Trong Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, chuyên đề phụ nữ miền Nam và tấm lòng bè bạn được trưng bày trang trọng và ấn tượng. Trên bản đồ thế giới, nhiều miền đất xa xôi đã hiển thị những tấm lòng giúp đỡ Việt Nam. Tôi đọc lại những trang tư liệu đã ố vàng cũ kỹ. Kỳ lạ thay, càng đọc, tấm lòng bè bạn thế giới càng hiện lên sáng ngời, vô cùng cảm động.
Hoạt động đối ngoại hiệu quả
Từ khi ra đời (1961), Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam đã thành lập đoàn ngoại giao, tập hợp xung quanh nhiều tầng lớp phụ nữ gồm: cán bộ, trí thức, văn nghệ sĩ, anh hùng, dũng sĩ, những chị em vừa thoát khỏi nhà tù Mỹ ngụy, những nạn nhân sống sót của các vụ thảm sát, ném bom, rải chất độc v.v… làm đại biểu dự các hội nghị quốc tế hoặc đi thăm hữu nghị các nuớc. Những chuyến đi ấy phần lớn đạt được hiệu quả ngoại giao vượt mức mong đợi. Trong những chuyến đi, phụ nữ Nam bộ tham gia nhiều hội nghị quốc tế, đứng trên nhiều diễn đàn khác nhau ở các nước châu Âu, châu Á, châu Phi, kể cả châu Mỹ…; tiếp xúc với nhiều tầng lớp có xu hướng chính trị khác nhau. Các đại biểu phụ nữ đã nói lên tình cảm và nguyện vọng của những người mẹ, người vợ, người con gái đã chịu đựng biết bao mất mát vì bom đạn, tù đày nhưng rất tha thiết yêu hòa bình và hữu nghị. Hoạt động ngoại giao của phụ nữ miền Nam thời ấy đã tạo những điểm son đáng nhớ. Đó là tháng 6 năm 1962, tà áo dài Việt Nam trên mặt trận đối ngoại lần đầu tiên xuất hiện tại một hội nghị quốc tế do bà Nguyễn Thị Bình là trưởng đoàn, tham dự Đại hội Thanh niên, sinh viên Vác-sa-va (Ba Lan cũ). Năm 1963, tại Đại hội Phụ nữ thế giới tổ chức ở Mát-xcơ-va, đoàn đại biểu phụ nữ giải phóng miền Nam gồm 3 nữ đại biểu do bà Nguyễn Thị Bình lúc ấy là phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam dẫn đầu đã làm cho 6.000 đại biểu các nước có mặt trong hội trường xúc động, căm phẫn khi nghe các nhân chứng tố cáo tội ác đế quốc Mỹ và tay sai ở Việt Nam. Cũng tại hội nghị này, đoàn phụ nữ Việt Nam (gồm phụ nữ miền Nam và phụ nữ miền Bắc) gặp đoàn phụ nữ Mỹ, mở đầu cho những cuộc gặp gỡ sau này giữa những người phụ nữ ở hai bên trận tuyến. Đó là những người mẹ, người vợ có chồng, con bị chết trong cuộc chiến phi nghĩa, cùng lên tiếng đòi chấm dứt chiến tranh.
Từ năm 1964 đến 1974, đoàn Phụ nữ miền Nam đi dự hầu hết các khóa họp của Hội đồng Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới và đi thăm hầu hết các nước Xã hội chủ nghĩa (cũ). Họ mang theo nhiều sách, báo, tài liệu, phim, ảnh, vật chứng, mang bom bi của Mỹ để giới thiệu cho các bạn bè về tác hại của những loại vũ khí mà Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam, gây chấn động dư luận phương Tây.
Từ năm 1970, bà Nguyễn Thị Bình được một loạt các nước như Cộng hòa dân chủ Đức, Ba Lan, Bungari, Liên Xô, Mông Cổ, Triều Tiên, Nam Tư, I-rắc, Xy-ri, Xômali, Cộng hòa nhân dân Yêmen, Chi-lê, Xênêgan… mời thăm chính thức. Ở đâu, bà cũng được đón tiếp với nghi thức ngoại giao trọng thể. Tháng 10 năm 1970, bà Nguyễn Thị Bình lại được mời làm quan sát viên cho phong trào không liên kết, trong vai trò đại biểu của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, nhân hội nghị cấp cao lần thứ 3 của các nước không liên kết tại Luxaca, thủ đô nước cộng hòa Zambia. Bà được hoan hô nhiệt liệt khi ngồi vào ghế quan sát viên của phong trào, trước sự tức tối điên cuồng của đại diện chính quyền Sài Gòn có mặt tại hội nghị.
