Anh hùng LLVTND Lê Thị Trung, sinh năm 1946, tại xã căn cứ 57, thuộc xã Bình Chuẩn, huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Vào đầu năm 1964 (tháng 02/1964), năm bà vừa tròn 18 tuổi, sớm tiếp thu truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng của quê hương, bà đã thoát ly gia đình nhập ngũ vào lực lượng vũ trang địa phương và vào căn cứ cách mạng để hoạt động. Hồi đó địch tập trung đánh phá ác liệt các xã vùng ven nhằm mục đích ổn định sào huyệt của chúng ở thị trấn Lái Thiêu.
Từ cuối năm 1964 đến năm 1967, bà được cấp uỷ huyện Lái Thiêu điều động về bổ sung cho đội công tác xã Bình Nhâm để từng bước khắc phục mặt yếu của phong trào ba mũi giáp công (đấu tranh chính trị, binh vận và đấu tranh du kích). Sau đó, bà được cấp uỷ điều động về làm chính trị viên Huyện đội và nhận nhiệm vụ đặc biệt; đó là, thành lập trung đội pháo binh của huyện gồm 21 thanh nữ do bà Lê Thị Trung làm trung đội trưởng kiêm chính trị viên bí thư chi bộ.
Với nhiệm vụ và trách nhiệm nặng nề, bà nhiều đêm phải trăn trở và suy nghĩ: “Làm sao để chị em được mạnh khoẻ và hiểu mà tham gia phong trào nữ pháo binh? Lấy gì để nuôi quân và vũ khí đâu để mà đánh giặc?”. Bà trình bày những băn khoăn của mình với huyện uỷ để xin phương hướng chỉ đạo. Bà lặn lội đến các xã để vận động các chị em có sức khoẻ cùng tham gia đội, được các đội công tác xã bổ sung quân và san sẻ lương thực. Không bằng lòng với kết quả ban đầu đó, bà tiếp tục bám vào dân để có lương thực dự trữ và vũ khí chiến đấu lâu dài. Bà thuyết phục và dẫn đầu chị em vượt qua bom đạn, băng qua đường rừng hàng trăm cây số đến tận căn cứ tỉnh Phước Long để tiếp nhận vũ khí.
Đến cuối năm 1967, xã Bình Nhâm đã có nhiều cơ sở và lực lượng du kích mật. Vì vậy, đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, xã Bình Nhâm là nơi dừng chân của bộ đội tiến công vào thị trấn Lái Thiêu. Với chiến công xuất sắc ấy, bà vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng.
Ngày 31/01/1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy bắt đầu tại Lái Thiêu, Trung đội nữ pháo binh cùng với đại đội 63 địa phương đã anh dũng chiến đấu dọc đường 13 và làm chủ một quãng đường dài từ Bình Nhâm đến An Thạnh. Tiếng vang về đội nữ pháo binh Lái Thiêu làm cho quân địch hoang mang, lúng túng và hoảng sợ.
Cuối năm 1968, một bộ phận súng cối được điều đi chiến trường Phú Giáo để cùng đại đội 63 chuẩn bị chiến trường, bà Lê Thị Trung được Tỉnh uỷ điều về với vai trò uỷ viên thường vụ Huyện uỷ kiêm Huyện đội trưởng. Với cương vị mới và nhiệm vụ mới trong tình thế chiến trường Lái Thiêu vùng ven đô thị luôn biến động đầy nguy hiểm đối với quân ta, bà đã thường xuyên củng cố, xây dựng cơ sở mật, lực lượng quân giải phóng, làm công tác dân vận và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhờ luôn sâu sát tháo gỡ khó khăn cho đơn vị nên chỉ sau một thời gian ngắn, đội đã độc lập chiến đấu, đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường vùng Lái Thiêu.
Ngày 15/5/1974, đoàn cán bộ chiến sĩ Huyện uỷ đi công tác ở vùng gần bót địch, ban đêm dừng chân nghỉ tại điểm không an toàn, bà Lê Thị Trung bố trí anh em canh gác. Tuy còn mệt, nhưng bà nói như ra lệnh: “Để tui gác cho các đồng chí nghỉ ngơi lấy lại sức vì sau nhiều ngày quần nhau với bọn xe tăng Mỹ”. Nói rồi, bà nhận gác thay cho một chiến sĩ bị bệnh được nghỉ lấy lại sức. Khi đang đứng gác, phát hiện ra có địch hoạt động gần, nhanh như chớp, bà ôm súng xông lên đánh chận địch lại để bảo toàn lực lượng và đem trái gài nhưng không may vướng nổ, bà bị trọng thương. Nghe tiếng nổ, anh em đến tiếp cứu cho và đưa bà về, tuy bị trọng thương rất nặng nhưng bà vẫn bình tĩnh bàn giao lại tình hình cơ sở được phân công và công tác quan trọng sắp tới của cơ sở cần chỉ đạo. Đêm hôm ấy, bà Lê Thị Trung vĩnh biệt đồng bào, đồng đội sau 10 năm bám dân, anh dũng chiến đấu và lập nên nhiều chiến công vẻ vang.
Tấm gương bám dân giữ phong trào và hết lòng vì đồng đội của bà đã được bộ đội Lái Thiêu thường xuyên nhắc lại với một lòng kính phục, tên tuổi của bà sống mãi trong lòng nhân dân phường Lái Thiêu nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung. Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bà được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, nhì, ba và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam, tỉnh, huyện đội.
Ngày 06/11/1978, bà được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện nay, tên của bà được đặt cho trường Trung học cơ sở Lê Thị Trung ở phường Uyên Hưng, Thành phố Tân Uyên và một con đường dài 856m từ đường Phú Lợi đến giao lộ Huỳnh Văn Luỹ, thuộc phường Phú Lợi, Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 05 năm 2024
Phạm Tuấn Trường
Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo:
- Trần Thanh Đạm – Dẫn theo Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương.
- http://thcslethitrung.pgdtanuyen.edu.vn