TIẾNG NÓI CỦA ĐẤT

          Dân gian ta có câu “Thổ hành kim, ly tác bảo” nghĩa là “Đất biến thành vàng, bùn biến thành báu vật” để ca ngợi nghề làm gốm đồng thời đề cao tính sáng tạo, tính phong phú, đa dạng của nghệ thuật làm gốm truyền thống đã và đang tồn tại từ ngàn xưa đến ngày nay. Theo các tài liệu khảo cổ học trên thế giới và khu vực châu Á, người xưa đã biết chế tác đồ gốm trước công nguyên hàng trăm năm, chứng tỏ sự vận dụng thông minh, sáng tạo cùng với khối óc con người để phục vụ cho chính nhu cầu đời sống con người. Tiếng nói của Đất– của những người lưu giữ thời gian trên nét gốm xưa, những người đã thổi hồn cho đất để trở thành người bạn tuyệt vời trong cuộc sống của những người làm gốm. Linh hồn đất cùng với bàn tay của những người nghệ sĩ – nghệ nhân gốm thổi hồn vào đó và thăng hoa, biến cục đất thô mộc mạc thành những tác phẩm trang trí, những sản phẩm phục vụ đời sống. Những nghệ nhân, những người sống từ đất nung thành những sản phẩm với tình yêu bất tận cho “Đất” có tiếng nói riêng của mình.

          Gốm gắn bó mật thiết với cuộc sống của nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng. Nghề gốm phát triển rải rác khắp đất nước. Ở tỉnh nào cũng có những vùng làm nghề gốm với mọi hình thức. Ven các dòng sông, chúng ta gặp nhiều mảnh sành, mảnh gốm còn vương sót lại. Hoặc chúng ta thấy những dãy lò gốm đang tỏa khói nghi ngút. Mỗi vùng quê nghề gốm có một kỹ thuật sản xuất riêng biệt và mỗi nơi cũng có mặt hàng gốm đặc trưng riêng của mình góp phần tạo nên tính đa dạng, phong phú của gốm Việt Nam.

Trong sự phát triển của làng nghề gốm, sự đóng góp công sức của phụ nữ là rất lớn. Đối với các mẹ, các chị đó không chỉ là công việc để mưu sinh mà còn là sự kế thừa đầy trách nhiệm, tâm huyết đối với nghề truyền thống. Họ làm những công việc này vào những lúc rảnh rỗi, sản phẩm làm ra để dùng cho sinh hoạt hằng ngày và trao đổi mua bán sản phẩm gốm nuôi sống gia đình. Ở miền Nam các thế hệ phụ nữ đã lưu truyền và gìn giữ các làng nghề gốm rất đậm nét. Mỗi làng nghề là một địa chỉ văn hóa mang nét độc đáo riêng biệt của từng địa phương và phản ánh hình ảnh chân thực về người phụ nữ chân chất, mộc mạc khi tham gia vào các  làng nghề truyền thống.

          Ở làng gốm Bàu trúc của người Chăm – Ninh Thuận tất cả phụ nữ đều biết làm gốm. Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á nơi còn giữ lại cách thức sản xuất thô sơ từ ngàn xưa. Trải qua bao thế hệ “mẹ truyền con nối”, nghề gốm và nghệ thuật gốm vẫn là một trong những nghề chính của người Chăm làng Bàu Trúc. Những người thợ gốm Bàu Trúc với đôi tay tài hoa đã khéo léo gửi “tâm hồn mình” vào trong từng thớ đất, từng nét hoa văn trên các sản phẩm gốm mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Chăm Ninh Thuận. Những người phụ nữ tại làng gốm Bàu Trúc đảm đang, cần mẫn, không ngừng nâng niu, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa của quê hương mình thông qua những sản phẩm thủ công truyền thống.

          Gốm Khmer Tri Tôn – An Giang lại mang trong mình chất dân dã, bình dị và là hiện thân cho nền văn hóa Khmer. Phụ nữ là những người nắm giữ các kĩ thuật làm gốm, và do đó nghề chủ yếu là do mẹ truyền dạy. Về kiểu dáng sản phẩm gốm Khmer được làm thủ công, thô sơ, đơn giản, không cầu kì về hoa văn, kiểu cách. Loại hình chủ đạo là hình cầu có dáng thấp, miệng loe xiên, vành miệng trung bình, bụng phình to, tròn, đáy lồi. Đặc biệt, cà ràng và cà om là mặt hàng mang đậm nét truyền thống của đồng bào Khmer. Dựa vào sự khéo léo, tỉ mỉ của người phụ nữ, hình ảnh cái om (nồi đất) gắn liền sinh hoạt của con người, ngày càng được tái hiện sinh động và chân thực dưới bàn tay tài hoa của những nữ nghệ nhân Khmer.

