Cũng giống với những vùng miền khác, thú vui chơi hoa của người Nam Bộ cũng rất thú vị. Thú chơi hoa xưa và nay cũng có nhiều thay đổi, không đơn giản chỉ là niềm đam mê với cái đẹp, mà còn là cả một nghệ thuật và là nghề “cơm áo” của nhiều người. Ở Nam Bộ, hầu như gia đình nào có sân rộng, hoặc có chút ít điều kiện thuận lợi là đều có trồng hoa. Ít thì một vài chậu, đôi ba khóm, nhiều thì trồng cả dãy, cả hàng. Khoảng trên một trăm năm trước, ở nông thôn Nam Bộ, thú trồng hoa, chơi hoa chỉ tập trung phát triển ở miệt vườn, nhưng ngày nay thì đã lan ra nhiều vùng khác. Những ngày giáp Tết, những chậu hoa, cây kiểng được bày bán khắp chợ, trên mỗi chiếc thuyền là những chậu hoa được vận chuyển trên hệ thống sông nước. Người Nam Bộ rất yêu hoa, họ thường để dành những khu vườn rộng để trồng hoa và chăm chút chờ dịp hoa khoe sắc vào Tết mang đến sự may mắn cho mọi người.
Mai được ví là hoa vương của đất Nam bộ. Mỗi độ xuân về, trong mỗi nhà người dân phương Nam đều có sự hiện diện của những cội mai vàng, cho hương thơm dìu dịu, thoảng bay theo từng cơn gió xuân lan tỏa trên khắp các nẻo đường. Nếu người dân miền Bắc chọn loài hoa đào để đem lại may mắn thì người dân nơi đây chọn cho mình những chậu cây hay nhành hoa mai với sắc vàng rực rỡ.
Sau mai vàng là cúc, nhiều nhất là cúc vạn thọ – loài hoa được đồng bào ở đây coi là tượng trưng cho sự đầy đặn, mỹ mãn, vững bền và chân thật cứ trẩy về các chợ, các bến sông bằng ghe, bằng xuồng và cả bằng xe lam, xe lôi nữa.
Một loại hoa thường được người Nam Bộ, thành thị cũng như nông thôn, thích trồng ở cổng vào hoặc trước hiên nhà, dọc hàng rào, là cây bông giấy.
“Bông giấy nhà ai sao đỏ quá,
Trưa em về, anh có đợi em không ?”.
(Hoài Vũ)
Có lẽ bởi đây là loại hoa “lưu niên”, cành vươn dài, lá xanh đều quanh năm, cho bóng mát, còn cành hoa thì thanh mảnh, giản dị, màu sắc đẹp, lại lâu tàn. Bông giấy thường có nhiều màu: đỏ, huyết dụ, trắng, hồng, vàng sẫm… Có loại hoa đơn và loại hoa kép. Người chơi hoa còn dùng kỹ thuật ghép cành, tạo ra một gốc hoa có thể trổ được hoa nhiều màu. Trong Hội hoa xuân người ta thường trưng bày những gốc hoa giấy nhiều màu, vào những năm đầu thập niên 90 trong Hội hoa xuân tại Nhà văn hóa lao động thành phố Hồ Chí Minh đã cho trưng bày những gốc bông giấy trổ ra 5 màu hoa: đỏ, hồng, trắng, vàng, và phơn phớt tím rất thu hút người xem.
Phong lan cũng là loài hoa được người Nam Bộ ưa thích. Người ta chuộng phong lan vì nhiều lý do. Trước hết, đó là loại hoa rất hấp dẫn bởi nhiều màu sắc lại xanh nhẹ, phơn phớt hồng, phơn phớt tím, vàng chanh, vàng nghệ, vàng pha đỏ… đều có cả. Rồi các hình thái chuyển màu kỳ diệu – tím dần dần đến xanh, đỏ dần dần đến hồng, vàng dần dần đến trắng, thỉnh thoảng lại điểm lấm chấm những đốm đen, đốm nâu – đi từ phía nhụy hoa ra phía tràng hoa. Có thể nói, dưới con mắt của họa sĩ thì hoa phong lan ẩn chứa cả một bảng pha màu tuyệt vời của tạo hóa mà con người khó lòng bắt chước nổi.