Các thành viên ngoại giao của Phụ nữ miền Nam được nhân dân thế giới ủng hộ, dành cho tình cảm đặc biệt. Càng leo thang chiến tranh, đế quốc Mỹ càng gây đau thương, tang tóc không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân Mỹ. Làn sóng phản đối chiến tranh lan tràn khắp thế giới, đặc biệt ở nước Mỹ. Khởi đầu là trong sinh viên, học sinh, gia đình binh lính, về sau cả các tầng lớp nhân dân Mỹ. Hành động tự thiêu của 16 công dân Mỹ là bằng chứng hùng hồn và xúc động về lòng căm phẫn đối với chính phủ cầm quyền. Năm 1964 có bốn vụ tự thiêu làm chấn động nước Mỹ. Đó là cụ bà Alice Hergt, người Mỹ gốc Đức, 82 tuổi tự biến mình thành ngọn đuốc sống đầu tiên ở thành phố Détroit (bang Michigan). Bà để lại bức thư tuyệt mệnh: bà đã từ bỏ nước Đức phát xít sang Mỹ là nước có tượng thần Tự Do, nào ngờ Mỹ cũng hành động như phát xít ở Việt Nam. Ngày 02.11.1965, anh Norman Morison quê ở Baltimore đã tự thiêu trước Lầu Năm Góc để lại vợ và hai con. Ngày 09.11.1965, anh Roger Laprost, 27 tuổi tẩm xăng tự thiêu trước trụ sở Liên Hiệp quốc. Một ngày sau (10.11.1965), chị Joan Causki tự thiêu để lại hai con nhỏ… Năm 1968, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân gây ra sự chấn động và phân hóa sâu sắc nội bộ nước mỹ. Phong trào phản đối chiến tranh đang âm ĩ chợt bùng phát mạnh mẽ. Đoàn ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong thời điểm này được cảm tình đặc biệt của nhân dân các nước…
Đến với Việt Nam
Trong chiến tranh, bạn bè quốc tế đến với Việt Nam trải qua muôn vàn khó khăn. Vậy mà Wilfred Burchett, Madeleine Riffaud, Blagadimitrova… cùng nhiều nhà văn, nhà báo khác đã vượt qua nhiều rào cản đến Việt Nam, cùng chịu bom đạn, có những bài viết ca ngợi phẩm chất Việt Nam, tố cáo chiến tranh xâm lược của Mỹ, dấy lên làn sóng phản chiến tại chính quốc. Nhiều người trên thế giới ao ước được trở thành người Việt Nam sau một đêm thức dậy. Bà mẹ VMAH Bùi Thị Mè- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ CHMNVN không sao quên được hình ảnh “Cô Tám”- tên gọi trìu mến phụ nữ Nam Bộ dành cho nữ nhà văn Madeleine Riffaud. Năm 1965-1966, bà đã có mặt ở rừng miền Đông, trong bộ quần áo bà ba đen, khăn rằn, luôn mang theo bên mình chiếc máy đánh chữ. Nghe kẻng báo động, bà cũng cùng mọi người chui xuống hầm tránh bom B52. Trận càn vừa dứt, bà vừa phủi bùn đất bám trên áo quần, vừa vui vẻ cười nói: “Không biết mình đã xuống hầm từ lúc nào vậy cà”. Kiên trì, chịu đựng bom đạn, có mặt ở các điểm nóng bỏng, Madeleine Riffaud đã viết nhiều bài báo thuyết phục bạn bè chính quốc ủng hộ Việt Nam. Tận mắt chứng kiến những tấm gương anh hùng của phụ nữ miền Nam, bà đã viết: “… Quả là ở miền Nam Việt Nam đang tồn tại một đội quân kỳ lạ không súng ống, có mặt ở khắp nơi, thành thị cũng như thôn quê, một đội quân mà các bản tin của các hãng thông tấn hầu như không bao giờ nói đến, song lại đóng một vai trò to lớn trong cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam Việt Nam chống xâm lược, ngay cả trước khi những người du kích đầu tiên cầm lấy vũ khí. Đó chính là “Đội quân Tóc Dài”, tập hợp hàng triệu nữ chiến sĩ”.
