TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VÀ TINH THẦN QUỐC KHÁNH 2 THÁNG 9 BẤT DIỆT

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VÀ TINH THẦN QUỐC KHÁNH 2 THÁNG 9 BẤT DIỆT

Trong lịch sử hàng ngàn năm của mình, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử vàng trong sự nghiệp chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước; đó là những Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa…Trong những trang sử huy hoàng, vĩ đại ấy, Cách mạng tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là trang sử vẻ vang nhất, là sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.

1. Trong lịch sử Việt Nam, giai đoạn những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX là thời kì đen tối cùng cực của tiền đồ dân tộc. Một dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử và một nền văn hóa đặc sắc, một dân tộc của những anh hùng, triết gia, thi sĩ; dân tộc đã làm nên những chiến công hiển hách trong lịch sử; hậu duệ của những bậc anh hùng nổi tiếng: Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung…nhưng trong những năm tháng này đã phải chịu thảm cảnh đau thương của những năm dài nô lệ. Bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu đầu những người yêu nước đã rơi. Những năm tháng buồn đau ấy của đất nước, chí khí của các bậc sĩ phu, trí thức đương thời đã không thắng nổi dã tâm và vũ khí của quân thù.

Thuở nô lệ thân ta nước mất

Cảnh cơ hàn, trời đất tối tăm

Một đời đau suốt trăm năm

Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao

Giặc cướp hết non cao biển rộng

Cướp cả tên nòi giống tổ tiên

Lưỡi gươm cắt đất ngăn miền

Núi sông một khúc ruột liền chia ba (Tố Hữu)

Tất cả những khổ đau đã chất chứa trong lòng bao thế hệ tạo nên sức mạnh quật cường làm nên thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945.

2. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công với sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử oanh liệt hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc cách mạng vĩ đại này, nhân dân Việt Nam triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, của lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh đã nhất tề vùng lên với sức mạnh chuyển núi, dời sông đập tan mọi xích xiềng nô lệ, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nhà nước dân chủ cộng hòa, đưa người dân từ thân phận nô lệ trở thành người chủ thực sự của nước nhà. Với thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, nắm chính quyền toàn quốc”.

Tại quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 2 tháng 9 năm 1945, thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân và thế giới “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

3. Tuyên ngôn Độc lập trước hết là kết quả của biết bao hi sinh xương máu của các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Kể từ khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng cuối năm 1858 đến năm 1945 là gần 90 năm. Trong khoảng thời gian dài đằng đẵng ấy, máu xương của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã đổ xuống vì khát vọng độc lập dân tộc. Những nội dung cơ bản nhất của Tuyên ngôn là sự kế thừa những khát vọng của dân tộc đã được đề cập từ bản Yêu sách tám điểm năm 1919 mà Nguyễn Ái Quốc thay mặt chop những người Việt Nam yêu nước ở Pari gửi đến Hội nghị Versailles đòi quyền dân tộc và tự quyết của nhân dân Việt Nam. Tuyên ngôn kế thừa những nội dung cơ bản trong Chương trình Việt Minh năm 1941. Tuyên ngôn Độc lập kế thừa và phát triển đầy đủ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như đức hi sinh, lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất không chịu cúi đầu làm nô lệ. Đó là sự kế thừa những truyền thống tốt đẹp của ông cha mà điểm sáng chói là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; là trí tuệ và bản lĩnh văn hóa Việt Nam với khát vọng thiêng liêng nhất là đấu tranh để giành độc lập, thống nhất đất nước và giành lại những quyền cơ bản của con người: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lời trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Từ quyền của mỗi con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh suy ra quyền của mỗi dân tộc: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Vì vậy, “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Khẳng định những chân lí từ những bản tuyên ngôn lịch sử nổi tiếng của nhân loại để khẳng định chân lí của thời đại, khẳng định “những lẽ phải mà không ai chối cãi được” về những quyền thiêng liêng bất khả của con người, của các dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam.

75 năm đã qua, những giá trị của Tuyên ngôn độc lập vẫn chưa bao giờ cũ, đó là mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đó là bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, là bảo vệ quyền con người; tăng cường quan hệ đối ngoại vì hòa bình và lợi ích quốc gia, dân tộc. Năm tháng qua đi, nhưng tinh thần, giá trị của bản Tuyên ngôn bất hủ khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ vẫn sống mãi. Cùng với Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt (năm 1077), Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi (1428), Tuyên ngôn độc lập là áng “thiên cổ hùng văn” bậc nhất của lịch sử Việt Nam, là bản tuyên bố pháp lí, là áng văn lập quốc, là thành quả của biết bao hi sinh, mất mát của dân tộc Việt Nam suốt hàng trăm năm bị thực dân, phong kiến đô hộ. ​​​

​​Tp. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 8 năm 2020 ​

TS.Vũ Trung Kiên

Học viện Chính trị Khu vực II

Tour 360° Tour 360° 360 Tour