Thứ hai là phong lan tỏa ra nhiều mùi hương kỳ thú. Mùi hương phong lan không ngát mà thoảng nhẹ, thanh tao, khiến cho người thưởng thức có cảm giác như tâm hồn đang bay bổng, lâng lâng. Với hương sắc như thế hoa phong lan tượng trưng cho sự tinh khiết và siêu phàm của thiên nhiên.
Thứ ba là phong lan nảy nở ngay giữa không trung dưới nhiều kiểu cách. Người thưởng hoa muốn cắm vào bình hoặc muốn treo nguyên cụm trong phòng, dọc hành lang, trước hiên nhà… hay đặt trong đĩa mây, đĩa sứ để trên bàn v.v … đều được cả. Đồng thời, do họ phong lan có đến hàng trăm loại, nên nó biểu hiện được nhiều vẻ đẹp phong phú, đa dạng.
Đây không phải chỉ có cái đẹp của riêng hoa, mà còn là những kiểu dáng hài hòa, đồng bộ giữa cành lá và hoa… cho đến bộ rễ sạch sẽ, khỏe khoắn và duyên dáng của nó cũng làm cho người thưởng hoa cảm thấy thích thú. Một đặc điểm nữa của phong lan là nó lâu tàn và bền hương. Bên cạnh phong lan còn có địa lan. Lan trong quán ngữ “Xuân lan, thu cúc” chính là địa lan. Nhờ đất tốt, khí hậu ấm áp quanh năm nên Nam Bộ có nhiều loại địa lan. Ở miền Bắc và miền Trung thường chỉ có loại lan củ nhỏ và lá nhỏ, chứ không có loại củ to, lá dài to bản, hoa lớn, có nhiều màu: đỏ, hồng, trắng… Điều thú vị là người ta có thể áp dụng kỹ thuật cho lan trổ hoa vào thời điểm nhất định theo ý muốn.
Hoa Nam Bộ có rất nhiều chủng loại. Vào thời gian giáp Tết, có dịp đi thăm các chợ hoa như: chợ hoa Sa Đéc, bến Bình Đông, chợ hoa Hồ Thị Kỷ,.. ta mới thấy hết sự phong phú đa dạng của hoa Nam Bộ. Mà chợ hoa Tết thì hầu như không một thành phố hoặc thị trấn, thị xã nào lại không tổ chức. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng chục chợ hoa Tết nổi tiếng. Đó là chưa kể rất nhiều “chợ hoa dã chiến” mọc lên ven các lộ do những người chuyên trồng hoa của Tân Bình, Hóc Môn, Gò Vấp … đưa vào thành phố. Ngoài hoa mai, loại hoa đặc trưng ngày Tết ở miền Nam, còn có cúc vàng, cúc vạn thọ, cúc đồng tiền (đỏ, trắng, hồng… ) cúc mâm xôi, cúc đại đóa, cúc tố nữ (trắng, xanh phớt, tím phớt) cẩm tú cầu v.v … Thược dược thì gồm có: thược dược đại đóa, thược dược lai với những màu hồng, vàng tươi, vàng sẫm. Lay-ơn có những loại huyết dụ, hồng, trắng, vàng, đỏ. Nào là: mãn đình hồng, hồng nhung, hồng ta, bông ớt, bông huệ, bông giếng, bông loa kèn, lài, bìm bìm, trúc ngọc, kim đồng, mẫu đơn, mồng gà, đuôi phượng, sứ Thái Lan, hướng dương, bông bụt… thậm chí, cả hoa dừa và hoa cau cũng được trưng bày trong những ngày tết.
Ảnh: Ruộng hoa Vạn Thọ ở Nam bộ (Nguồn: Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ)
Những năm gần đây, đào Hà Nội cũng đã được chở bằng máy bay vào góp mặt trong nhiều chợ hoa Tết ở phía Nam. Hoa Tết Nam Bộ phần lớn đều còn sống nguyên trong chậu hoặc trong giỏ tre rất thuận lợi cho khách thưởng hoa.
