Ăn trầu là một tập tục phổ biến ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Đại Dương, dùng hỗn hợp lá trầu và cau. Tục ăn trầu có công dụng làm thơm miệng và là nghi thức xã giao cùng lễ nghi ở Nam Á và Đông Nam Á.
Miếng trầu xuất hiện nhiều trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Như người xưa đã nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, trầu dùng để mời khách đến chơi nhà. Mâm cỗ cúng gia tiên cũng không thể thiếu được miếng trầu. Tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui. Miếng trầu, còn là tượng trưng cho tình yêu lứa đôi; miếng trầu đi đầu, tác hợp cho lứa đôi và là sợi dây kết chặt mối lương duyên trai, gái thành vợ thành chồng. Để đưa mâm lễ sang thưa chuyện nhà gái, nhà trai không thể thiếu được lá trầu, quả cau. Người xưa ăn trầu còn là để bảo vệ hàm răng của mình, chất chát của trầu cau làm cho lợi răng co lại ôm sát lấy chân răng, làm hàm răng cứng chặt lại không lung lay. Còn trong y học cổ truyền người Việt Nam xưa đã dùng trầu cau như một thứ thuốc chống bệnh sốt rét rừng một khi vào rừng sâu săn bắn hoặc xuống biển mò ngọc trai, săn bắt đồi mồi…
Văn hóa ăn trầu, từ rất lâu đã trở thành một tập tục quen thuộc rất đặc trưng của Việt Nam. Và nếu như không tìm hiểu và khám phá những vùng đất mới, những nền văn hóa mới thì chúng ta nghĩ rằng, phong tục này chỉ có ở Việt Nam mà thôi, ít ai biết được rằng ở xứ Đài tục ăn trầu cũng là một trong những đặc trưng văn hóa riêng và nổi bật.
Nếu như việc ăn trầu ở Việt Nam chỉ dành cho những người già, đặc biệt ở khu vực phía Bắc, thì tại Đài Loan, việc nhai trầu lại trở nên phổ biến rộng rãi với tất cả mọi người, mà đặc biệt là những người nam giới đang trong độ tuổi lao động.
Có thể thấy tục ăn trầu ở Việt Nam ngày càng bị mai một và ít người sử dụng hàng ngày như xưa kia. Ngày nay, trầu cau ở Việt Nam chỉ được dùng như lễ vật đặc biệt không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp, cúng kiếng… Trong khi đó, ở Đài Loan lại sử dụng trầu cau hàng ngày rất nhiều và mục đích cũng như đối tượng sử dụng trầu cau khác hơn so với người Việt Nam. Vì sao cùng là những nước có tập tục ăn trầu như nhau nhưng giữa Việt Nam và Đài Loan sẽ có những điểm khác nhau như vậy. Cùng tìm hiểu những điểm tương đồng và khác biệt trong tục ăn trầu qua đó thấy tìm hiểu thêm đặc trưng văn hoá của hai đất nước này.
Trầu têm cánh phượng của người Việt. Ảnh: sưu tầm
1. Trầu cau trong văn hoá của người Việt và Đài Loan
1.1 Trầu cau trong văn hoá của người Việt
Ăn trầu là phong tục cổ xưa của dân tộc Việt Nam có từ thời các vua Hùng, cùng với tục nhuộm răng đen. Với người con gái Việt Nam xưa, vào tuổi dậy thì, biết ăn trầu để làm dáng, cho môi đỏ, má hồng một cách tự nhiên. Ngày nay để răng trắng, nhiều người không ăn trầu nữa, vẻ đẹp môi đỏ, má hồng, răng đen được thay bằng môi son, má phấn, răng trắng. Nhưng quan niệm về vẻ đẹp của con người ở mỗi dân tộc, mỗi thời đại đều có những nét chung không thể biến đổi.
Miếng trầu, làm cho người ta gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Miếng trầu cũng làm người ta ấm lên trong những ngày đông lạnh giá, làm nguôi bớt nỗi buồn khi nhà có tang. Miếng trầu còn là sự thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước cho nên trên mâm cỗ thờ cúng gia tiên của người Việt có trầu cau. Trong ngày tết luôn luôn có đĩa trầu cau trên các bàn thờ để cầu tài lộc cho năm mới. Cau thờ phải chọn trái cau xanh, to, cùi dày, vỏ mỏng. Trầu chọn lá trầu xanh, to không bị rách. Ngoài ra trầu cau còn để tiếp khách đến chúc xuân đầu năm.
