Áo dài là một loại trang phục truyền thống của Việt Nam, do Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1744) quy định, định hình kiểu dáng và áp dụng cho toàn cõi ở Đàng Trong (từ Nam sông Gianh trở vào Nam). Kế thừa kiểu dáng trang phục từ các triều đại trước và sự kết hợp giữa Áo dài của dân tộc Chăm và trang phục Trường Sam (Xường Xám hay Sườn Xám) của Trung Quốc cho ra loại trang phục đặc trưng với tên gọi Áo dài ngũ thân hay áo dài năm thân. Chịu ảnh hưởng của Nho học, nên Áo dài năm thân chỉ có đúng 5 cúc áo tượng trưng cho 5 đức tính đó là Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín và có 5 thân áo (4 thân bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, 1 thân bên trong chính là người con). Áo dài ngũ thân có hai loại (tay thụng và tay hẹp), tuy áo nam và nữ có sự khác nhau nhưng không quá lớn, phần cổ áo nữ thường thấp chỉ có 2cm còn nam thì 4cm, tay áo cũng hẹp và ôm gọn vào tay. Phần viền tà của nữ cũng nhỏ hơn nam chỉ 2cm-2,5cm. Khi mặc chiếc Áo dài ngũ thân lên mình, thì người mặc luôn có một dáng vẻ của một đấng quân tử, mang trên mình đạo làm người không được làm những điều sai trái.
Để chuẩn hóa phong cách ăn mặc một cách thống nhất và để tạo nên sự khác biệt giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, “nhà vua đã ra chỉ dụ bắt buộc dân trong toàn cõi Đàng Trong phải nhất thiết mặc Áo dài Ngũ thân. Nếu ai không tuân thì bị trị tội nặng và quan lại địa phương cũng buộc chịu tội liên đới”[1]. Phụ nữ Đàng Ngoài mặc áo Tứ thân với váy đụp đen, còn Đàng Trong chúa Nguyễn đưa nhiều chỉ dụ để nhân dân toàn cõi mặc áo ngũ thân và quần hai ống, vô cùng khắt khe. Nên trong ca dao, tục ngữ Việt Nam khi nói về áo dài ngũ thân liền có nhiều câu như:
Tháng tám có chiếu vua ban
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Có quần ra quán bán hàng
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan.
Trải qua những năm tháng lịch sử của chế độ phong kiến, chiếc áo dài năm thân đã biến đổi theo những chiều hướng khác nhau. Đối với Nam giới thì nhu cầu sử dụng Áo dài năm thân trong thường nhật hầu như bị mờ nhạt hoặc đứt đoạn, người ta cho rằng nó không thuận tiện. Chúng ta hiếm thấy Nam giới sử dụng áo dài ngũ thân chỉ thấy trong các nghi thức thực hành tín ngưỡng và trên sân khấu hoặc trong các dịp lễ. Chúng ta thấy, sự xuất hiện kiểu áo hai thân vạt trước sau và hò con nối bên trong như kiểu dáng của “liền anh, liền chị” biểu diễn tiết mục dân ca quan họ hoặc loại áo dài cách tân hiện đại theo phom Vest của phương Tây có độn cầu vai. Chính vì vậy, số phận của áo dài ngũ thân Nam giới rất mờ nhạt trong đời sống thường nhật của người dân, dần dần nó đã dường như xa lạ, lạ lẫm đối với người Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với nữ giới thì áo dài năm thân đã có nhiều sự cải biến mới bởi những họa sĩ lúc bấy giờ và với sự thăng trầm qua các mốc lịch sử để có được chiếc Áo dài hiện đại, tiện lợi, phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam. Năm 1930, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã cải tiến áo dài mang một xu hướng mới với cách thiết kế nối vai, hai thân áo, tay bồng, vạt xéo, không cổ v.v… và nhiều kiểu dáng khác mang đậm phong cách phương Tây. Đây được xem là công cuộc cải cách Áo dài đầu tiên trong lịch sử áo dài, để phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội, điều kiện khí hậu, tiện lợi cho người mặc. Và sau này, trong các dịp lễ, tết, sự kiện hoặc là đối với học sinh Trung học vẫn sử dụng áo dài hiện đại một cách phổ biến. Khi nhắc đến áo dài thì bạn bè quốc tế nhớ ngay đến Việt Nam, đó được xem như là đặc trưng, bản sắc riêng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa với phương Tây đã làm xáo trộn văn hóa truyền thống Việt Nam, “Sau những phong trào cải lương nêu cao tinh thần đoạn tuyệt lạc hậu hướng tới văn minh, từ cuối thế kỷ XIX, song song với việc cắt bỏ búi tó, để răng trắng, không ít nam nữ người Việt, đặc biệt là giới trí thức Tây học đã dần đổi sang mặc trang phục châu Âu[2]”. Chúng ta tiếp nhận những yếu tố văn minh, tiến bộ như mặc áo sơ mi, quần tây, cắt búi tó, để răng trắng v.v… những tập quán tốt đẹp mà được toàn xã hội hưởng ứng. Tuy nhiên, trong quá trình hiện đại hóa, biến động xã hội, tiếp biến văn hóa, ta lại lãng quên chiếc Áo dài năm thân được xem là Quốc phục có tuổi đời trên 200 năm tuổi. Điều đáng mừng là thời gian gần đây Áo dài ngũ thân đã quay trở lại, bởi sự yêu thích từ các bạn trẻ với những nhiệt huyết, tìm tòi, nghiên cứu từ kỹ thuật may, chất liệu, hoa văn đến kiểu dáng v.v… Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay thì chiếc Áo dài ngũ thân có sự khác biệt so với những hiện vật gốc trước kia. Về kỹ thuật may, đa số thường thấy là áo thường được nhấn nhẹ phần eo, áo được may giảm bớt đi lớp vải lót trong để cho mát hơn. Màu sắc thì nhiều, chất liệu thì đa dạng hơn như: tơ tằm, Taffa, gấm, Lenin …
Sự trở lại của áo dài ngũ thân không chỉ là sự khôi phục một phần của di sản văn hóa, mà còn là sự kết hợp của truyền thống và hiện đại. Nhiều bạn trẻ hiện nay tìm thấy sự hấp dẫn trong kiểu dáng độc đáo và sự tỉ mỉ trong thiết kế, kỹ thuật may của áo dài ngũ thân. Họ không chỉ mặc nó trong các dịp lễ hội lễ tết hay sự kiện truyền thống mà còn mặc hàng ngày, từ sự kiện thời trang đến các buổi gặp mặt quan trọng, hay cả những buổi chụp hình kỷ yếu lưu niệm. Giới trẻ đang mặc áo ngũ thân một cách “linh động và lịch lãm” để phù hợp với bối cảnh hiện đại, nêu cao lên được tinh thần gìn giữ văn hóa truyền Việt Nam và lòng tự tôn dân tộc.
