Đối với mỗi bảo tàng, hiện vật và những câu chuyện đi kèm chính là linh hồn của bảo tàng. Để sưu tầm được hiện vật đã là khó, việc bảo quản, gìn giữ hiện vật còn khó hơn rất nhiều, đặc biệt là những hiện vật bằng kim loại. Công tác bảo quản trị liệu trong bảo tàng là một hoạt động quan trọng nhằm hạn chế sự xuống cấp của các hiện vật do tác động của các yếu tố oxi hóa, ăn mòn, biến dạng, tác động của môi trường… Bảo quản trị liệu không chỉ dừng lại ở việc phòng ngừa mà còn bao gồm các biện pháp cụ thể để xử lý và phục hồi hiện vật, nhằm đảm bảo chúng được duy trì ở trạng thái tốt nhất.
Vì vậy, công tác bảo quản phòng ngừa và trị liệu cần phải thực hiện hết sức khoa học và thận trọng. Đối với mỗi hiện vật, tùy theo chất liệu và hiện trạng, sẽ sử dụng các phương pháp và quy trình bảo quản khác nhau. Với hiện vật kim loại, các phương pháp được áp dụng trong bảo quản xử lý phải đảm bảo tính khoa học và đáp ứng nguyên tắc tối quan trọng, đó là giữ được trạng thái gốc về kiểu dáng và tính đặc thù của hiện vật
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tiền thân là Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ nên hiện đang lưu giữ một số lượng hiện vật kim loại thuộc các chất liệu vàng, bạc, đồng, sắt… trong đó hiện vật thuộc chất liệu sắt khá nhiều. Hiện vật sắt với tính chất dễ bị ăn mòn và hư hại theo thời gian, đòi hỏi một quy trình bảo quản và trị liệu cẩn thận và khoa học. Để bảo quản trị liệu một hiện vật thuộc chất liệu sắt cần thực hiện các bước như sau:
Hóa chất được dùng trong quá trình trị liệu: ethanol, aceton, axit tannic, Paraloid B72, nước cất.
Dụng cụ dùng trong quá trình trị liệu: Máy chụp ảnh, máy tính, máy sấy tóc, sổ ghi chép, thước đo các loại, cân trọng lượng, đèn pin, đèn để bàn, kính lúp, kính bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế, dụng cụ y tế, đồ bảo hộ, bông gòn, khăn mềm, khay đựng, máy hút bụi, bàn chải sát, giấy nhám, dụng cụ đánh ten, bếp từ, nồi inox, cọ các loại.
Bước đầu tiên, khảo sát, đánh giá tình trạng hiện vật trước khi thực hiện bảo quản
Trước hết, mỗi hiện vật cần được khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng. Quá trình này bao gồm việc ghi lại các thông số ban đầu như kích thước, trọng lượng, tình trạng bề mặt và các chi tiết khác cùng với việc chụp hình hiện trạng của hiện vật từ nhiều góc độ khác nhau. Các thông tin này là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp cho việc theo dõi và đánh giá hiệu quả của quá trình bảo quản. Nó cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình trạng ban đầu của hiện vật, xác định rõ tạp chất, các dạng hư hại và nguy cơ gây hư hại cho hiện vật. Các loại tạp chất và dạng hư hại ghi nhận được là:
- Quan sát kỹ bằng mắt thường thì thấy bề mặt các hiện vật bị ten rỉ nặng từng mảng làm tróc sơn, mờ chữ, ăn mòn làm cho khuyết lõm …
- Dùng kính lúp và đèn pin soi chiếu lên bề mặt hiện vật thấy lớp bụi mịn và các tạp chất bám dính trên bề mặt.
Lớp ten bám khắp bề mặt hiện vật
Lớp bụi mịn và tạp chất phủ khắp hiện vật
Bước 2, làm sạch hiện vật, loại bỏ các tác nhân gây hại
Sau khi khảo sát, hiện vật sẽ được làm vệ sinh cơ học. Bước này bao gồm việc làm sạch bề mặt hiện vật bằng các dụng cụ như bàn chải sắt, bàn chải nhựa, kết hợp với dung dịch nước cất và ethanol. Quá trình làm sạch này có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm loại bỏ hoàn toàn các vết bẩn và mảng rỉ sét bám trên bề mặt hiện vật. Đối với những hiện vật đã từng được bảo quản bằng nhớt, cần sử dụng nước rửa chén để tẩy sạch lớp nhớt trước khi thực hiện vệ sinh cơ học. Sau khi làm sạch rỉ sét, dùng máy hút bụi hút sạch các tạp chất đã được loại bỏ khỏi hiện vật.
Dùng bàn chải sắt loại bỏ ten, rỉ
Dùng máy hút bụi hút sạch tạp chất
Bước 3, dùng hóa chất vệ sinh bề mặt hiện vật sau khi làm sạch
Tiếp theo là quá trình vệ sinh bằng hóa chất. Hiện vật được làm sạch bằng ethanol và nước cất để loại bỏ các chất bẩn còn sót lại sau quá trình vệ sinh cơ học. Ethanol là một dung môi an toàn và hiệu quả, giúp loại bỏ các vết bẩn mà nước cất không thể làm sạch. Sau đó để hiện vật khô tự nhiên từ 24 -48 giờ
Cồn và nước cất
Dùng bình xịt cồn và cọ làm sạch
Bước 4, ức chế quá trình ăn mòn
Dùng dung dịch axit tannic pha với nước cất ấm tỷ lệ 2% (đối với các hiện vật làm từ chất liệu sắt), để xử lý quét nhiều lần lên bề mặt hiện vật (đối với hiện vật lớn) và ngâm ngập (đối với hiện vật kích thước nhỏ). Sau đó để hiện vật khô tự nhiên trong khoảng 24 – 48 giờ. Dung dịch này sẽ thẩm thấu giúp làm sạch bề mặt sắt và ngăn ngừa sự phát triển của rỉ sét trong tương lai. Quá trình này không chỉ giúp làm sạch hiện vật mà còn giúp bảo vệ bề mặt sắt khỏi sự oxi hóa. Việc sử dụng hóa chất cần được thực hiện cẩn thận và tuân thủ các quy định an toàn để tránh gây hại cho hiện vật cũng như người thực hiện.