Nói đến thú chơi hoa của Nam Bộ, không thể bỏ qua hoa giả và “nghề làm hoa giả”. Hoa giả có ở Việt Nam từ bao giờ, hiện chưa rõ. Có điều chắc chắn, nó do bàn tay khéo léo của phụ nữ tạo ra, bởi lẽ “công” là một trong bốn phẩm chất quan trọng của người phụ nữ Việt Nam (công, dung, ngôn, hạnh) ngay trong thời phong kiến cách đây hàng ngàn năm. Hoa giả gồm có: hoa giấy, hoa vải (hoặc lụa) và hoa nhựa. Thịnh hành vào thập niên 90 có lẽ là hai loại đầu, còn hiện tại hoa nhựa khá phổ biến trên thị trường. Hoa giả có số lượng tiêu thụ ít hơn hoa tươi nhiều lần, nhưng vẫn có chỗ đứng nhất định: hoa trang trí trong tủ kính, trên tường nhà, cột nhà, trên bàn thờ… Những năm gần đây, còn xuất hiện loại hoa đất. Hoa được làm từ đất sét có ưu điểm nhìn giống hoa thật, màu sắc tươi tắn, bền màu và giữ được lâu. Hoa đất sét giá khá đắc do mất nhiều công đoạn và thời gian. Đi đôi với hoa là cách cắm hoa mà ngày nay đã được nâng lên thành một kỹ thuật, một nghệ thuật.
Cách đây hơn năm mươi năm, hoa chỉ thường được cắm vào độc bình. Gần đây, ngoài độc bình, người ta còn dùng cả những bồn sành sứ, thủy tinh, pha lê với đủ màu sắc hình dáng khác nhau, kèm theo những bàn đế cắm hoa. Tại các thành phố miền Nam, từ nhiều thập kỷ nay, người ta đã đưa khoá học “dạy cắm hoa” vào các lớp nữ công gia chánh. Trong các hội hoa xuân hằng năm, bên cạnh việc tổ chức thi những loại hoa, cây kiểng tươi, còn có tổ chức thi cắm hoa nghệ thuật. Đó là những nét mới trong sinh hoạt văn hóa ở các tỉnh phía Nam.
Ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm đều tổ chức đường hoa. Đường hoa được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh vào Tết Giáp Thân năm 2004. Đến nay, đã 2 thập kỷ trôi qua, cứ tới dịp cuối năm, người dân thành phố Hồ Chí Minh lại háo hức chờ đón thông tin về Đường hoa Nguyễn Huệ, để xem năm nay có gì mới, đặc sắc ra sao. Đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành nét văn hóa Tết của Sài Gòn và cũng là hoạt động, nơi vui chơi giải trí không thể thiếu đối với người dân thành phố mỗi dịp Tết đến xuân về. Theo thông tin từ Ban tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 lấy chủ đề Xuân yêu thương, Tết sum vầy, bố cục làm ba phân đoạn với các khu đại cảnh và tiểu cảnh gồm các chủ đề: Nguồn cội quê hương, Băng sông vượt biển và Vươn mình hội nhập. Trong đó, hình ảnh linh vật rồng quay trở lại sau chu kỳ 12 năm với điểm nhấn ở cổng chào là đôi linh vật rồng uốn lượn dài 100m, hứa hẹn tạo ấn tượng cho khách tham quan.
Ảnh: Phối cảnh đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Giáp Thìn năm 2024
(Nguồn: BTC Đường hoa Nguyễn Huệ)
Dù có những biến đổi theo thời gian, không gian nhưng thú trồng hoa, chơi hoa ngày Tết hay trong cuộc sống thường nhật vẫn là thú vui tao nhã của mỗi người, mỗi gia đình và là nét văn hóa đậm bản sắc của người Việt trên đất Nam bộ.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 01 năm 2024
Võ Cư
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế
Tài liệu tham khảo:
- Thạch Phương – Hồ Lê – Huỳnh Lứa – Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb KHXH, Hà Nội.
- Huỳnh Ngọc Trảng (2001) Cây kiểng phương Nam, Nam bộ xưa và nay, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.