Bà Bùi Thị Mè cũng không quên bữa tiệc do vợ chồng bà đích thân nấu món nai rừng, đãi nhà báo Wilfred Burchett trong chiến khu rừng miền Đông. Bà không sao quên được câu nói hình tượng của nữ nhà báo Monica (Ba Lan)- một người bạn nhiều lần đến với Việt Nam trong những năm chiến tranh: “Tôi qua Việt Nam lấy “đạn”. Về nước, bắn hết “đạn”, tôi lại trở qua Việt Nam”. “Đạn” đối với Monica chính là những tư liệu bà thu thập được từ các chuyến đi thực tế, được gặp những con người anh hùng, những nạn nhân chiến tranh, những tấm lòng nhân hậu…
Bà Bùi Thị Mè vẫn không nguôi niềm day dứt về một người bạn gái nước ngoài đã chấp nhận ly dị chồng vì bà đã dành trọn trái tim, tình cảm, tinh thần, vật chất cho Việt Nam. Năm 1974, ra miền Bắc dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc, bà được phân công đưa đoàn phụ nữ quốc tế gồm Pháp, Đức, Nhật, Ba Lan, Thụy Điển… tham quan các tỉnh miền Bắc bị B52 tàn phá. Đường dài, gập ghềnh, xe dằn xóc, rất khó khăn trong sinh hoạt nhưng những người phụ nữ ấy từ chối cách khoét một lỗ trên chiếc ghế, đặt trên xe, lấy nilông che lại cho các vị khách quốc tế đi vệ sinh. Họ nói: “Các chị như thế nào tôi thế nấy”. Khi tiễn đoàn ra sân bay, một người bạn Pháp ôm bà Bùi Thị Mè hôn, mắt rưng rưng: “Tôi không hiểu vì sao bạn còn cười được…”. Đó cũng là cách họ chia sẻ nỗi đau mất con của bà…
Có một người bạn Đức đã hết lòng vì Việt Nam trong chiến tranh và sau ngày hòa bình. Đó là bà Sybille Weber- người sáng lập Hội hành động giúp đỡ Việt Nam (HAV). Bà đã có hơn 20 lần đến Việt Nam, ngay trong những ngày chiến tranh ác liệt, cung cấp, viện trợ y tế cho nhân dân ta. Bất chấp sự ngăn cản của chính phủ Tây Đức, bà thuyết phục được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, trong số ấy có cả con gái Tổng thống Tây Đức. Trên diễn đàn quốc tế, bà kêu gọi bè bạn ủng hộ và bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa Việt Nam. Sau chiến tranh, vượt qua lệnh cấm vận của Mỹ, bà đã đến Việt Nam xây dựng và triển khai nhiều dự án viện trợ y tế, xã hội khắp hai miền Nam Bắc, với tổng giá trị giúp đỡ của HVA khoảng 170 triệu mác Đức. Từ những năm 1980, HVA đã tặng cho Việt Nam 16 máy siêu âm, tài trợ cho công tác đào tạo để phát triển thành MEDIC hoành tráng ngày hôm nay. Hai mươi năm trước, khi còn là phóng viên truyền hình Vũng Tàu, tôi đã cùng bà về thăm đảo Long Sơn. Ấn tượng sâu đậm của tôi về bà Sybille Weber năm ấy là một phụ nữ khoảng 60 tuổi nhưng vẫn sải những bước dài và khỏe trên con đường gập ghềnh đá sỏi vào khu dân cư nghèo nàn, thiếu nước sạch. Nhưng bà và các bác sĩ người Đức vẫn quyết tâm đi đến tận nơi mình muốn khảo sát để có kế hoạch giúp cho cơ sở một cách cụ thể và hiệu quả. Những năm gần đây, sức khỏe suy giảm, bà có nguyện vọng được chuyển hài cốt sang Việt Nam, an táng ở Hà Nội hoặc TP.HCM. Ngày 10.10.2008, tôi lặng người trước tin bà vĩnh viễn ra đi trên một tờ báo ở TP.HCM…
Sau chiến tranh, Phụ nữ Nam Bộ tổng kết sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân và phụ nữ thế giới dành cho nhân dân Việt Nam. Đó không chỉ là những đồng tiền quyên góp bằng cả tấm lòng vàng, những chiếc áo ấm, những người hiến máu nhân đạo, những bịch máu khô… mà còn có cả làn sóng biểu tình, hàng ngàn bài báo đấu tranh cho hòa bình, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Gần 30 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều đoàn khách nước ngoài đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, trong