Pha axit tannic và nước ấm tỷ lệ 2%
Quét axit tannic ức chế chống ăn mòn
Bước 5, Gia cố và bảo vệ hiện vật
Bước cuối cùng trong quy trình bảo quản là gia cố và tạo lớp màng bảo vệ hiện vật. Sử dụng Paraloid B72 kết hợp với axetol với tỷ lệ 10%, dùng cọ mềm quét đều lên phủ kín bề mặt hiện vật để tạo một lớp màng bảo vệ, sau đó để hiện vật khô tự nhiên từ 24 -48 giờ. Paraloid B72 là một loại nhựa tổng hợp có khả năng tạo màng trong suốt, giúp bảo vệ bề mặt hiện vật khỏi các tác động của môi trường. Tùy thuộc vào tình trạng và kích thước của hiện vật, có thể chọn phương pháp ngâm đối với những hiện vật nhỏ hoặc quét nhiều lần đối với những hiện vật có kích thước lớn. Lớp màng bảo vệ này không chỉ giúp bảo vệ hiện vật khỏi các yếu tố môi trường như độ ẩm, nhiệt độ, và ánh sáng… mà còn giúp duy trì tình trạng vật lý của hiện vật, đảm bảo chúng không bị hư hại thêm trong quá trình lưu trữ và trưng bày. Việc gia cố và bảo vệ hiện vật là một bước quan trọng để đảm bảo hiện vật luôn trong tình trạng tốt nhất, sẵn sàng cho các kế hoạch trưng bày và bảo tồn.
Sử dụng Paraloid B72 tỷ lệ 10% gia cố lớp màng bảo vệ
Hiện vật trước bảo quản
Hiện vật sau bảo quản
Hiện vật trước bảo quản
Hiện vật sau bảo quản
Hiện vật trước bảo quản
Hiện vật sau bảo quản
Hiện vật trước bảo quản
Hiện vật sau bảo quản
Bảo quản phòng ngừa hiện vật kim loại sau bảo quản trị liệu
Nguyên nhân chính hủy hoại hiện vật kim loại là oxy, độ ẩm và chất ô nhiễm trong không khí, do đó điều quan trọng là phải bảo quản, lưu giữ và trưng bày hiện vật trong môi trường có thể kiểm soát được những yếu tố trên.
- Tiếp tục phân kho bảo quản theo chất liệu kim loại, lưu giữ trong cùng một không gian, kích thước và loại hình hiện vật;
- Không đặt hiện vật bằng kim loại trực tiếp trên sàn nhà hoặc sát tường. Không nên bảo quản hiện vật kim loại ở tầng hầm vì môi trường độ ẩm cao;
- Để hiện vật kim loại tránh xa các vật liệu hút ẩm; gói hiện vật trong giấy mềm không axit; đặt hiện vật trong các hộp không axit;
- Bảo quản, trưng bày hiện vật kim loại trên giá kệ thép thay vì kệ gỗ, vì kệ thép cứng hơn và không sinh ra hơi độc hại. Gỗ ép công nghiệp hoặc gỗ tự nhiên có thể giải phóng ra khí formandehyde và hơi axit hữu cơ là những chất thúc đẩy quá trình ăn mòn.
- Khi trưng bày những hiện vật có chỗ khớp nối cần có giá đỡ, bởi vì những chỗ nối có thể không đủ khỏe để đỡ trọng lượng của một phần hay toàn bộ hiện vật.
- Không cho hiện vật vào túi nilon kín bởi vì độ ẩm trong túi tăng lên, tạo nên môi trường vi khí hậu ẩm ưa thích cho sự ăn mòn.
- Kiểm soát môi trường lý tưởng trong kho ở nhiệt độ 22 oC và độ ẩm ổn định từ 45 -55%, cường độ ánh sáng < 300lux hoặc giảm thời gian chiếu sáng bởi vì ánh sáng có thể gây bất lợi cho lớp màng phủ và những thành phần hữu cơ trên hiện vật.
Quy trình bảo quản và trị liệu hiện vật sắt là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và kiến thức chuyên môn cao. Mỗi bước trong quy trình đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì giá trị của hiện vật. Bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các bước trên, chúng ta có thể bảo vệ và gìn giữ các hiện vật quý giá, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa và lịch sử cho các thế hệ tương lai. Việc bảo quản hiện vật không chỉ là một nhiệm vụ chuyên môn mà còn là một trách nhiệm đối với di sản văn hóa của nhân loại. Nhờ có sự chăm chỉ và tận tâm của những người làm công tác bảo quản, các hiện vật sắt sẽ được bảo vệ và giữ gìn, mãi là chứng nhân lịch sử của một thời kỳ đã qua.
Tài liệu tham khảo:
- Khoa học bảo quản hiện vật bảo tàng và sinh vật gây hại, Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, phát hành năm 2022.
- Nguyễn Thị Hương Thơm 2023. Bảo quản hiện vật chất liệu kim loại tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 12 năm 2024
Nguyễn Đình Trung
Phòng Kiểm kê – Bảo Quản