TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ TẠI ĐỀN BẾN DƯỢC CỦ CHI

Cứ đến tháng bảy hàng năm, cả nước lại ngập tràn không khí tri ân ngày Thương binh – Liệt sĩ. Tháng 7 năm 2017 năm nay, mang ý nghĩa đặc biệt khi cả nước kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 (1947 – 2017), các thế hệ hôm nay kính cẩn tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng… đã cống hiến tuổi thanh xuân, không tiếc máu xương vì độc lập dân tộc. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, nhiều năm qua, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã góp phần duy trì, phát huy truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc bằng các hoạt động thiết thực như: vận động nhà tình nghĩa, tình thương, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, tham gia viết các báo cáo đề nghị nhà nước tặng danh hiệu lực lượng vũ trang cho các tập thể và cá nhân…

Năm nay, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, để tưởng nhớ các Bà mẹ Việt Nam đã hy sinh những người con thân yêu cho tổ quốc, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp cùng Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi trưng bày chuyên đề “Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng thành phố Hồ Chí Minh”. Chuyên đề giới thiệu 200 hình ảnh và 100 hiện vật của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sưu tầm được khi thực hiện dự án “Nghiên cứu sưu tầm và trưng bày tư liệu về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh”. Chuyên đề hiện đang trưng bày tại đền Bến Dược, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là nhịp cầu nối giữa truyền thống và hiện tại, giới thiệu những hình ảnh sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, vừa lao động xây dựng đất nước, vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, gánh vác việc nước, đảm đang việc nhà để chồng con yên tâm đánh giặc, nhiều bà mẹ đã hiến tặng cả đàn con thân yêu cho độc lập tự do của Tổ quốc, sự hy sinh đó đã làm nên hình ảnh những Bà mẹ Việt Nam kiên cường, bất khất, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Đảng và Bác Hồ kính yêu trao tặng cho phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.

Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có 5.248 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng và truy tặng, trong đó có 4.964 mẹ đã mất. Có nhiều Bà mẹ không chỉ hy sinh những đứa con mà chính các Bà mẹ cũng là những chiến sĩ gan dạ, những nhà chính trị xuất sắc như: Mẹ Nguyễn Thị Thập (1908 – 1996). Mẹ có chồng và 2 người con trai là liệt sĩ. Mẹ tham gia cách mạng năm 1929 và lần lược giữ các nhiệm vụ Bí thư Đảng – Đoàn phụ nữ kiêm trưởng ban Phụ vận Trung ương, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa II đến khóa IV (1951-1981), đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI, Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI (1960-1980). Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1956 đến năm 1974. Năm 1985, Mẹ được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng.

Mẹ Bùi Thị Mè từng là Thứ trưởng Bộ Y tế – Xã hội và Thương binh trong Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 – 1976), ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1975 – 1979 ), Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh (1976 – 1979). Mẹ có 4 người con tham gia kháng chiến, ba người con là liệt sĩ, một người là thương binh; đứng lên trong đau thương, mẹ tiếp tục chiến đấu, gánh luôn phần của các con.

Chuyên đề trưng bày còn giới thiệu những Bà mẹ Việt Nam anh hùng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Mẹ Nguyễn Thị Rành – người mẹ của Củ Chi đất thép thành đồng đã hy sinh 8 người con trai và 2 cháu nội, ngoại. Trong những năm chiến tranh, Mẹ đã cùng với nhân dân Củ Chi kiên trì đào hầm để chiến đấu, tự vệ; kiên trì bám trụ giữ đất, nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ và đội du kích Củ Chi. Trong hệ thống địa đạo Củ Chi nổi tiếng có công của Mẹ; Mẹ Trần Quang Mẫn – một “Hoa Mộc lan tùng chinh” của Việt Nam, người phụ nữ cải trang nam nhân nhập ngũ đi đánh giặc. Mẹ có chồng và con trai độc nhất là liệt sĩ; Mẹ Nguyễn Thanh Tùng – một trong những chiến sĩ đầu tiên trong tổ chức vũ trang đô thị, tiền thân của đội Biệt động Sài Gòn – Gia Định, Mẹ có chồng và hai con trai là liệt sĩ.

Nhiều Bà mẹ là những chiến sĩ xung kích trên mọi mặt trận, không những tham gia tích cực và hiệu quả vào mặt trận đấu tranh chính trị, binh vận mà các mẹ còn là những chiến sĩ trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu sát cánh cùng chồng con trong lực lượng vũ trang và đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ như: Mẹ Nguyễn Thị Lập, Mẹ Lê Thị Ánh, Mẹ Võ Thị Lùng… Phòng trưng bày còn giới thiệu đến công chúng hình ảnh của các Bà mẹ Việt Nam đất thép Củ Chi đã cống hiến nhiều con hy sinh cho Tổ quốc như mẹ Lê Thị Bứa có 6 con là liệt sĩ; mẹ Bùi Thị Ngọn, mẹ Nguyễn Thị Chiếu; mẹ Cao Thị Đáo… có 5 con là liệt sĩ.

Tham quan phòng trưng bày, mọi người đều cảm nhận một khoảng lặng với lòng cảm kích, quý trọng trước những hiện vật của các mẹ là các vật dụng rất đỗi giản dị, thân thuộc đã gắn bó với các Bà mẹ trong suốt một quãng thời gian dài của cuộc chiến tranh khốc liệt. Đó có thể là một chiếc áo đơn sơ mẹ đã sử dụng từ thời hoạt động cách mạng; là cái cối giã trầu, cái nồi đồng mẹ sử dụng để nấu cơm, nuôi giấu cán bộ từ thời kháng chiến, hay đơn giản là một lưỡi cuốc mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng… Xem hiện vật của các Bà mẹ để thấu hiểu, tự hào và ngưỡng mộ trước hy sinh thầm lặng của các Bà mẹ Việt Nam cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trưng bày chuyên đề “Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng thành phố Hồ Chí Minh” phục vụ công chúng từ ngày 22/7/2017 đến hết ngày 30/10/2017 tại đền Bến Dược khu Di tịch lịch sử Địa đạo Củ Chi. Có thể nói, chân dung các bà mẹ Việt Nam anh hùng giờ đây đã trở thành di sản văn hóa truyền thống yêu nước của người Việt Nam. Thông qua chuyên đề nhằm nhắc nhở các thế hệ không quên công ơn của những anh hùng liệt sĩ, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh núm ruột của mình cho tổ quốc độc lập, tự do.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 8 năm 2017

Nguyễn Thị Vân Huệ

Tour 360° Tour 360° 360 Tour