đó có cả những người phụ nữ Nhật đã từng nằm lăn trên đường ngăn đoàn xe đưa vũ khí Mỹ xuống cảng xuất sang Việt Nam; có những người phụ nữ đã dành phần lương của mình ủng hộ Việt Nam. Bà Toyooka Asako nói: “Hơn 30 năm trước, tôi vinh dự được gặp đoàn phụ nữ Việt Nam sang thăm Nhật. Cuộc gặp gỡ ấy gây xúc động mạnh mẽ trong tôi, giúp chúng tôi được biết nhiều hơn những gì nhân dân Việt nam phải chịu đựng trong chiến tranh. Để ủng hộ nhân dân Việt Nam, tôi đã mua sợi dây chuyền khắc hình con bướm với giá 30.000 yen-một số tiền lớn so với thu nhập của người dân Nhật bản lúc đó. Đó là sợi dây chuyền được nghệ nhân Việt Nam khắc bằng xác máy bay Mỹ. Với tôi, đó là một kỷ vật vô giá. Tôi đã giữ sợi dây chuyền ấy hơn 30 năm… Hôm nay, được đến Việt Nam, được gặp những Bà mẹ Việt Nam anh hùng của huyền thoại bằng xương bằng thịt, tôi rất hạnh phúc, tôi xin tặng sợi dây chuyền “bướm bạc” này cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ”. Và bà Jan Griff- một người Mỹ trong tổ chức Quây-cơ đã từng giấu máy ảnh dưới giỏ thức ăn khi bà làm việc ở Quảng Ngãi, chụp được những bức ảnh nữ tù chính trị đưa đến những nhà thương, thực chất là những nhà tù trá hình. Những bức ảnh của bà đã dấy lên làn sóng phản chiến tại nước Mỹ. Ngày 27.12. 2006, thông qua gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, bà đến bảo Tàng PNNB trao tặng những bức ảnh mà bà đã chụp được trong chiến tranh với tất cả sự ngưỡng mộ và chia sẻ…
Hiện vật “bướm bạc khắc bằng xác máy bay Mỹ”, những cây sáo trúc, những chiếc vòng đeo tay, hoa tai, những chiếc khăn thêu, những bức ảnh… vô cùng quý giá-những hiện vật thấm đẫm giá trị lịch sử, nhân văn, tình hữu nghị. Đó cũng là biểu tượng khát vọng hòa bình của hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới, như lời chị Imamura Kyoto: “Đến thăm Việt Nam, nhìn thấy trẻ em Việt nam rất đẹp, rất sinh động, tôi càng thấy chiến tranh là phi nghĩa và tàn ác. Tôi mong muốn chiến tranh đừng bao giờ xãy ra, đừng bao giờ!”. Là một người lớn lên sau chiến tranh, khi tiếp xúc với nhân chứng, tư liệu sống động về tấm lòng bè bạn dành cho Tổ quốc, tôi rất cảm kích và cũng tự hỏi tại sao chúng ta không có một ngày hội tôn vinh những tấm lòng bè bạn. Viết đến đây, tôi chợt vô cùng thấm thía câu nói của một cựu chiến binh khi được hỏi về cảm nhận quá khứ và hiện tại: “Khi ơn đời một giọt nước, ta khao khát trả một dòng sông”.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29/4/2011
Trầm Hương
Phụ nữ Thế giới ủng hộ Việt Nam
Tiệp Khắc:
* 2.617.500 cua-rôn (tiền Tiệp) và nhiều tặng phẩm
* Họp hội nghị thông qua những nghị quyết lên án chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam.
* Đăng nhiều bài về Việt Nam và Phụ nữ Việt Nam chống Mỹ trên báp Phụ nữ Tiệp Khắc.
Rumani:
* Gửi 2.000 bức thư và điện ủng hộ Việt Nam
* Tặng phẩm trị giá 2 triệu lây (tiền Rumani)
Nhật
* Tổ chức nhiều cuộc mít-tinh, biểu tình chống Mỹ
* Tổ chức phong trào quyên góp “200 triệu yên ủng hộ Việt Nam”
* Thành lập Ủy ban Phụ nữ Nhật vì chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
* Ủng hộ 10.870.000 yên và 11.389 USD
Pháp:
* 2.000 áo len
* Tổ chức phong trào “100 triệu France ủng hộ Việt Nam”
*25.065.000 France và nhiều tặng phẩm khác.
Canada:
* Ủng hộ 20.500 USD và 700 đô-la Canada.
Tây Đức:
* Ủng hộ 165.000 mac và nhiều tặng phẩm.
Đông Đức:
* Ủng hộ 647.000 mac và nhiều tặng phẩm.
* 500.000 người hiến máu cho Việt Nam./.