Trong hôn nhân, trầu cau có một vai trò quan trọng. Trong lễ cưới, hỏi và mâm cỗ cúng tơ hồng – vị thần của hôn nhân, bao giờ cũng phải có buồng cau và tệp lá trầu. Người ta xem buồng cau có đẹp không, cuống lá trầu có tươi không mà ước đoán được rằng đôi lứa ấy có đẹp duyên không. Theo tục lệ, nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem trầu cau biếu hàng xóm và bà con nội ngoại. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên ăn được hay không cũng không ai từ chối. Trong hôn lễ hiện nay, trầu cau và vôi là lễ vật cầu hôn không thể thiếu. Mỹ tục này muốn nhắc nhở cô dâu và chú rễ phải biết quan tâm bảo vệ hạnh phúc gia đình, không chỉ hòa hợp đối với vợ hoặc chồng của mình, với gia đình mình mà còn gắng sức giữ gìn tình cảm tốt đẹp với gia đình chồng hoặc vợ.
Trầu cau còn đi vào giấc ngủ của con người từ ngày này qua năm khác và hiển nhiên đi vào cuộc sống sinh hoạt của người Việt bằng những câu ví, câu đố, ca dao, ngạn ngữ, tục ngữ dân gian, những câu hát trao duyên, câu hát mời trầu của trai gái. Bên cạnh những “vôi nồng”, “miếng trầu cánh phượng”, “cau bổ bốn bổ ba”, là những “trầu giải yếm giải khăn”, “trầu loan, trầu phượng, trầu tôi trầu mình” là những “trầu tính trầu tình”, “trầu nhân, trầu ngãi”… để rồi thành “trầu mình lấy ta”, “trầu nên vợ nên chồng”…
Trong mọi tình huống xã giao ở Việt Nam ngày xưa, ăn trầu là một nghi thức không thể thiếu. Mời người khác ăn trầu cũng đồng nghĩa với việc bày tỏ hảo ý muốn kết giao thâm tình, thậm chí trong sự tiếp xúc giữa nam và nữ mang ý nghĩa biểu lộ tình cảm và ước muốn gắn bó lâu dài. Trầu cau trở thành lễ vật cho mối lương duyên chồng vợ, cho các lễ nghi điển tiết lớn nhỏ, là tế phẩm trong cúng bái tổ tiên và thần linh. Ăn trầu cũng vì vậy trở thành phong tục cố hữu của người dân Việt Nam.
1.2. Trầu cau trong văn hoá của người Đài Loan
Trầu cau là một nét văn hoá của người Đài Loan trong hàng trăm năm qua. Vào thời kỳ đỉnh cao, cau còn được xem là “vàng xanh”, chỉ đứng sau gạo nên rất nhiều người kiếm sống bằng nghề trồng cau và bán trầu cau.
Người Đài Loan xem việc ăn trầu như một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Ăn trầu giống như uống trà vậy, họ có thể ăn bất cứ lúc nào, có thể là lúc sáng sớm, trưa nắng hoặc chiều tối mà không biết chán. Cũng như những đất nước khu vực Châu Á, Đông Nam Á khác, việc ăn trầu ở Đài Loan được nhiều người ưa chuộng và trở thành một trong những nét văn hóa độc đáo, thú vị.
Có lẽ việc ăn trầu và cách thức ăn trầu đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là các bạn có ông bà thích ăn trầu. Thì việc ăn trầu ở Đài Loan cũng vậy, khi ăn người ta tem miếng trầu rất cẩn thận sao cho thật đẹp, thật vừa vặn, vừa đủ một lần ăn của mình. Cau được cắt thành miếng, trộn với vôi từ vỏ sò và bọc trong lá trầu ngay ngắn, cẩn thận. Khi ăn, người ta thường nhai từ từ để cảm nhận được hết vị cay, thanh của cau và trầu quyện lại, món ăn này tuy không có gì hấp dẫn, nhưng nó đã trở thành một nét văn hóa độc đáo khiến nhiều người thích thú khi trải nghiệm du lịch Đài Loan.
- Ảnh hưởng của trầu cau trong đời sống của người Việt Nam và Đài Loan
2.1 Tích cực
Việc ăn trầu không chỉ là một trong những cách thức để thư giãn, mà nó còn là bài thuốc quý giúp kích thích hệ thống tiêu hóa để mọi người có cảm giác ăn ngon miệng hơn. Theo nghiên cứu cho thấy, tác dụng kích thích thần kinh của việc nhai trầu có thể mạnh gấp nhiều lần so với một cốc espresso và tương đương với việc sử dụng chất kích thích amphetamine.
* Ăn trầu không chỉ là một đặc trưng văn hóa, mà nó còn mang lại những lợi ích sức khỏe rất thú vị:
+ Ăn trầu giúp hệ thống tiêu hóa tốt
+ Dùng lá trầu để đánh gió, trị cảm mạo bằng cách vò nát lá trầu không trộn với rượu bọc vào miếng vải chà xát hai bên sống lưng.
