích địch ruồng bố, giải tán các đám cướp, duy trì và củng cố cơ sở cách mạng của xã, ấp. Ngày 26/12/1940, vào lúc 15 giờ, Bà Nguyễn Thị Bảy gặp địch phục kích trên đường đi công tác về gần bến đò Rạch Dừa và bị bắt trong lúc tay đang cầm vũ khí. Mặc dù bị địch tra tấn rất dã man, Bà Nguyễn Thị Bảy đã lấy máu mình bôi vào bọn lính và nói: “Tôi muốn bôi máu tôi lên áo các người để các người thấy tôi cũng như các người, cũng là dân đen, máu đỏ, da vàng như nhau, là người Việt Nam như nhau”. Bà Nguyễn Thị Bảy bị tòa án quân sự xử tử hình. Pháp đem Bà về xử bắn tại sân bóng Cần Giuộc.
Sáng ngày 5/4/1941, đồng bào chợ Cần Giuộc xôn xao, kẻ sợ, người xót xa, không mua bán gì được vì hôm đó có tin xử tử Bà Nguyễn Thị Bảy và 4 đồng đội. Đồng bào đi xem rất đông, lính mã tà giữ trật tự. Bốn xe đến, xe đầu chở Cò Tây, xe kế chở lính, một số là lính lê dương, xe thứ ba chở 5 người bị xử tử và xe thứ tư chở 5 cái hòm. Ông chủ quận Phan Văn Chương chứng kiến cuộc xử tử. Bà Nguyễn Thị Bảy, mặc bộ đồ lĩnh đen, đội khăn bông trắng, bình tĩnh xuống xe, hai tên sen đầm đưa Bà đến cột bắn. Hai mươi lăm tên lính, một hàng quỳ, một hàng đứng, sẵn sàng bóp cò. Linh mục đến xin rửa tội, Bà Nguyễn Thị Bảy lắc đầu không nhận. Hỏi có nhắn gì gia đình không? Bà chỉ nói với đồng bào Cần Giuộc: “Đồng bào hãy tiếp tục đấu tranh đánh đế quốc Pháp giành lại độc lập dân tộc. Kỳ này khởi nghĩa thất bại, kỳ sau nhất định thành công”. Địch bịt mắt, Bà không cho bịt, nói là để ngó thẳng vào nòng súng của quân thù, không một chút sợ sệt. Tây tà, bọn hội tề gọi là bà “Hoàng hậu đỏ”. Nhân dân Cần Giuộc, Phước Lại gọi bà là “Bà cố Hỷ”, linh thiêng, tài giỏi, vì lúc còn sống, bất cứ nhiệm vụ khó khăn nào Bà cũng thực hiện được.
Khởi nghĩa Nam kỳ nói chung và khởi nghĩa Nam Kỳ ở Cần Giuộc do Bà Nguyễn Thị Bảy lãnh đạo tuy không đạt được thắng lợi như mong muốn nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là một tấm gương sáng chói về tinh thần kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam. Qua trận thử lửa này, quần chúng càng gắn bó với Đảng, càng tôi luyện chí khí cách mạng, củng cố nhận thức: Con đường sống duy nhất của dân tộc là phải dùng bạo lực cách mạng đập tan bạo lực phản cách mạng của bọn đế quốc và phong kiến, giành lại độc lập tự do. Cũng từ cuộc khởi nghĩa này, hàng trăm cán bộ phụ nữ qua đấu tranh rèn luyện đã được cử vào các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh, huyện, xã và từng bước khẳng định vai trò của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 11 năm 2022
Phạm Thị Diệu
Phòng Hành chánh – Tổng hợp