          Gốm Tri Tôn, An Giang từ dụng cụ cho đến cách làm đều vô cùng đơn giản. Đất mang về được ủ một thời gian, sau đó giã mịn, loại bỏ hết sạn, sỏi, tạp chất và làm cho mịn trước khi nặn. Kỹ thuật làm gốm Tri Tôn không sử dụng bàn xoay, việc nặn gốm được người thợ làm hoàn toàn bằng tay, từng chút, tỉ mỉ và khéo léo. Thời hưng thịnh, các sản phẩm của gốm Tri Tôn, An giang có mặt khắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xuất sang Campuchia và các nước lân cận.

          Gốm Lái Thiêu hình thành vào năm 1860, trải qua hơn 160 năm phát triển gốm Lái Thiêu đã nổi tiếng khắp nơi và trở thành một trong những trung tâm gốm sứ vùng Nam bộ- là một trong những dòng gốm mang phong cách Nam Bộ, đánh dấu giai đoạn phát triển lịch sử của nghệ thuật gốm tại miền Nam tạo ra vẻ đẹp độc đáo và điêu luyện về hình dáng, màu men và nghệ thuật trang trí. Sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, phong phú về hình dáng, bố cục nội dung trang trí, gốm Lái Thiêu mang đậm chất hội hoạ lẫn dân gian tạo nên đặc thù của dòng gốm thôn quê; những nét chạm khắc chìm nổi của mây trời, hoa lá bung nở… nói thay tiếng lòng của người thợ gốm. Các sản phẩm của gốm Lái Thiêu có mặt trong sinh hoạt gia đình, từ trong gian bếp đến bàn thờ tổ tiên, từ trong nhà vườn cho đến các quán hàng nước. Trải qua bao biến cố thăng trầm, nghề gốm Lái Thiêu vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và sắc thái riêng của mình.

         Sản phẩm gốm yêu cầu tính sáng tạo nghệ thuật rất cao và chính nhờ sự sáng tạo mà các nghệ nhân đã thổi hồn mình vào đất để tạo những sản phẩm gốm với những nét đẹp tinh tế, độc đáo và đặc trưng cho nghệ thuật gốm. Bằng đôi tay khéo léo và tài hoa, những người phụ nữ đã góp phần cho ra đời các sản phẩm đồ gốm mỹ nghệ không chỉ đẹp mà còn rất bền, chắc, được khách hàng trong và ngoài nước yêu thích. Và dù còn có những vất vả, khó khăn hơn so với nam giới khi đôi bàn tay trở nên thô ráp khi làm nghề gốm, nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn yêu lắm cái nghề lấm lem bùn đất này và nguyện gắn bó, gìn giữ và “truyền lửa” để thế hệ sau kế tiếp, phát triển những tinh hoa của nghề gốm truyền thống.

          Nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/1977- 18/5/2023), kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực hiện trưng bày chuyên đề “Tiếng nói của Đất” nhằm giới thiệu đến công chúng nghề làm gốm truyền thống – một trong những ngành nghề thủ công lâu đời ở Nam Bộ gắn liền với tên tuổi của một số địa phương như gốm Lái Thiêu – Bình Dương, gốm Bàu Trúc – Ninh Thuận, gốm Khmer Tri Tôn – An Giang với mong muốn làm sống lại các chặng đường phát triển của các làng nghề gốm Nam Bộ đồng thời tôn vinh những người phụ nữ với óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, đã gửi gắm tâm huyết tình cảm của mình nhằm đem đến cho đời những sản phẩm gốm độc đáo đáp ứng được nhu cầu vật chất lẫn tinh thần cho công chúng.

          Tiếng nói của đất hay tiếng nói của những người phụ nữ với những nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc trong xã hội hiện đại ngày nay. Họ là những tấm gương điển hình vượt khó khăn để gắn bó với nghề gốm, giúp chúng ta hiểu được giá trị sản phẩm cũng như đồng cảm với những tâm tư, niềm đam mê của người phụ nữ khi lưu giữ làng nghề truyền thống.

          Sự ẩn chứa tâm hồn của con người qua các sản phẩm từ đất, là những cung bậc cảm xúc mà Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ muốn mang đến cho người xem, đồng thời mang thông điệp quảng bá, bảo tồn các làng nghề gốm truyền thống, tôn vinh vẻ đẹp bình dị, mộc mạc trong lao động hàng ngày của người phụ nữ Việt Nam. Chuyên đề “Tiếng nói của Đất” chính thức khai mạc và mở cửa đón khách vào lúc vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 12 tháng 5 năm 2023 (số  200 – 202 Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hân hạnh đón tiếp quí khách đến tham quan phòng trưng bày để lắng nghe “Tiếng nói của Đất”.

Ảnh nghệ nhân Đàng Thị Hoa, sinh năm 1975 và con gái Đàng Thị Vĩnh Thuỵ, sinh năm 2006

đang thực hiện các công đoạn tạo hình lu gốm Bàu Trúc – Ninh Thuận

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 12 năm 2023

             Huỳnh Thị Kim Loan

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tour 360° Tour 360° 360 Tour