Ngày nay các bạn trẻ thường chọn áo dài ngũ thân cho ngày cưới là sự thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa phong cách cổ điển và hiện đại, tôn vinh giá trị văn hóa và thể hiện cá tính riêng trong ngày trọng đại. Thêm vào đó, áo dài ngũ thân có thể được thiết kế theo nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau, phù hợp với sở thích và phong cách của cô dâu, giúp họ cảm thấy tự tin và nổi bật trong ngày cưới của mình.
Áo dài ngũ thân được các bạn trẻ sử dụng trong ngày cưới-Ảnh sưu tầm
Đối với các bạn trẻ quan tâm đến áo dài ngũ thân, và muốn có cho mình những kỷ niệm đẹp với chiếc áo dài truyền thống, nhưng chưa biết chụp ở đâu, không biết bối cảnh như thế nào sẽ hợp. Chúng tôi xin chia sẽ đến bạn đọc gần xa không gian kiến trúc nhà cũ xưa của Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ, luôn được các bạn trẻ chú ý đến bởi nét đẹp cổ kính của tòa nhà. Bên cạnh đó, các bạn có thể tham quan, tìm hiểu qua hiện vật về Áo dài ngũ thân, lịch sử áo dài và còn nhiều chuyên đề khác.
Hình ảnh các bạn trẻ chụp ảnh Áo dài ngũ thân tại Bảo tàng phụ nữ Nam bộ (Hình ảnh sưu tầm)
Áo dài ngũ thân ở góc độ nào đó trở thành mô hình chung, là nguồn cảm hứng, nó đã đi trực tiếp vào tâm thức của những bạn trẻ yêu văn hóa nước nhà. Đây không chỉ là sự giao thoa văn hóa giữa truyền thống và hiện đại mà còn là sự kết hợp giữa văn hóa dân tộc và xu hướng toàn cầu. Áo dài ngũ thân xuất hiện rầm rộ nhất là 2 năm trở lại đây, mọi tầng lớp đều hưởng ứng. Trên các diễn đàn về cổ phục, giới trẻ cũng thường xuyên cập nhật kiến thức cho nhau để mặc đúng. Các diễn đàn này có sự tham gia của giới chuyên môn, hiểu biết về lịch sử y phục và những bạn trẻ có ý thức tự nghiên cứu.
Trải qua một sự hồi sinh đáng kể, Áo dài ngũ thân dần dần khẳng định được vẻ đẹp lịch lãm và đặc biệt đã đi sâu vào trong đời sống đông đảo mỏi người dân. Những ai hiểu biết về lịch sử nước nhà, lịch sử áo dài đều thấy vui mừng khi áo dài ngũ thân trở lại, nhất là khi các bạn trẻ đón nhận nhiệt tình. Chúng tôi đều có cách riêng để bảo tồn hay quảng bá văn hóa áo dài, nhưng điểm chung nhất là đều rất yêu là văn hóa Việt Nam. Áo dài ngũ thân không bị gò bó trong khuôn khổ của lễ hội hay những sự kiện văn hóa truyền thống nữa mà đã vươn mình ra khỏi những ràng buộc ấy để trở thành một phần của cuộc sống mới, từ những sự kiện nhỏ đến những sự kiện mang tầm quốc tế. Dễ dàng nhận dạng và định dạng được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.
Viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trong trang phục áo dài ngũ thân.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 8 năm 2024
Tiêu Văn Dể
Phòng Truyền Thông-Giáo Dục và Quan hệ Quốc Tế
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Trần Quang Đức, 2013, Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế Giới.
- Nội Các Triều Nguyễn, 1993, Khâm định đại nam hội điển sự lệ, Tập 6.
- CLB Đình Làng Việt, 2024, Áo dài truyền thống-hành trình trở lại, Nxb Thế Giới.
- Miên Thảo, 2021, Người xưa đã mặc như thế nào, Nxb Lao động.
[1] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, tr.tr.217.
[2] Trần Quang Đức, 2013, Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế giới. Tr.Tr 349