+ Dùng trị mụn nhọt bằng cách vò nát, đắp quanh mụn nhọt hoặc nấu nước tắm trị rôm sẩy, ghẻ ngứa. Trị bệnh viêm chân răng do chất Polyphenol kháng khuẩn, diệt các tụ cầu, trực khuẩn coli.
+ Có tính hạ khí, hành thuỷ thông đại tiểu trường. Dùng quả cau chữa các chứng trương tích, chướng khí, tạ hạ và sát trùng. Vỏ cau trị thuỷ thũng, lợi tiểu. Hạt trị giun sán, bụng đầy chướng, tả lỵ. Người có bệnh thuộc “hư chướng” không nên dùng quả cau, nếu dùng lầm có thể hại nguyên khí, hại ngầm cả âm huyết.
+ Trong quả cau có nhiều tanin, alcahoit, arecolin. Hạt cau làm tê liệt thần kinh giun, sán, giun sán không bám vào thành ruột được mà bị đẩy ra ngoài. Dùng hạt cau trị giun sán phối hợp với thuốc khác, arecolin còn có tính làm chậm nhịp đập của tim.
+ Người ăn trầu không lo bị rối loạn tim mạch, ăn trầu còn có tác dụng kích thích sự tiêu hoá, góp cho dịch vị và dịch tràng tiết ra nhiều hơn. Những người ăn trầu, ít bị đầy chướng, không ợ hơi, sình bụng và táo bón. Người ăn trầu, ít bị nhiễm trùng đường ruột. Ăn trầu có tác dụng bảo vệ hàm răng. Lá trầu có tính sát trùng làm chắc chân răng, không bị viêm sưng.
+ Chất chát của cau làm cho chân răng co lại, ôm sát chân răng cho hàm răng chắc, không lung lay. Nhai trầu chính là động tác luyện tập cho răng tốt hơn. Hạt cau có tính trị giun nên ăn trầu ít bị nhiễm trùng đường ruột và ký sinh trùng đường ruột
2.2 Tiêu cực
Ăn trầu là một thói quen có từ rất xưa, hiện nay vẫn còn phổ biến ở những người cao tuổi. Không ít người quan niệm nhai trầu sẽ khiến răng miệng thơm tho, sạch sẽ nên họ thường không đánh răng. Bên cạnh việc ăn trầu mang lại những lợi tích cực như: đen răng, thư giãn, tốt cho tim mạch thì việc ăn trầu còn có những tác hại đáng kể. Theo tổ chức y tế thế giới WHO thì trầu là một loại thuốc kích thích thần kinh được sử dụng nhiều thứ tư trên thế giới, chỉ đứng sau thuốc lá, đồ uống có cồn và đồ uống chứa caffein. Ngoài ra, việc ăn trầu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Cụ thể, theo Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế, những hóa chất chính trong lá trầu có thể làm tăng tỷ lệ ung thư miệng gấp 8,4 lần so với người không ăn trầu, và nếu ăn kèm với thuốc lào thì tỷ lệ ấy có thể tăng lên tới 9,9 lần.
Ngoài những vấn đề về răng miệng, người cao tuổi cũng thường dễ mắc các bệnh lý về hô hấp, bộ máy hô hấp bao gồm từ mũi, miệng, thanh quản, khí quản, phế quản, phế nang. Bệnh có thể xảy ra ở bất kì phần nào nên có rất nhiều bệnh hô hấp. Một số bệnh về hô hấp thường gặp ở người cao tuổi như: Bệnh viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Khi người cao tuổi có các biểu hiện nghi ngờ cần đến điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán chính xác cũng như xác định các bệnh căn bản kèm theo để có hướng điều trị thích hợp. Thời điểm điều trị càng sớm và thích hợp thì khả năng hồi phục cũng như giảm đi tỷ lệ tử vong càng nhiều.
- Kết luận
Hiện nay, ở Đài Loan và Việt Nam việc ăn trầu không còn phổ biến như trước nữa. Người ta chỉ ăn trầu cau trong một số dịp đặc biệt, quan trọng. Do vậy, mặc dù đã có phần bị mai một, nhưng đây vẫn là một trong những nét văn hóa đẹp đặc trưng của hai nước Việt Nam và Đài Loan cũng như các nước Đông Nam Á.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 9 năm 2023
Nguyễn Thị Kim Voanh
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Việt Cúc. ( 1987). Gò Công cảnh cũ người xưa. Quyển nhì
- Nguyễn Ngọc Chương. ( 1989). Trầu Cau – Việt Điện Thư. Hà Nam Ninh: NXB Văn hóa Thông tin Hà Nam Ninh.
- Trần Quốc Vượng. (2003). Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm. Hà Nội: NXB Văn học.
- Trần Ngọc Thêm. Tái bản (3/2000). Cơ sở văn hóa Việt Nam. Hà Nội: NXB Giáo dục.