Lịch sử dân tộc Việt Nam đã khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trên các lĩnh vực trong các thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước. Người phụ nữ Việt Nam cũng đã tỏ rõ khả năng tuyệt xuất của mình trên lĩnh vực viết văn, làm thơ, tham gia viết báo trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc
Tiếp bước những cây bút tài hoa trong xã hội phong kiến Việt Nam: Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Ngọc Hân Công Chúa…là Mai Am nữ sĩ, Sương Nguyệt Anh, nữ sĩ Manh Manh – Nguyễn Thị Kiêm, Phan Thị Bạch Vân … càng về sau các cây bút nữ đương đại xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn văn chương, báo chí… đã minh chứng hùng hồn cho những đóng góp tích cực của người phụ nữ trong nền văn học Việt Nam, những người phụ nữ đã dùng ngòi bút của mình góp phần làm rạng danh lịch sử dân tộc và nâng cao vị thế của người phụ nữ trên mọi lĩnh vực.
Ngay từ buổi đầu của xã hội phong kiến Việt Nam, xuất hiện nhiều cây bút nữ kiệt xuất, góp tiếng nói vào văn đàn nước nhà và mãi lưu truyền hậu thế. Đó là: Bà Đoàn Thị Điểm – nữ sĩ danh tiếng thời Lê, tác giả bản dịch Nôm tác phẩm “Chinh phụ ngâm.”; Bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam, Bà sáng tác không nhiều, hầu hết viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật, gồm những bài như: “Thăng Long thành hoài cổ, Qua đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà”… Những bài thơ Nôm của Bà phần nhiều là tả cảnh, tả tình, cho thấy Bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người phụ nữ có học thức suy nghĩ đến nước nhà. Bà được vua Tự Đức phong là “Cung trung giáo tập”; Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, sống vào cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19. Cuộc đời Bà đã để lại một kho tàng thơ thực sự độc đáo, giàu tính nghệ thuật, cho đến bây giờ nhiều bài thơ của Bà vẫn chưa tìm thấy đầy đủ. Thơ của Bà là thơ “vừa thanh vừa tục”. Thực sự có thể xem Bà là người phụ nữ Việt Nam có tư tưởng tiến bộ đầu tiên khi đã vượt qua rào cản của những luật lệ và một số phong tục cổ hủ thời bấy giờ để đưa những tâm tư tận đáy lòng của người phụ nữ lên những vần thơ.
Đầu thế kỷ XX khi nền văn hoá phương Tây du nhập vào Việt Nam, vai trò của người phụ nữ trong xã hội bắt đầu chuyển biến rõ rệt, từng bước có những thay đổi theo xu hướng tiến bộ. Từ những công việc nội trợ bếp núc, nhiều phụ nữ đã vươn ra hoà nhập với xã hội bằng những công việc trước đó chỉ có nam giới mới được làm, như viết văn, làm báo và hoạt động xã hội … Người phụ nữ với vai trò mới ngày càng xuất hiện nhiều hơn, thu hút sự chú ý của xã hội, đồng thời tiếng nói của họ bắt đầu có trọng lượng, đại diện cho giới phụ nữ tiến bộ là những tên tuổi: Sương Nguyệt Anh tên thật Nguyễn Xuân Khuê, Cao Thị Khanh (1900 – 1962) Manh Manh nữ sĩ, tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, Phan Thị Bạch Vân… Nhìn chung từ đầu thế kỷ XX, trên văn đàn Nam Bộ, tiếng nói về phụ nữ và của người phụ nữ đã thực sự là một tiếng nói có âm sắc, có điểm nhấn, tạo nên nhiều hương vị riêng cho thơ ca, báo chí lúc bấy giờ.
Khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, sự góp mặt của các cây bút nữ trên diễn đàn thơ văn, báo ngày càng rầm rộ, khẳng định được vị trí và năng lực của giới nữ trong lĩnh vực cầm bút. Đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức của phụ nữ cũng như của xã hội về vai trò của phụ nữ bằng sự ra đời các ngòi bút của nữ chiến sĩ cách mạng và càng phát triển về sau. Lực lượng phụ nữ cầm bút ngày càng nhiều và chứng tỏ năng lực của phụ nữ trên lĩnh vực này trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tiếp nối truyền thống, số nhà báo nữ hiện nay là khoảng 14.000 người chiếm 1/3 tổng số nhà báo đang tác nghiệp trong lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam. Phụ nữ – những người cầm bút ngày nay tiếp tục công hiến cho xã hội với nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa với nhiều bài viết sắc xảo thu hút sự quan tâm của cộng đồng cùng chung tay giữ gìn tinh hoa truyền thống văn hóa việt Nam.
Nhân kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2012), Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức trưng bày chuyên đề “Phụ nữ Nam bộ cầm bút”, với gần 200 hiện vật – hình ảnh, chuyên đề sẽ giới thiệu đến khách tham quan những ấn phẩm văn chương, báo và tạp chí phụ nữ xưa, quý hiếm nhằm giới thiệu đến công chúng thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam những đóng góp to lớn của phụ nữ Nam Bộ trong nền văn học nước nhà. Khẳng định vai trò và vị trí của phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong xã hội hiện nay. Đồng thời giáo dục truyền thống của Phụ nữ Việt Nam cho thế hệ trẻ, góp phần nâng cao ý thức về bình đẳng giới trong nhân dân.
Phòng trưng bày chuyên đề “Phụ nữ miền Nam với công tác báo chí” khai mạc và đón khách tham quan từ ngày 20/6/2012 đến ngày 30/9/2012.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 6 năm 2012
Phòng Nghiên cứu – sưu tầm – trưng bày