Trong dịp Tết cổ truyền của Việt Nam có một trong những món ăn không thể thiếu, không thể bỏ qua, đầu tiên phải nhắc đến chính là món Thịt Kho Tàu.Món ăn này thường được chế biến để dùng trong các ngày Tết vì có thể làm sẵn, ăn dần trong nhiều ngày nên rất tiện lợi vô cùng. Khi đến bữa thì dọn ra ăn ngay với cơm mà người nhà không phải bận công nấu nướng trong mấy ngày vui Tết, du Xuân.
Vậy món “Thịt Kho Tàu” có phải nguồn gốc, xuất xứ từ người Hoa?
Có hai cách hiểu như sau:
Ý kiến thứ nhất: Nhiều người cho rằng ngày xa xưa khi các tàu thuyền ra khơi, lênh đênh đánh bắt cá dài ngày trên biển, người ta thường kho một nồi thịt, thả vào đó vài quả trứng luộc dùng để ăn dần. Thế nên món này được gọi Thịt Kho Tàu.
Ý kiến thứ hai: Theo cách giải thích của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ trong đó có nhà văn Bình Nguyên Lộc chữ “tàu” trong văn hóa Miền Tây Nam Bộ có nghĩa “mặn ngọt lờ lợ”. Những cửa sông nơi tiếp giáp với biển là có vị lờ lợ như thượng nguồn sông Cái thì được gọi là Cái Tàu Thượng, hạ nguồn thì gọi là Cái Tàu Hạ, sông Lòng ở Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh thì được gọi Sông Lòng Tàu vì tại đây nước sông có vị lờ lợ. Như vậy, ta có thể hiểu món “thịt kho tàu” của người dân Nam Bộ chính xác là thịt kho có vị vừa ngọt, vừa mặn. Bởi tính chất lờ lợ khi được chế biến của nước dừa tươi cho vị ngọt và nước mắmcho vị mặn mà món thịt kho tàu có thể ăn liên tụcnhiều ngày vào dịpTết.
Nguyên liệu:
– 600gr thịt ba rọi, 3-5 trứng vịt/gà
– 1 lít nước dừa xiêm – 0.5 lít nước lọc
– 01 củ tỏi
– 01 quả ớt sừng chín đỏ, loại không cay.
Gia vị:
– 3 muỗng canh nước mắm, loại 40o đạm
– 01 muỗng cà phê bột ngọt
– 01 muỗng canh nước cốt chanh
Cách làm:
– Thịt sơ chế rửa sạch, cắt vuông to.
– Giã tỏi ớt ướp vào thịt cùng nước mắm, bột ngọt, nước cốt chanh (không ướp muối, không nêm muối trong suốt quá trình kho thịt.).
– Thịt sau khi ướp được xào sơ cho săn mặt, cho nước dừa, nước lọc vào nồi thịt, để lửa bùng to, khi sôi thì giảm lửa liu riu.Khi cạn 1/2 lượng nước thì tắt bếp.
– Sau khi nồi thịt đã nguội (để qua đêm càng tốt) bắt đầu kho thịt lần 2, cho trứng luộc đã bóc vỏ vào nồi thịt, kho lửa liu riu đến khi nước còn 1/3 –1/4 thì tắt bếp, nêm nếm cho vừa miệng.
Mẹo:
– Thịt sau khi ướp gia vị tỏi, ớt, bột ngọt, nước cốt chanh thì đem phơi nắng cho đến khô ráo bề mặt miếng thịt. Đây là cách giúp cho nước ướp ngấm sâu vào từng miếng thịt, Đồng thời nước cốt chanh giúp cho phần mỡ thành phẩm có độ trong, rất bắt mắt.
– Nước dừa tươi làm dậy lên màu nâu vàng dù không dùng đường, nước hàng hay phẩm màu. Thịt kho tàu, càng kho lâu màu càng đẹp.
– Trứng luộc có thể chiên sơ qua tạo màu vàng cho bề mặt trứng.
– Nước thịt kho phải được giữ lại nhiều để thịt không bị khô. Món thịt kho nhiều lần càng ngon.
Thịt Kho Tàu ngày tết có thể được ăn với nhiều món như cơm trắng, củ kiệu, dưa ghém và phổ biến nhất là món cải chua. Nhiều nhà còn cuốn thịt kho tàu cắt nhỏ chung với bánh tráng, rau sống thay cho cơm trắng thay đổi khẩu vị và đỡ ngán. Qua bài viết này, chúng ta nhận ra rằng cách thức chế biến món Thịt Kho Tàu không khó nhưng để có nồi thịt ngon miệng và bắt mắt thì quả thực không dễ chút nào. Bạn hãy thử một lần xem sao.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 02 năm 2021
Mai Phước Lâm
Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm – Trưng bày